Kế hoạch có thực sự cần thiết trong hôn nhân không? Để phân tích điều này, Báo Phụ nữ TPHCM đã trao đổi với chị Nguyễn Thùy Liên - người mẹ doanh nhân từng gây xúc động trên chương trình Shark Tank với thông điệp “khởi nghiệp vì con”, cùng Phan Quý Anh - cô gái đang theo con đường giáo dục cảm xúc và quản lý kế hoạch cuộc đời. Họ là 2 nhà sáng lập Học viện Thông minh nội tâm Self Hiil.
|
Chị Thùy Liên (trái) và chị Quý Anh trong một cuộc thảo luận |
Phóng viên: Có lẽ cũng không quá khi gọi 2 chị là “chuyên gia về kế hoạch”. Một người đã “thực chiến” với hôn nhân và một người độc thân đang làm việc khá sâu ở khía cạnh này. Từ từng góc nhìn ấy, 2 chị thấy hôn nhân có cần phải có kế hoạch không?
Chị Phan Quý Anh: Câu hỏi này làm tôi nghĩ đến những buổi sáng bố mẹ tôi nói với nhau: hôm nay bố sẽ ra xưởng làm cái A cái B, còn mẹ làm cái C, cái D nhé. Mỗi lần về quê, khi nhà có giỗ tiệc hay trước các sự kiện quan trọng của chị em tôi, bố mẹ lại ngồi tính toán từng chút cùng nhau. Đó cũng là kế hoạch. Tôi không hình dung được vợ chồng sẽ cùng nhau gánh vác gia đình kiểu gì nếu không dùng kế hoạch.
Chị Nguyễn Thùy Liên: Kết hôn nghĩa là cam kết trở thành đối tác trọn đời với một người khác. 2 người đồng ý đến với nhau để đạt được các mục tiêu mà một mình không thể làm được. Mục tiêu đó không nhất thiết phải giống nhau nhưng thường có tính cộng hưởng, do đó nhất thiết phải có kế hoạch. Kế hoạch có khi là trao đổi giữa 2 người, có khi là danh sách những việc quan trọng cần làm.
Kế hoạch nên được viết ra để hai bên cùng làm rõ với nhau và có cơ sở để liên tục điều chỉnh. Có kế hoạch ngắn hạn và dài hạn. Về bản chất, kế hoạch chính là phương án cả hai cùng thực hiện để mỗi người đều đạt được mục đích/nhu cầu cá nhân riêng tư/lý tưởng của mình.
* Kế hoạch ngắn hạn có thể là những mục tiêu trong ngày, trong năm, giải quyết các vấn đề phát sinh. Còn kế hoạch dài hạn là gì, thưa chị?
Chị Nguyễn Thùy Liên: Có một kế hoạch dài hạn tạm gọi là “kế hoạch tiền hôn nhân”, bởi nó cần được xác lập từ trước khi cưới. Đó là sự thống nhất về lý tưởng sống, mơ ước, khát vọng.
Cần phải trả lời câu hỏi vì sao tôi muốn bắt đầu hôn nhân và vì sao với người này; bởi mỗi người đều có riêng một “mục đích tồn tại”, một lý tưởng sống hay một mục tiêu nào đó. Cuộc hôn nhân tốt đẹp khi mỗi người đều biết rõ mục đích cuộc đời của mình và chia sẻ với nhau. Và bản kế hoạch hôn nhân là sự “căn chỉnh” bản kế hoạch của 2 người với nhau, để mỗi người đều đạt được mục tiêu riêng.
Chị Phan Quý Anh: Có một kịch bản khá quen thuộc trong những thất vọng hôn nhân, đó là: đến độ tuổi nào đó, người này trở nên mệt mỏi vì sự ham công tiếc việc của người kia. Hay ngược lại, người này thất vọng vì người kia quá an phận, không có chí tiến thủ. Và nhiều sự thất vọng trong việc nuôi dạy con, quản lý tài chính, hiếu đễ với ba mẹ, khi mà người này muốn thế này, người kia lại làm thế khác…
Trong khi đó, đây là thực tế người ta hoàn toàn có thể biết trước khi chọn lấy nhau, không cần đợi đến khi “vỡ òa thất vọng”. Sức mạnh của kế hoạch dài hạn ở chỗ này, tức là khi nghiêm túc lập kế hoạch, người ta sẽ phải đối diện với những câu hỏi về bản thân và về bạn đời để có dữ kiện thiết lập một lộ trình mà họ mong đợi. Chỉ khi đó, họ mới có động lực tìm câu trả lời.
Khi biết người biết ta rồi, họ cũng có một hình dung về các thử thách lối sống, để cùng thống nhất hướng giải quyết. Sự thống nhất được thiết lập lúc đang êm đềm luôn sáng rõ hơn, hiệu quả hơn là một giải pháp được đưa ra khi đang xung đột.
|
Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: Freepik |
* Dường như, kế hoạch dài hạn cũng chính là câu trả lời chi tiết về cách mà mỗi người đạt được ước mơ của riêng mình qua hôn nhân?
Chị Nguyễn Thùy Liên: Lập kế hoạch trong dài hạn giúp hai bên hiểu rõ về nhau, về mục đích cuộc đời, lý tưởng sống, những điều mình coi trọng nhất và về kỳ vọng, mục đích của mình. Khi rõ rồi, sẽ có được sự ủng hộ từ bạn đời.
Kế hoạch giúp hai bên phối hợp một cách nhịp nhàng để cùng đạt được lý tưởng riêng của mình. Khi đó, các kế hoạch như khi nào sinh con, gia đình sống ở đâu, du lịch nghỉ lễ như thế nào chỉ là một thành phần trong kế hoạch lớn mà hai bên đã thống nhất.
