Dung ngoài 30 tuổi, độc thân và được mẹ chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ. Tầm tuổi Dung, bạn bè hầu hết đang phải bận bịu chăm sóc con cái trong khi cô thì sống rất thong thả, an nhàn, dường như chẳng có gì phải lo.
Người ngoài nhìn vào cảm thấy Dung rất hạnh phúc, nhưng mấy ai biết nỗi khổ tâm của cô. Mẹ của Dung là kiểu phụ nữ chỉ thích quanh quẩn trong nhà, nội trợ và chăm sóc chồng con là điều bà vui nhất, nhưng cách của bà làm người thân ngột ngạt.
Hằng ngày, Mẹ của Dung dậy từ 5 giờ sáng, lục đục ủi mớ quần áo khô vừa lấy ngoài dây rồi làm đồ ăn sáng cho cả nhà, nấu nước mát cho con đem theo đi làm. Sau đó bà lại quét dọn sân vườn, lau nhà cửa ngày 2 lần... Những việc đó lặp đi lặp lại như một chế độ tự động được cài đặt sẵn. Ngày nào vì lý do gì khiến “biểu đồ sinh hoạt” bị chệch choạc là bà khó chịu.
Vì không thích sự xáo trộn hay bất cứ sự thay đổi nào nên trừ những lúc đau ốm không thể ngồi dậy nổi, chứ nếu chỉ nhức đầu, sốt nhẹ, hơi mệt... bà vẫn làm mọi thứ như lịch sinh hoạt mỗi ngày.
Mẹ Dung không thích ai làm thay vì sợ họ làm không đúng cách của bà. Dung kinh ngạc vì mẹ mình có thể đều đặn làm những việc giống nhau trong suốt 30 năm mà không thấy chán. Nhưng khổ nỗi bà cũng chẳng thấy vui. Hồi bà còn trẻ, những công việc ấy vừa với sức khỏe, nhưng giờ đã gần 70 tuổi, chúng quá sức của bà nên ngày nào cũng vừa làm vừa than.
Cả nhà Dung nhìn bà hì hục làm hết việc này đến việc kia mà vừa thương vừa ngán ngẩm. Nhiều lần Dung nói: “Nếu mẹ làm việc nhà thấy vui, thấy khỏe thì hãy làm, còn thấy mệt thì mẹ nghỉ đi, cơm nước để đó đi làm về con nấu, nhà cửa cuối tuần con dọn dẹp kỹ lưỡng”, nhưng bà vẫn cứ làm mọi việc theo ý mình và cằn nhằn khi chồng con sơ ý làm trái những “quy định” như thay bộ đồ ra để không đúng nơi, quên dẹp ống nước sau khi tưới cây...
Đã vậy, mẹ của Dung còn hay giận, hở một chút là bà giận. Bà thường xuyên ủi và treo sẵn một bộ đồ cho Dung đi làm, hôm nào cô mặc bộ khác là bị bà giận mất mấy ngày, mặc kệ Dung giải thích đủ kiểu: nào là vì thấy trời nóng nên thích mặc bộ màu trắng cho mát, nào là hôm nay không phải đi ra ngoài gặp đối tác nên mặc bộ của mẹ để sẵn không thoải mái.
Hôm nào Dung quên đem theo bình nước đã được chuẩn bị sẵn đi làm, quên không báo cắt cơm nếu có việc không ăn ở nhà, hoặc trời lạnh mà ra ngoài không mặc áo khoác... đều bị bà giận. Hiểu tính mẹ lúc nào cũng lo lắng cho con nên những khi bị mẹ giận, Dung đều xin lỗi, năn nỉ, giả lả cười nói với bà.
Mẹ Dung đã biến một phụ nữ ngoài 30 trở thành đứa trẻ. Chính xác hơn, bà chưa bao giờ muốn con gái lớn lên mà vẫn nhìn cô hệt như hồi tiểu học, khiến cô thấy mình vô dụng vì không có cơ hội làm điều mình muốn.
Mẹ cô làm mọi thứ, nhưng cũng muốn kiểm soát mọi thứ ở cô. Dung đi công tác bao nhiêu ngày là bấy nhiêu lần phải gọi điện thoại báo cáo bà lịch ăn - ngủ - đi - về. Những lần cô nhất quyết “vùng lên”, không gọi cũng không nghe điện thoại mẹ gọi thì xong đợt công tác về nhà Dung sẽ nghe ba kể: “Vì không liên lạc được với con nên mẹ không ăn không ngủ được”.
Có đôi khi quá bực, Dung gào lên: “Sao mẹ không thương con theo cách con cần. Mẹ chỉ thương con theo cách mẹ muốn. Thay việc hỏi con đi công tác với ai, mọi việc có thuận lợi không... thì toàn mẹ dặn những thứ linh tinh”.
Với nhiều người, nói như vậy chẳng có gì quá đáng, nhưng mẹ của Dung thì khác, bà khóc lóc than cô là đứa con bất hiếu. Vậy nên, từ nhỏ đến giờ, Dung trân trọng những gì mẹ làm cho mình, nhưng cô ước gì được mẹ quan tâm theo cách khác. Dầm mưa một ngày không chết, bỏ ăn một ngày cũng không chết... vậy nên, thay vì lăng xăng làm cơm, chuẩn bị đồ cho con tắm sao mẹ không nhìn kỹ vào ánh mắt hay thần sắc của con để hỏi: “Hôm nay trông con mệt vậy? Ở cơ quan xảy ra chuyện gì à?” hoặc chỉ cần để cô nằm yên tĩnh trong phòng, đừng hối chuyện cơm nước.
Dung đã trưởng thành từ lâu rồi, sao mẹ không thay đổi cách quan tâm của bà. Dung mong bà biết một ngày của con gái đã diễn ra như thế nào, tâm trạng con đang ra sao, ước mơ của con là gì, con đang theo đuổi điều gì... Dung sẽ hạnh phúc biết chừng nào.
Nhưng điều ước đó với Dung quá xa xôi nên cô chỉ mơ một điều giản dị, mẹ yêu con theo cách của mẹ cũng được nhưng đừng bắt con cái phải đáp lại tình cảm ấy, đòi hỏi người khác phải quan tâm lại mình như cách mẹ muốn. Đó là kiểu tình yêu khiến đôi bên mệt mỏi.
Theo phụ nữ TPHCM