Kính gửi chị Hạnh Dung,
Ngày chưa cưới, em đã biết gia đình chồng rất phức tạp. Gia đình chồng em ở quê; thỉnh thoảng về chơi, em cũng biết hoàn cảnh. Anh Hai và ba chồng em đều thích nhậu, mỗi lần nhậu vô hay cãi lộn.
Vợ chồng anh Hai hồi trước dịch lên thành phố làm công nhân, từ hồi dịch về nhà ở không tới giờ. Chị Hai hay hỏi mượn tiền em, nói để lo cho con nhưng có lần em thấy chị chơi số đề. Chồng em là con giữa, còn 1 cô em gái út nghỉ học từ giữa năm lớp Chín, đi làm mát xa gội đầu.
Chồng em khá nhất trong nhà. Lúc quen nhau, anh là kỹ thuật viên sửa máy tính ở trường. Em là giáo viên tiếng Anh, vừa dạy trong trường vừa dạy thêm bên ngoài.
Lúc đó, gia đình em rất phản đối nhưng em vẫn quyết định lấy anh. Em thấy thương và cảm phục vì nghĩ tuy hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng anh rất tự lập, thông minh, lên thành phố thuê nhà sống, đi làm thêm kiếm tiền đi học… Em nghĩ sau này mình chung sống với chồng chứ đâu sống với nhà chồng.
Thực sự sau ngày cưới, vợ chồng em cũng ở thành phố, ít khi về quê. Tuy nhiên, từ khi anh cưới em, nhà anh hay lên thành phố. Có người đi khám bệnh (sau này ba má anh bệnh thường xuyên), có người lên chơi với bạn bè, vợ chồng anh Hai thì lên tìm việc làm.
Từ lúc lấy chồng, em phải đi dạy thêm ở trung tâm buổi tối để đủ thu nhập cho cả 2 nhưng chồng em thường xuyên hỏi tiền. Tiền đưa cho ba má, anh em chồng đều không được trả lại nên tháng nào cũng hụt.
Mấy tháng đầu em mang bầu ốm nghén vật vã mà vẫn phải đi dạy, ba má em xót con nên cho riêng em một số tiền để chi dùng, bảo em không được đi dạy tối nữa kẻo ảnh hưởng đến sức khỏe và cái thai trong bụng. Chưa đến ngày sinh, số tiền trên đã chui vào túi gia đình chồng gần hết.
Chồng em gợi ý em xin ba má thêm tiền để lo sinh nở, rằng ba má dư tiền để làm gì mà không cho con cháu, chết cũng phủi tay mà đi thôi.
Tối hôm qua, em vẫn phải lục đục dắt xe ra đi dạy. Lúc đó, chị dâu đang ở nhà em hỏi chồng em: “Sao chú Ba không dắt xe cho vợ?”, chồng em cười cười nói: “Để vậy đi, cho ông bà ngoại thấy thì mới ra tiền”. Em nghe nghẹn đắng cổ họng, hình như em cưới lầm “thợ mỏ” rồi phải không chị?
Ngọc Chi (Bình Dương)
Em Ngọc Chi thân mến,
Thời thơ ấu gian khổ, cuộc sống vật lộn để thoát khỏi cảnh khó khăn có thể rèn luyện ý chí, nghị lực cho con người nhưng cũng có thể đến lúc nào đó khi khó khăn đã giảm bớt, người ta sẽ tự cho phép mình nghỉ xả hơi, cho rằng mình đã có nguồn đảm bảo.
Một vài lời trong lúc nói chuyện bâng quơ đùa cợt có thể chưa đủ để kết luận nhưng nếu bây giờ em đặt vấn đề một cách nghiêm túc hơn, để vợ và chồng đều thấy rõ trách nhiệm và khả năng của mình thì có thể thông qua suy nghĩ và việc làm của chồng để nhận biết em có yêu lầm người hay không.
Em có thể nhẹ nhàng nói với chồng rằng em mệt và không thể đi dạy thêm buổi tối, vì đã gần ngày sinh nở. Vợ mang bầu mà vẫn phải gồng gánh thêm việc làm, chồng thấy vợ vất vả mà không chia sẻ cũng không giúp đỡ là cái sai phải sửa ngay.
