Cuối năm, vì công ty trả lương chậm, nên Tiến đành khất lần mấy hóa đơn tiền điện, nước, internet trong nhà... Anh nghĩ, chỉ hai ba hôm nữa, khi tin nhắn báo cộng tiền, anh sẽ chuyển trả luôn cho gọn ghẽ.

Tuy nhiên bên điện lực sáng nay đã gọi, thông báo phải thanh toán ngay một 1,2 triệu đồng tiền điện, nếu chậm trễ sẽ bị phạt thêm mấy trăm ngàn. Trưa đi làm về, Tiến mở lời với mẹ: “Mẹ có thể cho con mượn tạm 2 triệu đồng. Ngày mai, hoặc mốt nhận lương con gửi lại liền”.

Từ dưới bếp, Loan - vợ Tiến - nghe lời mẹ chồng đáp lại câu nói của chồng, vẫn là “bài ca” muôn thưở: “Mẹ nhìn trên ti vi, xem trên điện thoại, thấy người ta trẻ mà làm ăn, bươn chải ghê lắm. Chưa đầy ba mươi tuổi đã sắm được nhà nọ, xe kia. Đâu như vợ chồng con. Đều đi làm có lương, chỉ nuôi 2 đứa nhỏ mà trầy trật. Còn trẻ phải cố gắng, chứ trẻ mà ưa nhàn rồi dung sướng thì khi về già chỉ có khổ mà thôi”.

Vì đặt quá nhiều kì vọng nên mẹ thiếu đi sự bao dung, cảm thông cho con cái ( Ảnh minh họa)
Vì đặt quá nhiều kì vọng nên mẹ thiếu đi sự bao dung, cảm thông cho con cái ( Ảnh minh họa)
 

Tiến im lặng. Anh vẫn luôn vậy, trầm tĩnh và kiên nhẫn. Loan thì khác, nếu lần nữa phải nghe thêm những lời giáo huấn, phủ nhận từ phía mẹ như vậy, chắc chắn cô cũng phải phản ứng lại vài ba câu.

Cô không hiểu tại sao trong suy nghĩ, mẹ luôn ám chỉ là vợ chồng cô không cố gắng, không biết cách tính toán, lo liệu cho cuộc sống. Trong khi thực tế, cô đã tính toán đến nát óc.

Với đồng lương giáo viên hơn 6 triệu đồng, hàng tháng cô đảm nhận một phần tiền chợ, tiền học bán trú cho đứa nhỏ, tiền ăn sáng, xăng xe. Chồng cô lo tiền học đứa lớn và thanh toán đống hóa đơn. Còn mẹ chồng cô, mỗi tháng mẹ cũng có gần 7 triệu đồng tiền lương hưu, nhưng mẹ chỉ phải góp 2 triệu tiền ăn.

“Mẹ cũng đã có tuổi nên còn phải phòng hờ khi ốm đau”, vợ chồng Loan vẫn thường xuyên nói với nhau như vậy. Thế nhưng, có lẽ vì mẹ ít tham gia mua bán nên mẹ không biết, thời buổi vật giá leo thang, "trăm thứ trăm tăng". Cận tết, tình hình càng căng thẳng hơn nữa. Như sáng nay, mới rút ra hơn triệu để đi chợ mua mấy thứ vật dụng hàng ngày mà Loan có cảm giác như mình bị móc túi, tiền đến tiền đi trong chớp mắt.

Có những tháng con ốm, ngoài tiền thuốc, đi khám, cô còn phải chắt bóp, xén chỗ này một chút xén chỗ kia một chút để mua thêm hộp yến bồi dưỡng cho con. Những chuyện đó, cô muốn nói ra để mẹ hiểu, nhưng năm lần bảy lượt đều bấm bụng tự bảo thôi.

Dù việc chi tiêu không được xông xênh, thoải mái, nhưng tình cảm vợ chồng cô bao giờ cũng hòa thuận. Tiến là người tự giác và tâm lý. Thỉnh thoảng, anh lại gợi chuyện để cô có cớ xả hết nỗi lòng.

Chồng tâm lý, thường xuyên gợi chuyện để vợ xả stress vì chuyện chi tiêu ( Ảnh minh họa)
Chồng tâm lý, thường xuyên gợi chuyện để vợ xả stress vì chuyện chi tiêu ( Ảnh minh họa)

 

Có đợt, anh đặt vấn đề muốn cầm sổ đỏ để vay vốn làm ăn nhưng Loan gạt đi. Cô nói với anh: “Đừng thấy người ta giàu mà ham. Thời buổi bây giờ, giàu thật và giàu ảo lẫn lộn, nay thấy lên xe xuống ngựa, ngày mai đã thấy vỡ nợ ngồi tù. Bất động sản thì đứng, buôn bán gì cũng khó khăn. Người ta muốn kinh doanh, làm chủ cũng phải học hết cơm hết gạo mới dấn thân. Như mình kiến thức không có, mối quan hệ hạn hẹp, hãy ráng yêu lấy công việc, cuộc sống hiện tại của mình”.

Trong mạch câu chuyện, cũng đã vài lần Loan nói với anh về việc cô sẽ không bao giờ mượn tiền của mẹ chồng nếu bản thân vẫn còn khả năng xoay xở. Với trực quan của người phụ nữ, cô nhận ra, mẹ chồng cô tuy không quá kỹ tính, nhưng bà luôn đặt nhiều áp lực, kỳ vọng vào con cái. Thấy con sống bình bình ổn ổn nhưng nghèo, bà cho đó là một sự bất lực, thất bại, bà lại nói gần nói xa.

Loan xác định, nếu mượn của mẹ một, hai triệu bạc mà đổi lại phải nghe bài ca cũ thêm một thời gian dài thì thà cô xoay xở ở chỗ người dưng. Cô tính rồi, tết năm nay, tình hình chi tiêu chắc cũng hụt mất vài triệu, cô sẽ mượn tạm chỗ bạn thân. Trong thâm tâm, cô đã có một vài ý tưởng cho kế hoạch “tăng thu” trong năm mới. Kế hoạch không liên quan đến chuyện phải mạo hiểm cầm cố sổ đỏ như phương án của chồng.

Theo phụ nữ TPHCM