|
|
Bức tâm thư mẹ đẻ gửi thông gia trên một trang Facebook |
Cách đây chưa lâu, một trang Facebook đăng bài viết “Tâm thư mẹ đẻ gửi thông gia”. Trong bức thư, người mẹ đặt mình ở thế “kèo trên”, yêu cầu bà thông gia không được nói xấu con dâu với con trai, khiến vợ chồng con cãi nhau. Không được xen vào việc dạy con của con dâu, vì làm mẹ, ai cũng lo cho con mình. Khi con dâu sinh nở, bà thông gia có thể không chăm sóc; nhưng khi về già, bà không có quyền yêu cầu con dâu chăm sóc lại…
Bà mẹ nhắc nhẹ thông gia đừng nên ca tụng con dâu nhà người ta giỏi giang, thức khuya dậy sớm… vì ở trong chăn mới biết chăn có rận. Làm sao biết chuyện nhà người ta thế nào. Hãy làm mẹ chồng tốt trước đã. Muốn con dâu hiếu thuận, quan tâm, yêu quý thì phải cư xử tốt với con dâu, dùng hành động để cảm hóa…
Lời lẽ khá mạnh mẽ của bà mẹ khiến tôi chột dạ. Nếu tôi trong vai trò thông gia, liệu có chấp nhận khi bị chị sui "phủ đầu" bằng hàng loạt yêu cầu cứng rắn.
Dưới bài đăng, tài khoản Facebook Huyen Le "chốt" rằng: “Nhiều ý kiến ý cò, tui mệt quá! Cho ở riêng cho khỏe”. Bạn Bùi Tố Quyên thì đùa rằng: “Gửi anh chị thông gia, con em lúc còn bé đã là tướng trong nhà em rồi. Mong anh chị hãy giữ thói quen cho con bé khi về bên đó”…
Tài khoản Nguyễn Thị Quế lo ngại: “Nhiều con dâu thấy mẹ chồng hiền muốn ngồi cả lên đầu người ta. Ngồi đâu cũng nói xấu mẹ chồng. Muốn được mẹ chồng thương thì chính các bạn nên biết điều. Sống ác với mẹ chồng, sau này con dâu bạn cũng giống vậy thôi. Luật nhân quả mấy hồi”…
Tài khoản Ánh Hoàn thẳng thừng rằng: “Có bà mẹ luôn tạo thị phi, con gái chỉ có khổ thôi”…
|
Mẹ chồng - nàng dâu - mẹ ruột là những mối quan hệ dễ gây mâu thuẫn (ảnh minh họa) |
Chị Hằng, bạn tôi mới gả con gái không lâu. Đọc lá thư kia, chị lắc đầu: “Cho vàng chị cũng không dám nói với thông gia kiểu này”.
Chị kể từ lúc nhà trai sang dạm hỏi, tới lễ đính hôn, lễ cưới… chị chưa bao giờ yêu cầu phải đi bao nhiêu mâm quả, vàng cưới, sính lễ… Tất cả đều do nhà trai tự nguyện. Thậm chí ngày đám hỏi, nhà trai sang dự tiệc 50 người, chị cũng vui vẻ tiếp đãi. Để con gái được gả suôn sẻ vào nhà người ta, chị tốn kém bao nhiêu cũng không ngại. Giờ con về làm dâu, chị chỉ dám nhờ thông gia dạy dỗ giúp nếu con gái chị có gì sai sót.
“Buổi đầu có thiện cảm với nhau, tình nghĩa mới bền lâu. Cha mẹ lên mặt thì con đường hôn nhân của con gái thêm gian nan, phiền phức” - chị Hằng đúc kết.
Bên phe phản biện, hẳn là những nàng dâu từng chịu nhiều uất ức khi gặp phải mẹ chồng khó gần. Các cô cảm thấy thỏa mãn với bức tâm thư, nhưng lại cho rằng mẹ chồng nghe thấu lời nhắn nhủ kia chỉ có trên... phim ảnh.
Sau những tranh luận sôi nổi, cộng đồng mạng đồng tình: “Yêu quý con dâu như con gái thì con dâu mới đối xử với mình như ba mẹ đẻ”. Nhiều người ngậm ngùi rằng con gái phải rời xa gia đình, rời xa ba mẹ đi làm dâu đều không dễ dàng hoà nhập với môi trường mới. Nhà chồng cần đối xử tốt, để con dâu xem nhà chồng là nhà mình…
Mẹ chồng thời nay đa phần cũng đã theo kịp thời thế, rất hiện đại, rất thoáng, biết nghĩ cho con dâu. Những lời trên kia cho thấy chưa thoát khỏi nếp nghĩ cũ, còn chấp nhặt. Nếu gặp mẹ chồng khó tính, bức tâm thư sẽ khơi mào cho những tranh cãi không hồi kết. Hạnh phúc của đôi trẻ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng.
|
Trong gia đình Việt, khi về già, đa phần con dâu là người chăm sóc mẹ chồng (ảnh minh họa) |
Mối quan hệ thông gia luôn rất nhạy cảm. Buổi đầu về làm dâu, cô dâu mới "lạ nước lạ cái", không tránh khỏi những vụng về. Nàng dâu cần tấm lòng bao dung, yêu thương của mẹ chồng. Đôi khi không tránh khỏi cảnh mẹ chồng “chịu hết nổi” nàng dâu nên “mắng vốn” với sui gia. Bà mẹ ruột nên khéo léo dàn xếp, làm cầu nối để con gái thuận thảo với nhà chồng. Nếu vội đưa ra yêu cầu, quy tắc, không chỉ đẩy con gái rời xa gia đình chồng, mà sui gia có khi còn từ mặt nhau.
Đôi trẻ có hạnh phúc hay không, hôn nhân có bền vững hay không một phần do mối quan hệ thông gia. Hạnh phúc vốn đã khó giữ, cha mẹ hai bên càng phải vun đắp cho các con, trên tinh thần đồng cảm, thấu hiểu và tôn trọng...
Theo phụ nữ TPHCM