Chị Hạnh Dung kính mến,

Em và anh quen nhau được 6 tháng. Anh đã đưa em về nhà chơi và nói thật là em không thích mẹ anh lắm. Gần 60 tuổi, nhưng em thấy mẹ anh có vẻ như không được chín chắn lắm. Bà thích đi du lịch, thích làm đẹp, thích mua sắm và đặc biệt thích sống ảo.

Nhìn hình bà trên Facebook, nhiều khi em muốn té xỉu vì buồn cười. Bà photoshop hình ảnh của mình, kéo dài chân, bóp eo... trẻ ra đến tận 20 tuổi. Mà bà toàn xưng hô trên Facebook là nàng, em... nghe thấy chướng lắm chị ạ.

Em nghĩ nếu ba mẹ em mà nhìn thấy Facebook của mẹ chồng em, chắc ba mẹ em xỉu. Vì ông bà rất mô phạm, chuẩn mực. May mà ông bà không tham gia vào mạng xã hội. Nhưng em cũng lo khi gặp mẹ anh, không biết ông bà nghĩ sao.

Bà là mẹ đơn thân, tính bà trẻ trung, ăn mặc cũng rất trẻ và hay cười, hay nói, hay thể hiện mình là người phóng khoáng. Kiểu như còn đi "thả thính" theo ngôn ngữ bọn trẻ tụi em ấy chị.

Em rất yêu anh và muốn tiến tới lâu dài với anh. Em có nên nói với người yêu để anh nhắc mẹ anh chững chạc lại một chút? Dù sao cũng sắp làm mẹ chồng rồi, phải thay đổi chứ, phải không chị?

Mỹ Hạnh

Em Mỹ Hạnh thân mến,

Đọc thư em mà Hạnh Dung có cảm giác như em đang chuẩn bị đi làm... mẹ chồng, chứ không phải là làm dâu. Tất cả những gì em kể về người sẽ là mẹ chồng tương lai của em, chỉ khiến Hạnh Dung cảm nhận rằng đó là một người có cách sống tích cực, lạc quan, vui vẻ.

Thích đi du lịch, thích làm đẹp, thích mua sắm, tính tình trẻ trung, hay cười, hay nói... Toàn những điều giúp cho cuộc sống vui vẻ, thoải mái. Làm bạn với những người như vậy thật dễ chịu, theo Hạnh Dung nghĩ. Những người mẹ chồng như thế, chắc là sẽ không khó khăn, xét nét, đòi hỏi gì ở con dâu. Ấy thế mà em lại lấy làm khó chịu với bà thì lạ thật.

Em cho rằng bà sống ảo, chỉ vì bà thích sống một cách tươi trẻ, đẹp đẽ. Với bà, đó mới là cuộc sống thật thì sao? Khi mà bà không thể sống theo chuẩn sống khác của những người nghiêm trang, đạo mạo; bà sống thật với con người vui vẻ của mình thì lại bị em lên án sống ảo là sao?

Nhận xét của em cho rằng mẹ chồng "thả thính" ai đó trên mạng, theo Hạnh Dung là một cách nhận xét rất thiếu tôn trọng. Nó thể hiện con người của em, chứ không thể hiện con người của mẹ chồng tương lai của em.

Người ta bảo "nhập gia, tùy tục", em chưa bước vào nhà của người ta mà em đã muốn chỉnh sửa cả chủ nhà. Chị e rằng mẹ chồng em sẽ khó sống với em chứ không phải ngược lại.

Nếu em thấy có quá nhiều khác biệt mà em không thể chấp nhận được, thì Hạnh Dung nghĩ, trong trường hợp này, em mới là người cần điều chỉnh hoặc chọn lựa, quyết định có tiến đến hôn nhân hay không, và để cho mẹ chồng em được sống yên bình như bà mong muốn trong cuộc đời còn lại của bà.

Theo phụ nữ TPHCM