|
|
Với nhiều phụ nữ, hôn nhân chỉ cần là chung sống hạnh phúc, không cần phải ràng buộc pháp lý (Ảnh minh họa) |
Hôn nhân không ràng buộc là gì?
Theo định nghĩa của người trong cuộc, đó là những cuộc hôn nhân không phụ thuộc vào những ràng buộc pháp lý và thông lệ. Nghĩa là có thể có đăng ký kết hôn, có thể không. Có thể tổ chức đám cưới, báo hỷ, nhưng cũng có thể chẳng có một động thái công bố nào. Cứ thế mà góp gạo để chung nhà. Tài sản có thể cùng hùn tiền sắm chung, hoặc ai có gì dùng nấy. Con cái có thể sinh 1-2 đứa, nhưng cũng có thể làm “vợ chồng son dài hạn”.
Hôn nhân không ràng buộc có gì vui?
Mới đây, câu chuyện của một nữ diễn viên khiến tôi nghĩ ngợi nhiều. Nữ diễn viên nói cô đã tái hôn với một người đàn ông và có chung một đứa con. Nhưng vì công việc, vợ chồng họ thành “vợ chồng Ngâu”, một tháng đôi lần đến thăm nhau. Một ngày, cô phát hiện ra đồ đạc của chồng cứ biến mất dần khỏi ngôi nhà chung, rồi đến lượt người chồng lặng lẽ rời hẳn khỏi cuộc đời cô. Nữ diễn viên không ngạc nhiên, không đau đớn, vì cô tin rằng duyên phận với nhau chỉ đến thế thôi.
Tôi có một người bạn nam giới. Trong nhiều năm, tôi chứng kiến mối tình của cậu ấy với Khánh Linh, một cô gái nền nã, dịu dàng.
Khác với vẻ nền nã, dịu dàng bên ngoài, Khánh Linh rất… dữ dội trong quan niệm về hạnh phúc. Cô tuyên bố: "Chỉ cần yêu, không cần cưới. Chỉ cần có thể thấy hạnh phúc khi sống chung với nhau".
Tất nhiên, nếu "anh ấy" muốn cưới, cô bằng lòng, nhưng nghĩa là với cô, điều đó không phải là quá quan trọng, không phải là điều bắt buộc. Khánh Linh không muốn ràng buộc một người đàn ông bằng tờ giấy đăng ký kết hôn. Thậm chí, nếu cưới rồi mà chồng có muốn ly hôn, cô cũng không níu giữ.
Quan niệm đó của Khánh Linh khiến phần lớn bạn bè, trong đó có tôi lấy làm lạ. Nhiều người còn bảo cô “điên”. Đàn bà, ai mà chẳng muốn có nơi có chốn, muốn ổn định, muốn sở hữu người đàn ông của mình. Cứ thử để “chàng” đi với người phụ nữ khác xem, lại chẳng nhảy dựng lên ấy chứ. Lúc trẻ thì cứ yêu, cứ kệ, nhưng đến lúc đứng tuổi, già cỗi, liệu có dám mạnh miệng như thế mãi không?
Trước sự dữ dội của dư luận, cùng sự thúc ép của 2 bên gia đình, Khánh Linh vẫn cứ… bình chân như vại. Tôi lo cho cô hơn là sợ. Nhưng rồi, khi tôi vẫn chưa hết lo, thì họ chia tay nhau.
Bạn tôi bảo: “Mấy năm đầu yêu nhau kiểu đó, thấy vui, thú vị, nhưng lâu thì… sợ.” Cậu ta cho rằng quan niệm hôn nhân không ràng buộc của Khánh Linh khiến cậu thấy bất ổn. Vì một người “đến hôn nhân, ràng buộc, gắn bó cũng không cần như thế, thì liệu có làm một người mẹ tốt, hết lòng vì con cái hay không”?
|
Bạn tôi ngại gắn bó lâu dài với người phụ nữ chuộng hôn nhân không ràng buộc, vì lo người mẹ ấy không thể chu toàn con cái, gia đình (Ảnh minh họa) |
Gần đây, tôi gặp một người phụ nữ đứng tuổi mà tôi ngưỡng mộ từ lâu. Gia đình cô có nhà cửa đẹp, rộng rãi, vợ chồng vui vẻ, con cái thành đạt. Nhưng khi đã thân thiết hơn, cô bất chợt chia sẻ với tôi: "Từ nhiều năm nay, chồng cô có người phụ nữ khác. Họ qua lại với nhau đã lâu, có một đứa con chung, và chú còn mua đất, làm nhà cho bồ nhí luôn rồi".
Tôi lại ngạc nhiên: "Vậy mà cô chú không ly hôn? Cô mặc kệ họ à?".
Cô bảo: "Cô không muốn ép người khác phải sống theo ý mình. 2 đứa con của cô, chúng tự do lựa chọn nghề nghiệp và hôn nhân. Cô không phó mặc, nhưng chỉ góp ý và phân tích kỹ càng, sâu sắc các vấn đề, rồi để các con tự quyết. Cuộc hôn nhân với chú cũng vậy. Cô không muốn ràng buộc một người đã “cạn tình” với mình, nên cứ mặc chú làm theo ý chú mà thôi".
"Thế còn người phụ nữ kia? Bồ nhí của chú ấy? Chị ta không muốn làm đám cưới với chú sao?", tôi hỏi.
Cô lại cười, bảo: “Cô chắc cô ta cũng không quan trọng cái giấy đăng ký kết hôn. Có chồng hờ, có con, có nhà, cần gì nhiều hơn cho phiền phức”.
Hôn nhân không ràng buộc có tốt không? Tôi không thể kết luận, có lẽ cũng không ai có thể chắc chắn kết luận. Nhưng quả thực câu chuyện nữ diễn viên chứng kiến đồ đạc của chồng, rồi chính người chồng lặng lẽ rời khỏi cuộc hôn nhân, khiến tôi day dứt.
Có thể, nhiều người kết hôn sinh con cái với nhau, nhưng không ràng buộc về tài sản, thì sự chia tay cũng nhẹ nhàng thôi. Hoặc họ có chung tài sản, nhưng một trong 2 người không lấy đó làm quan trọng lắm, thì cuộc chia tay cũng chẳng nặng nề. Và bởi quan niệm không nhất thiết ràng buộc nhau bằng các thủ tục cũng là một lựa chọn dễ chịu. Tuy nhiên, sự lựa chọn nào cũng có được và có mất... và nỗi đau mất mát vốn không hề dễ hình dung.
Theo phụ nữ TPHCM