24 tuổi, tôi về làm dâu mẹ. Bản tính hậu đậu cộng thêm tật hơi lười khiến tôi vụng về chuyện nhà cửa. Thấy tôi làm trước đổ bể sau, mẹ chồng hầu như đảm đương hết chuyện bếp núc.

Hễ nghe bất cứ chuyện gì của tôi, mẹ chồng đều đem ra so sánh với bà khi trẻ. Biết tôi dở tính toán, bà lại kể ngay câu chuyện hồi 12 tuổi đã thay bà ngoại quang gánh bánh phở ra chợ huyện bán kiếm tiền. Thấy tôi loay hoay không biết chọn củ su hào, bà vừa lựa, bỏ vào túi vừa chép miệng: “Hồi mẹ chưa tròn 20 tuổi đã biết đi chợ lựa đồ ăn về nấu cho cả gia đình”.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Tôi sinh con, sữa về trễ, cộng thêm nỗi lo sợ lần đầu làm mẹ khiến tôi chịu nhiều áp lực. Bà vừa dỗ cháu vừa lắc đầu: “Hồi còn trẻ, mẹ sinh chồng con, hôm trước hôm sau sữa về chảy ướt cả áo”. Tôi chạnh lòng vì những lời nói tưởng chừng bình thường ấy của mẹ chồng. Hành trình nuôi con những ngày đầu, nhiều khi đầu tôi muốn nổ tung vì sự so sánh của bà: nào là khi còn trẻ, một tay mẹ vừa chăm chồng con, vừa chăm ông nội bị liệt nửa người, chẳng ai đỡ đần hay phụ trợ. Lúc thì bà nhớ chuyện ngày xưa, đêm ngủ vài tiếng, ngày phải căng mắt ra thức chăm con, chẳng sung sướng như tôi bây giờ. Tới giai đoạn bé ăn dặm, bà lại so sánh thời nay và xưa, rồi lại kết thúc bằng câu: “Hồi mẹ còn trẻ...”.

Không ít lần cảm thấy áp lực với những câu chuyện kể của mẹ, tôi bộc bạch với chồng. Trái với mong đợi được cảm thông, anh chỉ xoa dịu: “Mẹ già rồi, em chấp chi người già cho mệt’’. Rõ ràng tôi đâu có ý hơn thua, mẹ mới là người luôn cho rằng mẹ đúng - tôi nghĩ vậy.

Hết giai đoạn thai sản, tôi quay lại với công việc. 6 tháng tôi nghỉ sinh, nhân sự công ty cũng thay đổi nhiều. Tôi làm việc với hơn một nửa là người mới, cả quản lý cũng mới. Nhiều lần đụng chạm, bất đồng trong công việc, chúng tôi xảy ra mâu thuẫn, cãi vã lớn tiếng. Mang ấm ức về kể lại với mẹ chồng và chồng trong bữa cơm. Bà chỉ trầm ngâm bảo: “Hồi mẹ còn trẻ, ra đường chẳng ai dám bắt nạt mẹ”.

Cổ họng tôi nghẹn đắng, nỗi hậm hực càng lớn dần lên: sao lúc nào mẹ cũng đem bản thân ra để so sánh, cố ý “dìm hàng” con dâu.

Từ đó, tôi chẳng tâm sự với bà bất cứ chuyện gì liên quan đến mình nữa. Mẹ thích chê bai rồi mang bản thân ra làm bài học, minh chứng cho sự giỏi giang, thành công. Vậy thì tôi nhất định không để lộ ra bất kỳ điểm yếu nào, như vậy bà mới không nắm được thóp mà ra oai. Mẹ chồng, con dâu dần xa cách. Cuộc trò chuyện của cả 2 chỉ xoay quanh vài thông tin mà tôi đã cẩn thận lựa chọn: sáng, trưa, chiều nấu món gì, cần mua gì khi đi chợ…

Bà nhận ra những khác thường của tôi và cũng bắt đầu kiệm lời. Tôi tưởng mình sẽ nhẹ nhõm hơn, nhưng hình như không hẳn. Những buổi cơm chiều thay vì kể chuyện nhau nghe, mẹ chồng tôi chỉ cúi gằm mặt lùa cơm. Những buổi sáng sớm cùng nhau nấu ăn, thay vì hỏi han, chỉ bảo, mẹ chồng tôi chỉ chăm chăm vào việc của bà. Tôi chạnh lòng khi nghĩ mình đã vô tình làm mẹ chồng tổn thương.

“Hồi còn trẻ, mẹ thích buôn bán hơn là nấu ăn hả mẹ?” - tôi hỏi trong lúc xếp gọn đống chén dĩa. Bà giật mình, quay lại rồi ấp úng: “Ừa, mẹ cũng giỏi buôn bán hơn”. Như bắt được sóng, bà lại cười nói vui vẻ kể chuyện hồi xưa. Tôi giật mình khi nhận ra câu chuyện bà vừa dứt lời lại được bà kể thêm lần nữa. Tôi nhìn thấy tóc bà bạc hơn, chân chim cũng nhiều hơn nơi cuối mắt.

Tôi nghe khóe mắt cay xè khi bà bỏ dở câu nói: “Mẹ kể chuyện nhiều chỉ muốn mẹ con mình thân thiết thêm thôi…”. Tôi càng tự trách mình khi nhận ra câu “hồi còn trẻ” mà bà hay nói không nhằm mục đích hạ bệ hay chê bai tôi thua kém. Trong suy nghĩ của bà, lấy chính bản thân ra để làm minh chứng sẽ giúp tôi hiểu rõ hơn về cách giải quyết khó khăn mà tôi đang gặp.

Người già sống phần đời còn lại bằng hồi ức về tuổi trẻ đã qua. Họ kể chuyện cũ với con cháu cũng là cách để họ nuôi nấng những niềm vui ít ỏi trước khi đến cuối cuộc đời. Thời điểm đó, tôi lờ mờ hiểu thêm: mẹ chồng biết bản thân bà sắp quên, nên tranh thủ kể hết những chuyện mình còn nhớ.

Theo phụ nữ TPHCM