Khi người đàn ông trụ cột gia đình thất bại trong làm ăn, người vợ thường sát cánh giúp chồng vượt qua. Thực tế đã chứng minh rất nhiều người vợ xắn tay áo chèo chống cùng chồng không chỉ vượt qua cơn bão mà còn gầy dựng lại được tiếng tăm đã mất. Tuy nhiên nếu tình huống ngược lại thì sao?
|
Người vợ cô đơn khi sa cơ |
Chị Trâm là chủ một doanh nghiệp tư nhân mua bán vật liệu xây dựng, có cửa hàng không lớn lắm và 1 chiếc xe tải chở hàng đến các công trình. Chuyện bắt đầu khi chị nghe lời đường mật của chị bạn là chủ một doanh nghiệp lớn để nhập về một lô hàng sơn nước có giá trị khá cao cùng lời hứa hẹn của chị bạn: “Cứ nhập về kho em đi, không tiêu thụ hết chị sẽ lấy lại cho”.
1 tháng, 2 tháng, rồi 1 năm, 2 năm…. lô hàng sơn nước bán không chạy, lượng tồn kho quá lớn, hạn sử dụng gần kề… Chị Trâm chưa kịp gọi chị bạn để trả lại lô hàng thì nhận được giấy báo của nhà sản xuất đề nghị thanh toán tiền nợ quá lâu. Khi chị Trâm đề nghị trả lô hàng, chị bạn phủi tay: “Chị cũng còn cả kho kia kìa. Thôi em tự giải quyết đi, coi nhà thầu nào đó bán rẻ và tăng thêm huê hồng cho họ”.
Lúc này chị Trâm mới biết mình bị lừa. Bàn với chồng, chị chỉ thấy một gương mặt lạnh tanh: “Tui nói rồi, tin bà đó có ngày đổ nợ. Bà tự làm, tự gánh”. Một thời gian sau, vợ chồng chị chia tay.
Loan - em họ tôi - trước đây làm việc ở một doanh nghiệp. Chồng Loan là trưởng phòng một cơ quan nhà nước, cuộc sống bình thường, vừa đủ. Sau dịch COVID-19, công ty của Loan không còn mối hàng như ngày xưa phải giảm bớt nhân sự và Loan nằm trong danh sách nhân viên nghỉ việc.
Ở nhà buồn, không có tiền chủ động chi tiêu, muốn có thu nhập thêm, Loan mở quán bánh canh trước nhà buổi sáng. Bán hàng ăn rất vất vả phải thức khuya dậy sớm, lịch kịch nấu nướng, nhà cửa lúc nào cũng ám mùi thịt, xương, chả cá...
Chồng Loan đã không thông cảm cho vợ còn có ý nghĩ chị “bôi xấu” anh vì anh nằm trong cơ cấu tương lai lên phó giám đốc. Loan không được sự ủng hộ, còn chịu cảnh chồng “mặt nặng mày nhẹ”.
Mỗi sáng anh dắt xe ra khỏi nhà đi làm quả là cực hình với Loan khi cô cảm giác anh nhìn hàng bánh canh của vợ với vẻ coi thường. Vừa rồi, Loan nhắn cho tôi, đã giải quyết xong chuyện ly hôn. Cô không thể sống với người chồng vừa gia trưởng, không biết thông cảm cho vợ còn tỏ ra khinh cô lúc cô sa cơ.
Anh Hùng là tài xế xe tải, kiếm được bao nhiêu đem hết về cho vợ, cuộc sống gia đình ở mức trung bình. Một hôm về đến nhà, anh Hùng thấy hàng xóm xúm đông đen ở cổng, lúc này anh mới té ngửa chị Oanh - vợ anh, nợ người ta gần 500 triệu đồng. Hỏi, thì chị Oanh trả lời bị giật hụi. Vốn là người đàng hoàng, anh vay mượn anh chị em ruột gom đủ cho chị Oanh trả nợ. Trong khi bên gia đình anh Hùng, hết mẹ chồng rồi đến em dâu chì chiết chị Oanh không tiếc lời thì anh chẳng một câu trách cứ vợ. Thấy chị buồn, anh lại động viên: “Của đi thay người, em đừng buồn, vui vẻ sống để lo cho con”.
Giờ đây, mỗi khi nhắc lại chuyện xưa, chị Oanh luôn nói: “Mình biết ơn ảnh vô cùng, tấm lòng bao dung của ảnh giúp mình vượt qua”.
Hàng xóm nhà tôi có một gia đình đúng là kiểu mẫu. Chồng làm cho một công ty thiết kế nhà, vợ làm kế toán một doanh nghiệp tư nhân, 2 con học hành giỏi giang.
Sau dịch COVID-19, doanh nghiệp của vợ phá sản, tiền cổ phần hùn hạp mất luôn, cuộc sống không như ngày xưa. Một thời gian, tôi thấy cô vợ nhắn vào nhóm chung cư là bán hàng online như gạo, trái cây, bánh... Mời cư dân ủng hộ. Anh chồng mỗi ngày nhận nhiệm vụ đi giao hàng khắp các tầng chung cư, lúc nào anh cũng vui vẻ, thỉnh thoảng vài câu pha trò dí dỏm, ai cũng mến.
"Đồng vợ đồng chồng tát biển Đông cũng cạn", người vợ có ham muốn, khát khao làm giàu đến đâu nữa, họ cũng chỉ mong một điều là đem lại sự no đủ cho chồng con. Một khi vợ lỡ bước sa chân, sự động viên, an ủi của chồng là liều thuốc quý báu nhất để họ vượt qua. Để vợ một mình chống chọi với bão tố, phủi tay với trách nhiệm, lấy phần được về mình, liệu lương tâm người chồng có được bình an?
Theo phụ nữ TPHCM