leftcenterrightdel
 Giao kèo rõ ràng và dễ chịu trong “bản hợp đồng” đang gây xôn xao của bà “mẹ chồng quốc dân”

Cách đây ít ngày, chị bạn tôi đăng trên Facebook lá thư của nàng dâu gen Z gửi mẹ chồng. Thư có nhiều dòng chữ lạnh lùng như: “Mẹ chả có bất kỳ ý nghĩa nào đối với con cả, nếu có một ý nghĩa nào đó về hình thức thì mẹ chẳng qua chỉ là mẹ của chồng con thôi”. Từ lý luận đó, cô con dâu đã có đứa con 2 tuổi trong thư nói cô có quyền tiêu tiền của cô mà không cần nhìn sắc mặt mẹ chồng, có quyền bật máy lạnh mà bà không được ý kiến, vì cô trả tiền điện. Nàng dâu nói thẳng rằng cô không mang ơn mẹ chồng, ngược lại mẹ chồng hưởng thành quả của cha mẹ cô, nên phải mang ơn họ.

Lời lẽ trong thư khá sốc cho thấy cô con dâu cũng “không phải dạng vừa” nên mới không được lòng mẹ chồng. Nhưng đọc lá thư, tôi thấy sợ và lo lắng tự hỏi: làm mẹ chồng có cần phải học không? Phải làm gì để trở thành bà mẹ chồng khéo léo, để không bị con dâu “bật” cho ê mặt? Làm sao để cái nhà không thành “chiến trường” của 2 người đàn bà? 

Các điều khoản và những cuộc nói chuyện “nặng đô”

Ở một phía khác của mạng xã hội, mấy hôm nay, những dòng trao đổi của một bà “mẹ chồng quốc dân” với cô con dâu trước đám cưới cũng hot rần rần. Bà vạch ra các nội dung cụ thể về nền nếp gia đình - từ giờ giấc sinh hoạt, việc dọn phòng, giặt áo quần, cơm nước hằng ngày và khi có giỗ, việc ai cầm tiền mừng đám cưới, quản lý tài chính, chi tiêu. Bà yêu cầu mỗi tháng phải góp 2 triệu đồng, phải ở chung 1 năm mới được ra riêng, khó khăn tài chính thì báo cho cha mẹ, không được vay nợ bên ngoài, vợ chồng không được xưng hô mày tao…

Cộng đồng mạng ca ngợi sự rạch ròi của bà mẹ chồng tuyệt vời này. Chỉ cần đọc sơ “bản hợp đồng” đủ thấy bà nhận trách nhiệm nhiều, làm hết việc nhà, lại vun vén tiền của cho con… Những phần “nói cho rõ” về tài chính hay “luật lệ” của gia đình đều rất cụ thể, mang tính xây dựng.

Thực tế, khi các cô dâu về nhà chồng, hầu hết đều từng được “dạy dỗ”, giao kèo theo nhiều hình thức khác nhau. Đa số là các cuộc nói chuyện chung (có cả người chồng), hay riêng (chỉ 2 người đàn bà với nhau). Nhưng cuộc nói chuyện làm con dâu mát lòng mát dạ thường không nhiều, như buổi nói chuyện riêng tư của chị Loan hàng xóm của tôi với mẹ chồng chị ngay trước đám cưới.

Mẹ chồng chị Loan đã thẳng thắn nêu cả trường hợp rủi ro nếu 1 trong 2 người ngoại tình, ai sẽ ra khỏi nhà, tay trắng hay được mang theo ít tiền, có được mang con theo không. Bà tính cả tới tình huống anh chị ly hôn thì nhà cửa và trách nhiệm nội ngoại sẽ chia ra sao… Chưa thực sự bước vào hôn nhân đã gặp buổi nói chuyện “nặng đô”, chị Loan choáng váng.

Trong các hội nhóm mẹ chồng - nàng dâu trên mạng xã hội luôn ngập những nội dung thở than, phiền trách
Trong các hội nhóm mẹ chồng - nàng dâu trên mạng xã hội luôn ngập những nội dung thở than, phiền trách

 

Cứ chân thành và làm tốt mọi việc 

Dù nhiều mẹ chồng đều từng dạy dỗ con dâu khi các cô chuẩn bị bước vào cửa nhà bà, nhưng các “điều khoản” có được thực hiện tốt hay không lại là chuyện khác. Mang “phận dâu con”, nhưng phận ấy thế nào tùy thuộc nhiều vào việc chồng cô ấy có “vị thế” tốt hay không.

