Phụ nữ yêu bản thân dễ được cho là ích kỷ -Ảnh minh họa
Theo một nghiên cứu tại Hoa Kỳ, 80% phụ nữ ý thức được tác dụng của việc chăm sóc và yêu thương bản thân, nhưng 1/3 trong số đó chỉ dành ra dưới 30 phút mỗi ngày để làm những việc như vậy. Phần lớn thời gian của họ là dành để chăm sóc cho nhu cầu của chồng con.
Trong số 1.000 người phụ nữ tham gia khảo sát, 20% cảm thấy mình ích kỷ, có lỗi và không thoải mái nếu dành ra dù chỉ 1 giờ đồng hồ chăm sóc bản thân mỗi ngày.
Ở một đất nước phát triển và nổi tiếng bình đẳng, vậy mà việc phụ nữ sống cho mình vẫn là câu chuyện thật xa vời. Thực ra, không phải đàn ông Mỹ không sẵn sàng chia sẻ việc nhà, chăm sóc vợ con. Vấn đề là ở chỗ, người phụ nữ dù ở đâu cũng có thiên hướng hy sinh cho người khác, đến mức quên bản thân, đến nỗi chỉ sống cho mình một chút cũng cảm thấy mình ích kỷ.
Ranh giới giữa yêu bản thân và ích kỷ thật sự khó phân định. Tôi có người chị suốt đời sống đúng chuẩn “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Chị một tay lo cả kinh tế và nội trợ, chồng con đi làm và đi học về chỉ biết ngồi chờ cơm. Đến từng viên thuốc tiểu đường chồng chị cũng phải lo nhắc anh uống đúng giờ. Hết ở công ty lại về nhà, chị chẳng lúc nào ngơi tay.
Nếu chỉ vậy thôi thì hẳn chồng con phải cảm ơn chị lắm. Nhưng vì dành hết sức lực chăm sóc cho người khác, nên chị chẳng còn năng lượng cho mình. Chị vừa làm vừa kêu ca, "tính sổ".
Chị mắng con vụng, dù chính chị không cho nó cơ hội được làm. Chị trách chồng vô tâm bạc bẽo, dù chính chị luôn bảo: “Ông không phải lo cho tôi, thân ông còn chẳng lo xong, có viên thuốc cũng không biết đường uống đúng giờ.”
Chồng con chị có thể sung sướng, nhàn nhã, nhưng luôn thấy ngột ngạt. Họ muốn giúp chị điều gì đó, nhưng chị gạt băng đi. Chị gồng mình lên gánh hết, rồi lại ngồi than thở, trách móc.
Chính chồng con chị cũng cảm thấy thật tệ: vừa thấy tức giận trước thái độ thiếu tôn trọng của chị, vừa cảm thấy thương xót cho chị và thấy mình vô dụng chẳng giúp được gì.
Cách chị hy sinh cho gia đình là một cách hy sinh ích kỷ. Chị đắm chìm trong ảo tưởng rằng mình là người quan trọng, chồng con chỉ như cây tầm gửi sống nương vào chị. Trong khi đó, chính chị lại không chịu chăm sóc mình, mọi hạnh phúc hay đau khổ của chị là trách nhiệm của chồng con. Nếu họ không làm cho chị hạnh phúc, thì họ là người ác độc, bạc bẽo, vô ơn...
Mẹ chồng tôi cũng là người vun vén cho gia đình, nhưng khi tôi sinh con đầu lòng, bà đã nói thẳng: “Mẹ thương con quý cháu, nhưng nhất định không ở nhà trông trẻ đâu. Lúc nào rảnh mẹ chơi với cháu, mẹ sẽ tìm cho con một người giúp việc tin cẩn để phụ chăm bé.”
Bà đã nghỉ hưu, nhưng tham gia nhiều hội nhóm, từ tập gym tới khiêu vũ. Hội nào cũng thường xuyên sinh hoạt, giao lưu. Tôi có cảm giác bà còn bận hơn thời đi làm, nhưng thái độ thì lúc nào cũng vui vẻ, tích cực, khiến cuộc sống gia đình 3 thế hệ vẫn nhẹ nhõm như không. Chẳng cãi vã, giận dỗi, chẳng nặng nhẹ chuyện mẹ chồng - nàng dâu.
Gia đình như một hệ sinh thái chung. Những người tự biết chăm sóc, yêu thương cho bản thân luôn là những người mang năng lượng tích cực cho người khác. Một người phụ nữ bình yên từ trong tâm trí mới khiến cho gia đình an ổn, vui tươi.
Vậy mới nói, sống cho mình hay là chỉ sống vì người khác cũng là một kỹ năng sống, hãy giữ cho mình bước trung dung, cân bằng và linh hoạt. Nếu cảm thấy mình đang hy sinh quá nhiều, dẫn tới khổ sở, thiệt thòi, thì phải biết điều chỉnh để chăm lo cho mình hơn.
Còn nếu bản thân đã ở trạng thái bình ổn, những nhu cầu của mình đã được đáp ứng rồi, thì mới chăm lo những người xung quanh được tốt...
Theo phunuonline