Lúc này, em cần ưu tiên giữ sức khỏe để chuẩn bị sinh con, nuôi con. Dù biết mình có thể cố gắng nhưng nếu em cứ “bao sân” mãi, đến lúc sinh con, em ở nhà một chỗ, chồng em sẽ gặp nhiều bối rối.
Vậy nên bây giờ vợ chồng phải ngồi lại với nhau bàn kế hoạch chi tiêu, tiết kiệm dành dụm cho sinh nở. Kế hoạch này chỉ nên là của vợ chồng em thôi. Không cần nhắc lại những lời dễ làm tổn thương nhau. Em chỉ cần biết vậy để phân định rõ ràng, không kéo ba má em vào câu chuyện này. Chồng em cần thể hiện vai trò điểm tựa cho vợ, tuyệt đối không thể chấp nhận chuyện ngửa tay xin tiền ba má vợ.
Hạnh Dung hiểu em đã kiên quyết lấy chồng, không theo ý ba má nên có thể lúc này em muốn giấu chuyện, cho ba má thấy em đã chọn đúng người. Đừng cố gắng che đậy. Nên trò chuyện với ba má. Cha mẹ nào cũng thương con. Lúc sinh nở, nếu khó khăn, em có thể dựa vào ba má. Mong em được bình tâm, mẹ tròn con vuông.
Hạnh Dung
Nếu tôi là người trong cuộc
Trầm Lê (Hưng Yên): Hãy nghĩ đến sức khỏe của mình
Đã chung sống với chồng và tiếp xúc với gia đình chồng, chắc chắn bạn cũng hiểu phần nào tính cách mỗi người. Tôi tin rằng sự nghi ngờ của bạn không phải đến từ lời nói đùa vu vơ của chồng bạn, mà có lẽ đã tích tụ từ lâu trong bạn.
Hôn nhân chẳng thể nào bền vững nếu người trong cuộc cứ mãi sống trong nghi ngờ. Theo tôi, bạn không cần quá bận tâm đến anh em bên chồng, cũng không phải nặng nề chuyện cha mẹ chồng, mà quan trọng nhất là chuyện của vợ chồng bạn.
Bạn cần soi xét lại chính mình, xem thử lòng tin của mình dành cho chồng có còn, sự ngăn cản của cha mẹ ngày xưa có đang ảnh hưởng đến suy nghĩ của bạn không. Có quá nhiều thứ cần nhìn lại và giải tỏa trong cuộc hôn nhân này.
Tuy vậy, ngay bây giờ, điều quan trọng nhất là chuẩn bị cho cuộc vượt cạn sắp tới. Hãy thật bình tĩnh. Hôn nhân quan trọng nhưng bản thân vẫn là quan trọng nhất. Mong bạn đừng quên điều đó.
Hương Trà (TP Thủ Đức, TPHCM): Cuộc hôn nhân này vẫn còn sửa được
Đọc thư, tôi cảm thấy thật chua xót. Tôi từng trải qua những ngày hôn nhân như thế, thấp thỏm lo lắng không biết chồng mình yêu thương mình thật lòng hay chỉ vì những điều kiện sẵn có của gia đình mình. Đôi khi tôi còn cảm thấy lớn lên trong một gia cảnh khá giả cũng là áp lực, bởi sẽ khó khăn hơn để nhận ra đâu là tình yêu thực lòng và đâu là sự thực dụng.
Cuộc hôn nhân đầu tiên của tôi đã tan vỡ như thế. 2 tuần sau khi cưới, chồng tôi đòi tôi về xin tiền ba mẹ để mua nhà ra riêng. Tôi không đồng ý, thế là anh ra sức đánh đập. Tôi như người rớt từ cung trăng xuống sau những ngọt ngào của giai đoạn yêu đương.
Cuộc hôn nhân ấy kéo dài 3 tháng. Tôi vô cùng thất vọng về tình yêu lẫn hôn nhân. Sau này bình tâm nhìn lại, tôi cứ tiếc mãi. Có lẽ ngày đó tôi chưa thực lòng muốn sửa chữa con người này, không muốn cùng nhau hàn gắn và thay đổi mọi thứ để sống tiếp. Giá mà có cơ hội, có lẽ tôi sẽ hành xử khác.
Theo tôi, bạn hãy để sự thất vọng lắng xuống. Hãy quên 2 chữ “đào mỏ”. Hãy bắt đầu xây dựng lại lòng tin và tình yêu.
Theo phụ nữ TPHCM