Kế hoạch trong hôn nhân còn bao gồm kế hoạch phát triển bản thân (thường ít thấy mọi người đề cập), vợ chồng chia sẻ với nhau, hỗ trợ nhau. Kế hoạch giúp vợ chồng có cơ hội cùng suy xét để làm sao cho mình và cuộc hôn nhân trở nên tốt hơn.
Nguyên tắc khi lập kế hoạch là không hy sinh lý tưởng và nhu cầu của nhau mà luôn đặt câu hỏi, tôi được lợi gì từ cuộc hôn nhân này. Khi mỗi người đều thấy lợi ích của mình, nhu cầu nào của mình được thỏa mãn trong bản kế hoạch chung đó thì kế hoạch mới có ý nghĩa và mới giúp cuộc hôn nhân bền vững.
* Chúng tôi phỏng vấn một vài đôi về vấn đề này. Họ đều cho rằng: mọi xung đột trong hôn nhân họ gặp đều liên quan đến kế hoạch. Từ bất đồng việc sinh con, nuôi dạy con, tài chính… cho đến những bất đồng nho nhỏ hằng ngày. Các chị nghĩ sao?
Chị Phan Quý Anh: Những bất đồng xảy ra là do họ chưa có sự thống nhất về ý nghĩa của hôn nhân và gia đình. Như đã nói, mỗi bên cần làm rõ và chia sẻ với nhau định nghĩa của hôn nhân và gia đình. Hôn nhân sẽ tạo nên một gia đình. Gia đình chính là mối ràng buộc bền chặt nhất của một con người, là nơi đầu tiên và nơi cuối cùng luôn ủng hộ, giúp mỗi người thực hiện được lý tưởng riêng. Khi có sự thống nhất ở tầng định nghĩa/mục đích thì các bất đồng khác sẽ được hóa giải.
|
Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz |
* Không phải cặp vợ chồng nào cũng lên kế hoạch từ thời tiền hôn nhân. Cuộc sống chung theo bản năng dắt dây nhiều bất đồng, khoảng cách và hôn nhân trở thành một cuộc “vật vờ cùng nhau”. Trong bối cảnh này, họ cần làm gì để cải thiện?
Chị Nguyễn Thùy Liên: Muộn còn hơn không. Hãy bắt đầu làm điều bạn đã bỏ lỡ: lên kế hoạch dài hạn cho hôn nhân. Dù các đôi chưa từng làm rõ về lý tưởng sống của mỗi người, lý tưởng sống vẫn chi phối quyết định của họ trong từng lựa chọn nhỏ. Và khác biệt trong các lựa chọn này lại dẫn đến xung đột.
Mỗi người cần đối diện với lý tưởng sống của mình và chia sẻ với bạn đời để cùng lên một kế hoạch hôn nhân phù hợp cho cả hai. Khi đã thống nhất một “chiến lược” chung, cả hai sẽ đỡ lúng túng trước những lựa chọn.
Chị Phan Quý Anh: Khi một người tìm ra được mục tiêu, lý tưởng sống và phấn đấu đạt được, họ tỏa ra vẻ đẹp lấp lánh của người sống có lý tưởng. Sự lấp lánh đó khiến họ trở nên đẹp hơn, thu hút hơn trong mắt người khác, đặc biệt là với người bạn đời, giúp duy trì tình yêu trong chính mình và tình yêu của bạn đời dành cho mình.
Cuộc sống mỗi người mỗi khác. Có người chỉ miệt mài làm việc ở công ty rồi về nhà chăm con, họ nghĩ “vậy là đủ”.
Có người trầy trật để hoàn thành từng mục tiêu sự nghiệp, không dám nghĩ đến điều gì lớn lao hơn. Họ hoặc là không đủ tự tin, hoặc là bị cuộc sống xô đẩy, phủ lấp nên không còn dám thừa nhận khát vọng của mình. Đến khi tìm ra, “gặp lại” khát vọng ấy, ai cũng xúc động.
Hãy thử ngồi xuống, đặt cho mình những câu hỏi về bản thân. Lý tưởng sống của mình là gì, mong muốn lớn nhất trong đời mình là gì. Khi thành thật với bản thân, bạn sẽ nhận ra có một khao khát đẹp đẽ luôn ở bên trong bạn dù bạn bao lần gạt nó đi. Hãy chia sẻ nó với bạn đời và lắng nghe khát vọng của anh ấy/cô ấy.
Những khát vọng đẹp đẽ về bản thân sẽ là điểm chung lớn nhất của 2 bạn. Và 2 bạn đang là một “đội”, hoàn toàn có thể lên kế hoạch để cùng nhau quản lý đời sống, và vươn tới khát vọng.
Bước vào hôn nhân tức là lựa chọn trở thành người luôn cổ vũ bạn đời sống với lý tưởng và cũng muốn người đó ủng hộ lý tưởng của mình. Đó là thứ keo kết dính nhất cho cuộc hôn nhân.
* Cuối cùng, kế hoạch hôn nhân chính là phương án, mà cũng là biểu tượng của sự gắn bó chất lượng. Khi người ta đối diện với cuộc sống bằng một thái độ nghiêm túc, luôn lắng nghe bản thân, lắng nghe bạn đời để cùng điều chỉnh, bước tiếp trong sáng rõ và đồng thuận. Cảm ơn 2 chị vì những chia sẻ ý nghĩa này.
Theo phụ nữ TPHCM