leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Sau giờ làm việc tăng ca đến 8h tối, tôi về nhà trong tâm trạng mệt mỏi, cứ tưởng chồng ở nhà đã cho con ăn uống, tắm rửa, ai dè vừa về đến nhà là cảnh tượng không dễ chịu đập ngay vào mắt: Cậu con trai 8 tuổi mải mê xem ti vi và ăn tạm đồ ăn vặt, chồng thì đang chăm chú chơi game trên điện thoại, đến nỗi không hề nghe thấy bước chân vợ và tiếng mở cửa. Bếp núc im lìm, không có bất cứ thứ gì ăn được, con trai chưa tắm. Tôi lập tức bốc hỏa.

Đây không phải là lần đầu tiên vợ chồng tôi cãi nhau vì cái điện thoại. Hồi mới cưới, mỗi khi thấy chồng cầm điện thoại lướt lướt quẹt quẹt, tôi thường hãy giận dỗi hỏi anh, không hiểu có gì trên điện thoại mà mê đến vậy, cả ngày đã cắm mặt vào máy tính ở cơ quan, vậy mà về nhà vẫn không chịu buông điện thoại. Anh nói với tôi lên mạng xem tin tức chứ chẳng lẽ sống ở thời đại 4.0 mà lại là người mù thông tin, chẳng biết gì ở thế giới ngoài kia.

Thời gian đầu, mỗi đêm, trước khi ngủ chồng tôi vẫn tranh thủ xem tin tức, đọc báo và nói rằng sẽ xem một chút rồi tắt máy. Tuy nhiên, mỗi lần như thế, anh như bị cuốn theo dòng tin tức, hình ảnh, có khi đến nửa đêm mới đi ngủ. Anh quên mất tôi nằm cạnh bên, tôi cũng có nhu cầu nói chuyện, chia sẻ mọi thứ với chồng.

Lần nào cũng vậy, khi tôi quay qua thì thấy anh đang say mê ôm điện thoại, vậy là anh tôi giận, nằm quay lưng lại phía anh và ngủ. Dần dần, chúng tôi dường như chẳng chuyện trò gì cùng nhau.

Chứng “nghiện” điện thoại của chồng tôi trở nên nặng hơn vài năm gần đây. Hễ về đến nhà là anh lại “ôm” điện thoại không buông. Tôi nói thế nào anh cũng không chịu buông chiếc điện để ngồi vào bàn ăn đúng giờ. Anh mê mải quẹt điện thoại, xem phim, chơi game thâu đêm, cả ngày không buồn nhìn mặt vợ, con.

Thậm chí, những ngày cuối tuần, khi cả gia đình ra ngoài đi ăn, đi chơi, nhưng tới quán là anh rút điện thoại ra và liên tục bận rộn trên ấy. Tôi thấy anh mở cả chục cửa sổ, từ xem tin nhắn công việc trên Zalo, đến nghe điện thoại của khách hàng và cả lướt Facebook, chát chít với bạn....Tôi mong được nói chuyện gia đình, việc con cái học hành, tiền nong nhà cửa... nhưng anh chỉ ngẩng lên lấy lệ rồi lại chúi đầu vào màn hình. Tôi thấy chạnh lòng khi những giây phút vui đùa với vợ, con không đổi được niềm vui của chồng bên chiếc điện thoại.

Không chỉ thế, gia đình tôi còn trải qua một khoảng thời gian lình xình, căng thẳng khiến hôn nhân như muốn đứt, cũng bởi chồng quá mê điện thoại. Có lần tôi đau đầu, nhờ anh ra đầu ngõ mua cho viên thuốc giảm đau, nhưng anh vẫn ôm điện thoại và nói anh đang bận lắm, tôi hãy tự đi. Tôi bất mãn, tuyệt vọng, nhưng biết cãi cọ nữa cũng không làm thay đổi tình hình. Cuối cùng đành chọn cách không quan tâm tới anh, phần ai nấy sống. Cho nhau 1 khoảng thời gian để suy nghĩ lại mọi việc, nếu không thể tiếp tục thì ly hôn.

Sau 1 thời gian “phần ai người nấy sống”, chồng tôi dần nhận ra vấn đề, anh xuống nước xin lỗi và hứa thay đổi, cố gắng tiết chế thời gian sử dụng điện thoại. Chồng tôi bắt đầu cài đặt phần mềm quản lý thời gian dùng điện thoại. Anh khoe với tôi kết quả thông báo, sau một tuần anh đã ít dùng điện thoại hơn so với trước. Tôi khuyến khích anh tiếp tục “giữ phong độ” hình thành thói quen tốt sau 21 ngày và tiếp tục trong thời gian dài. Khoảng thời gian bù lại, chúng tôi cùng nhau nấu ăn, đi dạo, chơi cùng hai con hoặc cùng nhau xem phim trên ti vi.

Một người bạn tôi từng nói: Nếu để ý sẽ thấy những người cô đơn rất hay lên mạng. Họ lên đó tìm niềm vui, tìm bạn, để trao đổi, giải khuây, để lấp đầy những khoảng trống trong tâm hồn và những khoảng thời gian rảnh rỗi. Nhưng liệu nhận định ấy có đúng không trong trường hợp của gia đình tôi trước đây và rất nhiều người ngoài kia. Họ cũng là những người có gia đình, có đôi có cặp hẳn hoi mà đi đâu cũng khư khư cái điện thoại. Không tin, bạn thử vào các quán ăn hay quán cà phê mà xem, có phải nhiều người đang ngồi cạnh nhau đấy mà mắt vẫn dán vào cái màn hình điện thoại như bị nam châm hút không?

Khoa học hiện đại khiến cuộc sống bị “công nghệ hoá” về mọi mặt. Không ai phủ định mặt tích cực của sự phát triển, dù người ta phải đồng thời chấp nhận các hệ luỵ kéo theo đó. Dù điện thoại, Internet giúp con người kết nối với thế giới, nhưng cũng trở thành tác nhân khiến người ta xa nhau, mất kết nối với người ngay bên cạnh, và tôi nghĩ, điều gì cũng cần có chừng mực, việc dùng điện thoại cũng không ngoại lệ. Nếu vợ hoặc chồng đầu tư quá nhiều thời gian cho thú vui lướt web, thì hạnh phúc gia đình có nguy cơ bị đe dọa.

Theo giadinhonline