“Anh Thành muốn vào TPHCM làm việc, lương 60 triệu đồng/tháng, để tích lũy lo cho 3 đứa nhỏ học hành. Sau khi ổn định, ảnh sẽ đón mấy mẹ con em vào sau” - Khanh - em gái tôi - tâm sự và xin lời khuyên.

Vợ chồng em đều sinh năm 1983, có 3 con gái đang học cấp I, II ở huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum. Thành đang làm nhân viên kinh doanh, thu nhập hằng tháng khoảng 18 triệu đồng. Khanh buôn bán quần áo trẻ em qua mạng, nội trợ, đưa đón con đi học.

Với tổng thu nhập trên 20 triệu đồng/tháng, gia đình em đủ chi tiêu, không dư bao nhiêu. Với kế hoạch phải có một số tiền tích lũy khi tụi nhỏ vào đại học, Thành bàn với vợ “Nam tiến” làm ăn. 

Em gái tôi phân vân, vừa muốn chồng vào TPHCM phát triển sự nghiệp, vừa lo vợ chồng xa mặt, cách lòng. Tôi chần chừ chưa dám khuyên Khanh, bởi kỷ niệm buồn của tôi vẫn còn hiện rõ.

Ảnh mang tính minh họa - Freepik
Ảnh mang tính minh họa - Freepik

 

Tôi nhớ lại, cách đây 25 năm, khi 17 tuổi, tôi có một tình yêu đẹp ở Kon Tum. Ngày tôi rời quê vào TPHCM học đại học cũng là ngày tôi và người yêu nói lời “tạm biệt”, dĩ nhiên không quên thề non, hẹn biển ra trường sẽ cưới nhau.

Dù “ở 2 đầu nỗi nhớ”, trong suốt 2 năm, chúng tôi vẫn liên lạc với nhau hằng tuần. Khi thì gọi điện, lúc viết thư tay. Mỗi dịp hè và tết, tôi đều về quê, cùng anh rong ruổi trên các “con đường kỷ niệm”. Tình yêu của chúng tôi bền chặt theo năm tháng.

Lúc ấy, tôi nghĩ, sau khi tốt nghiệp đại học, tôi sẽ về quê xin việc làm và trở thành vợ anh. Nhưng, đó chỉ là mong ước của tôi. Còn anh, chỉ với một câu xin lỗi ngắn gọn, anh rời xa tôi không một lời giải thích, lúc tôi bước vào năm 3 đại học. Không cam tâm, tôi tìm hiểu qua mấy người bạn của anh mới biết anh đã có người yêu khác và họ đã định sẵn ngày cưới. Tình yêu đầu đời sụp đổ, trong tôi chỉ còn nỗi buồn giận kéo dài tới tận bây giờ.

Thế nhưng, trong gia đình 6 anh em tôi, vợ chồng anh chị thứ 3 của tôi cũng đang sống cảnh “Ngưu Lang, Chức Nữ” nhưng vẫn hạnh phúc. Anh chị mở thêm chi nhánh văn phòng luật sư ở Bình Dương và muốn con cái có điều kiện học tốt hơn, nên hơn 3 năm nay: chồng ở Kon Tum, vợ và 2 con ở Bình Dương.

Nhiều lần tôi hỏi anh trai: “Anh chị xa nhau vậy liệu có ổn không?” - anh cười nói: “Quan trọng là vợ chồng phải tin tưởng và quan tâm nhau”.

Cách quan tâm của anh tôi dành cho vợ con là cứ mỗi chiều thứ Sáu hằng tuần, anh lên xe đò vào với gia đình nhỏ của mình. Bạn bè rủ rê nhậu kiểu gì, anh cũng từ chối. Đến chiều Chủ nhật, anh về lại Kon Tum để kịp sáng thứ Hai đi làm. Dù công việc bận, dịp lễ nào anh cũng sắp xếp vào Bình Dương với vợ con. Cả nhà cùng nhau đi chơi, chụp hình vui vẻ và lưu kỷ niệm trên Zalo, Facebook.

Mỗi tối, sau giờ làm, anh đều gọi điện hỏi thăm chuyện học hành của con; vợ chồng có chuyện gì trong ngày đều kể nhau nghe. Nhiều người ngưỡng mộ gia đình anh hạnh phúc. Chính vì hình mẫu gia đình anh, tôi nghĩ không nên quá cực đoan cho rằng vợ chồng, người yêu nào xa nhau cũng sẽ dễ chia tay.

Cũng cảnh “chồng đây, vợ đó”, Nhi - bạn thân tôi - có chồng là hải quân, đi công tác suốt, có khi cả tháng mới về nhà được 2-3 ngày, sau đó lại đi tiếp. Nhi một mình vừa đi làm, vừa chăm dạy 2 con trai nhỏ đang học mẫu giáo.

Thế nhưng, Nhi nghĩ chuyện chồng công tác xa là bình thường, còn tự hào “chồng làm quân đội, mình nuôi con khỏe, dạy con ngoan, làm hậu phương vững chắc cho chồng”.

Cô còn nói vui - xa càng nhớ, yêu nhau hơn. “Mỗi dịp về nhà, anh ấy dành hết thời gian cho gia đình: nấu món ngon, trồng hoa vợ thích, chơi với con... Biết mình thích tập yoga, anh còn thiết kế một căn phòng nhỏ cho vợ thư giãn. Vợ con muốn đi chơi đâu, anh xã mình đều chở đi và dạy 2 đứa nhỏ bơi, trượt patin, đi xe đạp...” - Nhi kể với ánh mắt tràn đầy hạnh phúc. Nhi đúc kết: “Vợ chồng tin tưởng nhau, tạo được niềm tin cho nhau và sống có trách nhiệm với gia đình thì dù xa nhau, tình nghĩa vợ chồng vẫn không phai nhạt”.

Từ trường hợp của anh trai và bạn thân, tôi có niềm tin về lòng thủy chung, tình nghĩa vợ chồng. Nhất là những trường hợp đã có con với nhau, trách nhiệm làm cha mẹ khiến họ phải luôn hướng về nhau, về gia đình. Bởi thế, tôi sẽ không khuyên em gái “hãy giữ chồng bên cạnh”. Là người trong cuộc, em sẽ biết rõ mình nên quyết định thế nào.

Tôi chỉ hy vọng dù ở gần nhau hay xa nhau, gia đình em tôi vẫn sẽ hạnh phúc. Vợ chồng em sẽ biết tính toán, sắp xếp cuộc sống ổn thỏa, cùng lo cho các con ăn học, trưởng thành. Đó là lời chúc tôi dành cho em và cũng để nhắc mình nên khép lại quá khứ không vui, có niềm tin hơn vào tình yêu, tình nghĩa vợ chồng. Khi ta thực lòng hướng về nhau, dù xa mặt cũng không lo cách lòng. 

Theo phụ nữ TPHCM