Chị Hạnh Dung thân mến,

Nhân dịp sinh nhật chồng tôi, cô bạn thân của tôi đã mua áo tặng anh ấy. Đó là một chiếc áo thương hiệu đắt tiền. Cô ấy gọi cho tôi nhưng tôi đã từ chối. Thế là cô ấy nói chuyện trực tiếp với chồng tôi để biết chính xác kích cỡ áo của anh. 

Tôi có cảm giác mình như người đứng ngoài mối quan hệ này. Cô ấy luôn nhỏ nhẹ và vui vẻ với chồng tôi. Tôi đã nói với cô ấy rằng những món quà đó là riêng tư, nên để người vợ lo liệu. Nếu có lòng thì tặng anh chai rượu là đủ rồi. Nhưng cô ấy bảo anh làm việc văn phòng thì phải ăn mặc sang trọng.

Tôi rất tức giận, vì cô ấy đã đi quá giới hạn tình bạn của chúng tôi. Chúng tôi đã không liên lạc với nhau một thời gian vì chuyện này. Chồng tôi thì bảo tôi ghen tuông vô cớ... Tôi sai ở đâu vậy chị Hạnh Dung?

Vy

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Chị Vy thân mến,

Cảm giác không thích ai đó tặng quà cho chồng mình, và nghĩ rằng đó là việc bạn gái dù thân cũng không nên làm, là cảm xúc và suy nghĩ riêng của chị, là quan niệm của chị đối với một vấn đề liên quan đến gia đình mình. Vì vậy không ai có thể phán xét chị là sai.

Theo tâm lý thông thường, Hạnh Dung nghĩ cũng khá nhiều phụ nữ có cùng cảm xúc giống chị: không thích bạn gái thân có những quan tâm chăm sóc quá tỉ mỉ dành cho chồng mình.

Tuy nhiên, nếu ngoài những chuyện như thế này, cô ấy chưa có biểu hiện gì khác khiến chị phải nghi ngờ, thì chị cũng hãy suy nghĩ một cách nhẹ nhàng: Bạn chị đã hỏi ý kiến chị khi tặng quà cho chồng chị. Nghĩa là cô ấy cũng không có ý định làm gì đó khuất tất, giấu giếm. Có lẽ cô ấy rất quý mến tình bạn với chị, quý mến chồng chị và muốn làm gì đó cho vợ chồng chị vui mà thôi.

Thêm vào đó, áo sơ mi là món quà người ta thường tặng cho bạn bè, đối tác, người thân là đàn ông. Ít ai cho rằng đó là món quà mang tính chất quá riêng tư, chỉ vợ hay người yêu mới được tặng cho chồng (Những món quà bị gọi là nhạy cảm thường là đồ lót, vớ, khăn tay chẳng hạn...)

Cái sai, cái thiếu tinh tế của cô bạn là đã biết chị không vui lòng, không đồng ý, nhưng vẫn cứ làm. Có thể vì cô ấy là người bướng bỉnh, thích chỉ đạo, hướng dẫn, làm mọi thứ theo ý mình. Lại cũng có thể cô ấy hơi bị... quê khi chị từ chối, nên cứ cố gắng làm điều mình muốn, không cần biết hậu quả thế nào.

Phản ứng của cô ấy không chấp nhận mình sai, lại tranh luận với chị khi chị thẳng thắn "chấn chỉnh" sự quan tâm đó, cũng là biểu hiện của người cố chấp. Nhất là khi nó hàm ý phê bình, nhận xét cách ăn mặc của chồng chị, gián tiếp phê bình người vợ (là chị) trong việc chăm sóc chồng mình, thì quả là cô ấy đã bước quá giới hạn của người bạn gái.

Dù sao thì chuyện cũng đã xảy ra, nếu cả hai người đều cảm thấy đó là chuyện nhỏ, chỉ là một sơ suất trong cách cư xử, thì cả hai đều có thể lùi lại, bỏ bớt cái tôi, nhìn nhận những phản ứng chưa hợp lý của mình để có thể giữ tình bạn. 

Điều quan trọng nhất là chị và chồng chị đừng để xảy ra mâu thuẫn từ bên trong vì một việc gây ra bởi người ngoài. Hãy nói rõ cho anh hiểu cảm xúc của chị chỉ là do cách hành xử thiếu tinh tế và vượt quá giới hạn của bạn mà thôi. Chị cũng hiểu cho chồng là có lẽ anh chỉ muốn xoa dịu tình hình. Hai chữ "ghen tuông" có thể làm xấu đi câu chuyện, và Hạnh Dung nghĩ là anh chị nên gỡ bỏ chúng khỏi tình huống này.

Theo phụ nữ TPHCM