Kính gửi chị Hạnh Dung,
Ba em năm nay gần 70 tuổi. Ông vốn rất thương yêu vợ con và khi có cháu thì rất chiều chuộng cháu. Trong ký ức của em, thời gia đình còn khó khăn, ba luôn nhường hết mọi món ngon cho các con và vợ.
Thế nhưng trong khoảng vài tháng trở lại đây, em thấy ba đổi tính. Ông vui buồn, nổi nóng bất chợt; khẩu vị, sở thích cũng thay đổi. Trước ba hay ăn mặn, ghét ngọt thì nay lại ăn ngọt nhiều. Những món xưa nay thích ăn thì giờ dọn lên ba lại nói ngán, không thèm đụng tới.
Mới đây, con em còn nói là ông hay ăn đồ ăn của con. Những món của trẻ con như thạch trái cây, trà sữa, váng sữa, kem... em mua để tủ lạnh cho con ăn dần và cũng không để ý thì giờ mới hay là ba lấy ăn. Ngay cả những món trước đây ba nói là không bổ dưỡng, không nên ăn như gà rán, khoai tây chiên thì giờ mỗi khi em mua về cho con, bé kể là ông cũng ăn cả phần con.
Em không tiếc gì với ba cả, nhưng cũng thấy hoang mang. Ông bà thường nhường nhịn cho cháu ăn, sao ba em lại thế? Gần đây ba có biến cố sức khỏe, phải trải qua đại phẫu, có truyền máu, không biết có phải vì truyền máu của người khác hoặc khi chạm cửa sinh tử thì người ta sẽ đổi tính như lời đồn thổi không?
Chuyện này em không dám nói với ai, kể cả chồng, sợ anh coi thường ba vì hiện ba sống cùng vợ chồng em. Em phải làm sao?
Tuyết Anh (Đà Nẵng)
|
Ảnh minh họa |
Em Tuyết Anh thân mến,
Hạnh Dung xin nói ngay để em yên tâm rằng, chuyện ba em thay đổi tính tình, khẩu vị là điều bình thường, không phải do truyền máu hay bất cứ nguyên nhân tâm linh nào khác đâu, em nhé.
Một người có thể lúc trước thích món này, giờ lại không thích hoặc từng ghét cay ghét đắng món khác, nay ăn bỗng thấy ngon. Đó cũng tùy vào nhu cầu cơ thể trong từng giai đoạn. Hạnh Dung từng biết có người thời trẻ không uống một giọt cà phê nào, đến khi già 80-90 tuổi lại… ghiền cà phê, ngày nào cũng phải uống ít nhất 1 ly mới chịu.
Các món em nghĩ chỉ dành cho trẻ con, giờ thấy ba ăn nên ngạc nhiên, thật ra cũng không có gì lạ. Khẩu vị con người sẽ thay đổi theo thời gian. Người ta hay nói, khi về già, con người sẽ dần trở về như những đứa trẻ. Điều đó đúng cả trong tính cách lẫn thói quen, cách ứng xử. Người già sẽ trở nên nhạy cảm, mong manh, dễ tổn thương, thích được quan tâm nhiều hơn.
Có thể em đã quen với hình ảnh người ba bao dung, rộng lượng, luôn hy sinh suốt một đời. Đến giờ, khi tuổi đã cao, sức khỏe đã yếu, ba em có những phút giây sống thật với sở thích của mình thì em chưa quen, thấy như “thần tượng trong lòng sụp đổ”. Hạnh Dung tin đây chỉ là những cảm xúc thoáng qua, rồi em sẽ bình tâm lại để hiểu đúng.
Để yên tâm hơn, em nên đưa ba đi kiểm tra sức khỏe tổng quát. Đôi khi khẩu vị thay đổi cũng liên quan đến tình trạng dinh dưỡng và khả năng hấp thu của người già. Có lời khuyên của bác sĩ, ba sẽ biết cách chọn những thực phẩm tốt cho sức khỏe hơn.
Em hãy mừng vì ba còn ăn uống được, còn cảm thấy ngon. Nếu ba thích ăn những món giống cháu, em hãy mua nhiều hơn cho cả ông và cháu cùng ăn vui vẻ với nhau. Đến một giai đoạn nào đó, dù ăn gì, người già cũng sẽ không thấy ngon, lúc ấy em có đem sơn hào, hải vị cho họ cũng vô nghĩa.
Em hãy nghĩ, còn chăm lo, phụng dưỡng được cho ba ngày nào là hạnh phúc ngày đó; chứ khi ba không còn, có làm giỗ chạp, cúng kiếng linh đình cũng chỉ là cách để nguôi ngoai nỗi nhớ trong lòng người ở lại mà thôi. Chúc gia đình em luôn vui vẻ, hạnh phúc.
Theo phụ nữ TPHCM