Lời chia tay tử tế

Lê Thanh Tùng (24 tuổi, ngụ tại P.Thanh Xuân Trung, Q.Thanh Xuân, Hà Nội) từng có một tình yêu đẹp. Sau mối quan hệ nhiều năm, cả hai cảm thấy không còn hạnh phúc và không muốn cố gắng nữa. 

“Điều mình có thể làm chỉ là thành thật nói lên suy nghĩ và mong muốn rời đi của mình. Lúc yêu nhau cả hai đều chân thành và tử tế với nhau và có những kỷ niệm đẹp. Dù cái kết không vui nhưng mình trân trọng những gì đã có của cả hai và tôn trọng đối phương, dành cho nhau sự tử tế đến những phút cuối cùng”, Tùng kể.

Người trẻ chọn cách chia tay văn minh - Ảnh 1.

Lê Thanh Tùng có quan điểm không làm bạn sau chia tay

NVCC

Theo Tùng, sau khi kết thúc một mối quan hệ không nhất thiết cả 2 vẫn có thể coi nhau là bạn bè, quan tâm giúp đỡ. Tùng buông bỏ nhẹ nhàng, dành sự tôn trọng cho đối phương và tiếp tục sống thật tốt khi không có đối phương.

Cũng như Tùng, Bùi Thảo Ngân (24 tuổi, quản lý dịch vụ khách hàng, công ty truyền thông Phê Phim) chọn chia tay khi cảm thấy tình cảm của đối phương không còn sâu đậm nữa. Khi đó, Ngân cảm thấy bạn trai đã ít quan tâm đến cảm xúc của cô hơn và đòi hỏi Ngân phải thay đổi nhiều thứ một cách vô lý.

“Mình chọn cách không đổ lỗi cho đối phương, cho hoàn cảnh và không đổ lỗi cho chính mình. Lời chia tay dễ chấp nhận nhất xuất phát từ mong muốn tốt hơn cho cả hai”, Ngân nói.

Ngân đã phải chấp nhận trở thành “nhân vật phản diện” trong câu chuyện, chấp nhận người cũ nói những điều không tốt về mình. Ngân nghĩ, càng cố hơn thua, tổn thương sẽ càng lớn hơn. Ngân tự nhủ: “Thật ra người kia nói xấu mình cũng chỉ là đang cố bảo vệ bản thân họ”.

Dù hết tình cảm, những thói quen từ mối quan hệ cũ cũng làm Ngân thấy trống vắng. Ngân không né tránh nỗi buồn bằng mạng xã hội hay những buổi tiệc tùng, cho phép mình có một trận khóc lớn và những cuộc tự đối thoại với bản thân. Sau đó, Ngân tìm về với những thứ có nhiều kết nối với mình như gia đình, thú cưng, vườn cây, hay một sở thích đã bị lãng quên để nương tựa cảm xúc.

Người trẻ chọn cách chia tay văn minh - Ảnh 2.

Thảo Ngân tìm cách để xoa dịu tâm hồn thay vì tập trung về mối quan hệ đổ vỡ

NVCC

Dứt khoát và rõ ràng

“Mình từng dựng video trong 3 năm yêu nhau để làm một video trong ngày cưới. Nhưng cuối cùng mình dùng nó để chia tay. Sau chia tay mình chọn làm bạn với người cũ. Một tình bạn rạch ròi, không xen lẫn tình yêu, luôn tôn trọng tương lai của bạn ấy”, Bùi Minh Dũng (27 tuổi, ngụ tại P.Rạch Dừa, TP.Vũng Tàu) chia sẻ.

Đối với Dũng, chỉ cần không khủng bố điện thoại, xúc phạm, đe dọa, khóc lóc, van xin hay kể xấu đối phương sau chia tay, mọi thứ sẽ kết thúc êm đẹp.

Chị Hồng Trân, một chuyên gia có kinh nghiệm 7 năm trị liệu tâm lý, chia sẻ có nhiều dấu hiệu mối quan hệ sớm đổ vỡ. Trong đó dấu hiệu thường thấy là hai người không có sở thích giống nhau, không có tiếng nói chung trong nhiều vấn đề, không có mục tiêu chung để tiến tới, hai người quên rằng đối phương cũng cần được “kích thích cảm xúc”.

Người trẻ chọn cách chia tay văn minh - Ảnh 3.

Theo chuyên gia Hồng Trân, chia tay cần sự dứt khoát, chia sẻ rõ lý do khi nhận thấy không thể tiếp tục cố gắng.

NVCC

“Nếu bạn nói rõ thì ít nhất họ biết phải sửa ở đâu. Dù trong mắt họ bạn là một kẻ tồi thì vẫn là kẻ tồi thẳng thắn. Có rất nhiều bạn hay chọn cách im lặng rời xa hoặc đưa ra lý do chung chung như “chúng ta không hợp nhau” làm cho đối phương phải buồn lâu hơn, tự trách bản thân, thậm chí còn quỵ luỵ và trở nên trầm cảm”, chị Hồng Trân nói.

Theo quan điểm của chuyên gia Hồng Trân, tốt nhất không liên lạc với người cũ, nên tôn trọng bản thân, tôn trọng sự tự do và hạnh phúc mới cho đối phương. Tuyệt đối không nên chỉ trích nhau công khai. Hãy giúp cho đối phương quên bạn mau, để mối quan hệ tương lai có cơ hội tới.

Để sớm trở lại bình yên cần tập chấp nhận việc chia tay. Cho phép bản thân được khóc, được tiêu cực, tìm cách để giải tỏa, không kiềm nén khiến mọi thứ càng tồi tệ. Sau đó, cần phải nhìn lại chính mình, khám phá những điều mới, kiến thức và trải nghiệm mới để lấp đi khoảng trống. Cuối cùng, nên cho bản thân được an nhiên, quay trở lại cuộc sống vốn có của mình.

“Bộ não của chúng ta mất ít nhất là 21 ngày để quên 1 người và 4 tuần để bắt đầu xoá ký ức, 2 tháng để thiết lập một thói quen mới. Vậy nên bạn đừng cố áp lực làm sao để quên họ, làm sao để hết buồn, hãy nghĩ rằng bạn cần sống sót qua 21 ngày sau khi chia tay trước đã”, chuyên gia Hồng Trân khẳng định.

Theo Thanh niên