Mới 40 tuổi, lần thứ 2 trong đời Liên bị lao. Lần đầu khi cô là sinh viên, ăn uống thiếu thốn, lại phải làm thêm nhiều đầu việc để có tiền ăn học nên sức khỏe suy kiệt. Còn bây giờ, cô có chồng con, đã tậu được căn chung cư cao cấp ở TP Thủ Đức (TPHCM), đang là trưởng phòng của một công ty quảng cáo, lương trên 50 triệu đồng/tháng, vậy mà Liên lại lần nữa bị lao.

"Giờ mình tiền không thiếu thốn như ngày xưa, nhưng có lẽ lao lực nên bệnh tái phát”, Liên buồn rầu nói.

Liên kể, thời gian dịch COVID-19 bùng phát, trường mầm non đóng cửa, cô vừa làm việc ở nhà vừa chăm con. Chưa kể, suốt nhiều tháng trời thực phẩm khan hiếm, Liên lo xa nên đặt mua hàng sỉ, từ rau củ tới thịt cá. “Lúc đó không thuê được người giúp việc nên chuyện sơ chế thịt cá rau củ để bảo quản tủ lạnh rất vất vả. Lo xa nên mỗi lần mua được, mình mua rất nhiều, nhiều đêm thức tới 2-3 giờ sáng để sơ chế. Dịch vừa bớt thì mình cũng kiệt quệ sức”.

Tôi hỏi chồng đâu, sao không phụ, ít nhất là việc chăm con. “Ôi trời, thôi đừng nhắc, có chồng cũng như không”, Liên nói.

Anh Hải, chồng Liên là con trai út trong gia đình có 3 chị gái. Từ nhỏ đến lớn Hải không biết làm gì, ngay cả chuyện cắm nồi cơm điện. Khi có gia đình, Hải cũng mặc định chuyện bếp núc là của phụ nữ. Trước dịch, Liên thuê giúp việc theo giờ để dọn dẹp nhà cửa và nấu ăn nên mọi việc ổn thỏa.

Khi dịch đến, không thuê được nữa, từ đó một mình cô cáng đáng mọi thứ. Cô than vãn: “Nhờ ổng chơi với con thì ổng cho nó xem điện thoại hoặc tivi cho rảnh tay. Nhờ ổng phụ việc trong bếp thì ổng bảo “có gì ăn đó, mì gói cũng được, cầu kỳ làm gì”.

Thậm chí những việc cần đàn ông như sửa điện, nước ổng cũng bảo thuê người làm. Ổng chỉ thể hiện vai trò làm chồng khi mỗi tháng đưa 10 triệu đồng sinh hoạt phí và khi đòi hỏi chuyện ấy thôi”, Liên chua chát nói.

Liên đang học lái xe ô tô. “Mỗi lần về quê hay đi đâu xa, bảo ổng lái xe chở hai mẹ con đi thì hay mặt nặng mày nhẹ. Mình học để tự lái, khỏi phải nhờ ổng nữa”, Liên giải thích.

Liên chưa nghĩ đến chuyện ly hôn vì thương con. “Riết rồi mình coi như không có chồng, tự lo hết mọi việc, khỏi so đo, tính toán gì với ổng cho đỡ mệt mỏi”, Liên kết luận.

Chồng hờ hững chuyện ấy khiến Ngân tủi thân (Ảnh minh họa)
Chồng hờ hững chuyện ấy khiến Ngân tủi thân (Ảnh minh họa)

Cũng như Liên, Ngân không thể kết thúc cuộc hôn nhân “có như không”. Lý do không chỉ vì con cái mà còn vì lụy tình. Ngân và Thắng làm chung công ty. Cô si mê và bám riết Thắng suốt 2 năm, bất chấp sĩ diện. Chuyện gì tới cũng tới, Thắng xiêu lòng và rất nhanh sau đó, Ngân có bầu, họ phải cưới gấp.

Trước ngày cưới, khi Ngân vui như tết, còn Thắng tỏ vẻ miễn cưỡng. Nhiều người biết chuyện nói Thắng “chỉ vì phút yếu lòng nên bị gài”. 

Nhìn bề ngoài, ai cũng nghĩ Ngân có phước, vì Thắng sống trách nhiệm. Chuyện chăm sóc con, phụ vợ việc nhà, thậm chí là nấu ăn, Thắng quán xuyến được hết.

Sau khi cưới 2 năm, Ngân như lột xác. Từ một cô gái ngây thơ nếu không muốn nói là có phần quê mùa, cô bỗng trở nên sành điệu, sexy. Lấy chồng, đẹp ra là có thật, nhưng ở trong chăn mới biết chăn có rận.

Một lần, tôi hỏi Ngân về việc cô ăn mặc hở hang quá, chồng không ghen hay sao. Cô thở dài: “Em chỉ mong ảnh ghen mà cứ như gỗ đá vậy chị”. Hóa ra mọi nỗ lực làm đẹp, chưng diện của Ngân là để quyến rũ chồng, nhưng vô ích. “Cưới lúc em mang bầu, sau đó thì sinh con nên kiêng cữ chuyện ấy một thời gian dài. Sau đó được một vài lần thì ngưng luôn, em đòi thì ảnh bảo để ảnh yên. Tụi em ngủ riêng 3 năm nay rồi”.

Ban đầu, Ngân nghĩ Thắng có người khác ở bên ngoài nhưng sau khi điều tra vẫn không ra manh mối gì. Bởi sau giờ làm, Thắng chỉ quanh quẩn ở nhà chơi với con hoặc đọc sách. “Em biết có chồng mà cũng như không thế này, thì em đã không theo đuổi ảnh. Thôi cứ sống như vậy, từ từ rồi tính”, Ngân tâm sự.

“Từ từ rồi tính”, không chỉ 2 cô bạn tôi mà có lẽ rất nhiều phụ nữ mang tâm lý này khi trót rơi vào một cuộc hôn nhân rỗng. Nó rỗng vì khiếm khuyết tình yêu, lòng nhiệt thành và cả sự cảm thông. Rồi ai cũng vì con mà níu kéo, nhưng níu đến bao giờ? Những cuộc hôn nhân rỗng như quả bom, chờ ngày phát nổ.

Theo phụ nữ TPHCM