leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Trên đời này khó ai có thể trả lời rằng chưa bao giờ nổi nóng hay mất bình tĩnh, thiếu kiềm chế, cho dù người có tính cách điềm tĩnh, ôn hòa.

Có thể thấy, mất bình tĩnh chỉ là một trạng thái tâm lý bình thường của con người khi gặp tình huống căng thẳng. Có người làm chủ được cảm xúc, có người không thể. Nhiều khi không kiềm chế, trong tích tắc, xôi hỏng bỏng không.

Trong cuộc sống, có nhiều áp lực khiến người ta mất bình tĩnh. Từ công việc làm ở cơ quan cho đến những chuyện lặt vặt trong gia đình. Cái sảy nảy cái ung, nhiều khi một việc bé tí, không đáng có lại gây ra xáo trộn lớn.

Việc cơ quan bao nhiêu là áp lực, từ sếp xuống nhân viên, đồng nghiệp với nhau… không thể kể hết những tình huống khiển nổi nóng, gây tranh cãi... Chuyện bực mình còn mang về nhà, bày ra bàn ăn cơm, kể cho vợ con/cha mẹ nghe.

Đó là nhẹ nhàng, gia đình có người chia sẻ. Có những trường hợp mang chuyện bên ngoài về nhà, đá thúng đụng nia, gây căng thẳng cho các thành viên gia đình.

Tâm lý con người rất mong manh, để giữ được thái độ bình thường, làm chủ được hành động, không hốt hoảng, không luống cuống, nóng vội, trước mối nguy hiểm giữ được bình tĩnh/tỏ ra rất bình tĩnh và có thái độ bình tĩnh không phải dễ.

Ngày nay, trước một rừng thông tin không thể kiểm soát được cũng là một trong những nguyên nhân khiến con người hoảng sợ, gây ra mất bình tĩnh.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Một bà mẹ ngồi sau xe máy, con trai cầm lái. Qua bùng binh, từ phía đường một chiều có chiếc taxi chạy nhanh cảm giác như nó sẵn sàng ủi hết bao nhiêu xe ngang dọc trước mặt. Bà mẹ hoảng quá, ôm chặt lấy con đồng thời la lên: "Coi chừng “xe điên” đó con!".

Tình huống này, cậu con trai làm sao “coi chừng” được, khi đang kẹt cứng trong dòng xe. Tiếng la của mẹ lại khiến cậu mất bình tĩnh. Thoát ra khỏi khúc cua, cậu vừa toát hết mồ hôi vừa rối trí vì lời mẹ. Qua khỏi nút giao thông, cậu con trai nhắc mẹ lần sau đừng hô như vậy nữa, chính thái độ của mẹ mới dễ là nguyên nhân gây ra tai nạn. Người ngồi phía trước, giữ tay lái họ biết cần phải làm thế nào.

Lúc này bà mẹ mới nhận ra mình sai vì mất bình tĩnh. Bà chống chế một cách yếu ớt: “Mẹ thấy chiếc taxi như lao thẳng vào, mẹ hoảng quá. Lần sau mẹ không vậy nữa”. Câu chuyện coi như được giải quyết dứt điểm.

Tuy nhiên, nếu cậu con trai dễ nóng giận, cậu không chỉ dừng lại ở câu rút kinh nghiệm của mẹ mà tiếp nhiều câu trách móc nữa mới thôi. Hay, gặp bà mẹ, không biết mình sai mà còn mắng con, vì mẹ thấy mối nguy trước mặt, mới nhắc cho để mà đi… Câu chuyện có nguy cơ bùng phát, người này một tiếng, người kia một tiếng thành xung đột.

Có thể thấy, trong gia đình là nơi dễ gây mất bình tĩnh nhất đôi khi không phải vì hành động mà chỉ bằng lời nói. Ngồi vào mâm cơm, món canh mẹ nêm nếm hơi quá một chút, ai đó buột miệng chê canh mặn, ăn không được; hay nặng nề hơn, ông chồng khó tính phán luôn một câu: “Mặn chát. Như cho cả gánh muối vào nồi canh!”

Đừng vội trách ông chồng thiếu tế nhị. Có thể hôm ấy ông chồng gặp phải một tình huống căng thẳng ở cơ quan, ông mang bực dọc ấy về nhà trút vào nồi canh chỉ "hơi mặn" thành "mặn chát".

Một nhóm bạn rủ nhau đi du lịch, quy định rằng tiền ai nấy trả. Đi chơi là hưởng thụ, vậy mà cũng xung đột khi một người nhận xét về cảnh đẹp hay thời trang thấy trên đường. Kẻ chê, người khen, thành cãi nhau. Chụp hình cho người này đẹp, người kia không đẹp cũng thành giận lẫy... Những chuyện thế này rất thường gặp.

Nhiều người cho rằng, kiềm chế được thì tốt, nhưng nếu không kiềm chế được thì cứ để phản ứng nổ tung. Vấn đề là sau đó, chuyện qua rồi bỏ, mỗi người dẹp “cái tôi” của mình qua một bên, mọi thứ như ban đầu. Nói thì dễ lắm, có vào hoàn cảnh mới thấm thía, bát nước đổ đi rồi hay lời nói nhiều khi như gươm đao, tổn thương là không tránh khỏi.

Rốt lại, đáp số của bài toán “cái tôi” là gì nếu không là tha thứ hay hòa giải? Chỉ nhiêu đó thôi mọi thứ sẽ nhẹ nhàng, nhưng mấy ai giải được bài toán đó trong cuộc đời mình?

Theo phụ nữ TPHCM