Các cô con dâu “cứng” thường dựa vào vị thế của mình trong lòng chồng, giá trị của mình trong nhà và ngoài xã hội. Cô con dâu đảm đang, giỏi giang, gánh vác gia đình, nuôi cả cha mẹ chồng… sẽ rất khác với một cô con dâu lệ thuộc về kinh tế hoặc luôn trong tâm trạng chờ mẹ chồng cho nhà, cho vàng…

Mẹ chồng có tiền, có quyền thường không hiền. Các bà mẹ chồng giàu thường rất tháo vát, năng động, con dâu không dễ qua mặt. “Cứ chân thành và làm tốt mọi việc hết mức, không lẽ bà kỳ thị mình mãi” là suy nghĩ của chị Hoàng Mai - một nàng dâu nay đã U50 với “kinh nghiệm” hơn 20 năm làm dâu một gia đình công chức khá giả tại TPHCM.

Chị Mai nói, từ hồi “tập tành làm dâu” đến nay, trong 10 việc chị làm cho gia đình, chỉ cần mẹ chồng công nhận khoảng 3-5 việc là chị thấy hạnh phúc rồi. Nhưng không, mẹ chồng vẫn luôn bắt bẻ, không hài lòng.

Về hình thức, bà luôn so sánh chị Mai với con dâu nhà người ta, thậm chí với người mẫu, MC bà thoáng thấy trên ti vi. Về việc nhà, việc làm ngoài xã hội và khả năng kiếm tiền, bà hay so con dâu với con gái bà (chị chồng của chị Mai, đang làm dâu nhà khác) và với phiên bản của chính bà ngày trước, một phụ nữ đảm thời bao cấp. Chị Mai nhiều lúc ngộp thở, muốn buông xuôi, nhưng rồi chị lại ráng đọc câu thần chú “cứ chân thành hết mức”…

Trong một không gian nhỏ hẹp mỗi ngày ăn chung, thở chung một bầu không khí. Nguyên tắc vẫn là mềm mỏng, linh hoạt, trên nền tảng tôn trọng nhau, biết mình biết người, nghĩ cho mình thì cũng nghĩ cho người. Tức là cả mẹ chồng và con dâu đều phải vừa mềm - vừa cứng mới mong mối quan hệ này không đi vào thế kẹt.

Ngoài kỹ năng “sống biết mình biết người” của cả hai phía, còn một nhân tố quan trọng: người chồng. Cách đây 5 năm, hôn nhân của chị Mai bên bờ vực tan vỡ. Cả anh và chị đều mệt mỏi vì chuyện tiền nong, nhà cửa, mà tất cả cũng quanh sự giằng co mệt mỏi của mối quan hệ tay ba: nàng dâu - chồng - mẹ chồng.

Trong nỗ lực cứu gia đình, anh Toàn - chồng chị Mai - đi gặp chuyên gia tâm lý và nhận ra mẹ anh từng là cán bộ quản lý, quá giỏi giang, có nhân viên trong tay nên bà quen ra lệnh. Một “giang sơn” rộng vài chục mét vuông với đôi ba tầng lầu không nên có cùng lúc 2 phụ nữ đảm đang. Hãy cho hạnh phúc vợ chồng cơ hội cuối bằng cách dọn ra riêng.

Anh Toàn thấy hợp lý, tìm cách chuyển gia đình riêng ra ngoài. Từ đấy, cuộc sống của chị dễ chịu hẳn. Bây giờ, mối quan hệ mẹ chồng - con dâu mỗi lúc thêm tốt đẹp, dù lúc anh chị mới dọn đi, mẹ chồng giận hờn, nói anh chị ruồng rẫy, không nuôi ông bà lúc xế chiều.

Bí quyết hóa giải của anh Toàn - chị Mai không chỉ là việc tách riêng 2 người đàn bà tháo vát, mà còn ở chính câu thần chú chị Mai nằm lòng: “Cứ chân thành và làm tốt mọi việc hết mức”. 

Theo phụ nữ TPHCM