Chị Hạnh Dung ơi,

Khi mới lên cấp 3, em có làm quen với 1 bạn nữ và cùng chơi chung nhóm gồm 6 người. Đến hết năm lớp 10, nhóm tụi em tăng lên thành 9 người.

Lúc tựu trường năm 11, bọn em quyết định ngồi cùng một tổ, nhưng một tổ chỉ có 9 người, nên sẽ có một bạn bị lẻ ra, và người đó lại chính là em. Em đến lớp thì đã thấy mấy bạn kia giữ chỗ cho nhau hết rồi, dù em không phải là người đến muộn nhất.

Ban đầu em cũng thấy việc ngồi một mình là bình thường, nhưng cứ đến giờ làm việc nhóm/tổ, em lại bị cho ra rìa. Có bạn còn nói: “Mày cứ ngồi dưới đi, không cần bàn, tí tụi tao đưa đáp án xuống”. Em tủi thân lắm, vì không hiểu tại sao các bạn lại đối xử với mình như vậy.

Trong lớp em cũng có chơi với vài bạn khác nữa. May mà có một bạn vẫn hay tâm sự và động viên em, chứ không là em cũng không biết sao nữa. Nhưng mà vì lớp có 41 học sinh, nên chỉ riêng em ngồi một mình, em cảm thấy buồn lắm.

Chị ơi, em nên làm gì ạ?

Nguyễn Hoàng Đan

Em Nguyễn Hoàng Đan thân mến,

Khi đọc hết lá thư của em, Hạnh Dung thở phào nhẹ nhõm. Thực ra chuyện này không có gì lớn, chỉ là em nhạy cảm quá mà thôi. Hạnh Dung tự nhớ lại thời học trò của mình, cũng từng rơi vào những trường hợp như em, khi mình tự dưng bị là con số lẻ trong một tập thể. Mình cũng bị cảm giác lẻ loi, cô đơn như thế.

Có thể khẳng định với em một điều, chẳng có bạn bè nào xa lánh em đâu. Chẳng qua là tự nhiên nó thế, con người ta thường có xu hướng bắt cặp, bắt đôi với nhau để trò chuyện, vui đùa dễ dàng hơn. Nên khi số lượng người không chẵn, thì ai đó, nếu không phải em, thì cũng là một bạn khác tình cờ bị lẻ loi một mình.

Ở đây chẳng có sự cố tình xa lánh hay cô lập nào cả, thậm chí điều các bạn nói rằng em không cần bàn, các bạn ngồi cùng nhau sẽ thuận tiện hơn để thảo luận, rồi đưa kết quả cho em, chính là một sự quan tâm chia sẻ rất có ý của các bạn. Các bạn không muốn em phải mất công chạy lên chạy xuống bàn của các bạn mà thôi.

Em cũng đâu phải người cam chịu lẻ loi, em cũng đã tìm được người bạn khác để kết thân, trò chuyện và chia sẻ tâm tình của mình. Bạn cũng động viên và ở bên cạnh em, dù bạn cũng đã có người ngồi chung bàn, nhưng bạn vẫn có thể là bạn của em cơ mà. Như vậy là em cũng rất mạnh mẽ và tự chủ rồi.

Em chỉ cần nhìn vào điểm tốt của việc mình phải ngồi một mình: Mình có thể tập trung hơn vào việc nghe thầy cô giảng bài, và sẽ học tốt hơn. Ngoài ra, em đừng nghĩ rằng mình bị xa lánh. Hãy đến với các bạn vào giờ chơi, hẹn hò các bạn cùng xuống căn-tin, cùng đi chơi, đến nhà nhau học bài, làm bài...

Có rất nhiều cách để gắn kết tình bạn, mà không nhất thiết phải ngồi cạnh nhau. Khi em mạnh mẽ, cởi mở, tự tin và dễ thương, tự nhiên bạn bè sẽ muốn đến gần em nhiều hơn, bỏ qua khoảng cách của những... chiếc bàn.

Hãy vui vẻ lên, em nhé. Hãy tự coi mình là một người thật đặc biệt, và trở thành một người đặc biệt vì mình "được chọn" để trở thành người đó.

Theo phụ nữ TPHCM