Câu hỏi mà tôi nhận được nhiều nhất kể từ ngày kết hôn là “bao giờ hai người sẽ tính chuyện gần nhau?”. Trong quan niệm của người Á Đông, việc vợ chồng sống ở hai đất nước khác nhau là điều quá bất thường, đến mức dù người trong cuộc có chân thành chia sẻ đến thế nào, người xung quanh vẫn không tin mối quan hệ đó đang ổn. 

Củ ấu cũng tròn vì… xa nhau

Một nghiên cứu vào năm 2019 đối với các nước phương Tây cho thấy, ngày càng có sự gia tăng việc sống xa nhau giữa các cặp vợ chồng, đặc biệt là vợ chồng trẻ (lứa tuổi từ 20-24 chiếm đến 31% trong số các cặp vợ chồng sống xa nhau).

Dù không thể có một kết luận chính xác về nguyên nhân, rằng vì tài chính, sức khỏe hay vì sự nghiệp nhưng dữ liệu điều tra này cho thấy gần 4 triệu người Mỹ và 785.000 người ở Anh (tính cả xứ Wales) đang sống tách biệt với người bạn đời. Điều đáng suy ngẫm nhất chính là: họ ổn. 

Anh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Anh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Với xã hội Việt Nam, có lẽ nguyên nhân chính khiến các cặp vợ chồng phải xa nhau là tài chính, trong đó người chồng hoặc vợ phải tha hương để lo sinh kế. Sau đó mới đến nguyên nhân từ sự nghiệp, học hành. Thật kỳ lạ là chúng tôi không thuộc diện nào trong số đó.

Cả hai từ đầu đã sống ở hai đất nước khác nhau và sau khi kết hôn, chúng tôi nhận ra điều đó không gây cản trở nào đối với mối quan hệ của mình. Ngược lại, đôi lúc, tôi thấy thật may vì mình và chồng… xa nhau.

Đó là những lúc tôi chứng kiến cuộc đay nghiến nhau của vợ chồng cô bạn mình, người cưới cùng thời điểm với vợ chồng tôi hay nhìn thấy những vỡ mộng sau kết hôn của đồng nghiệp đến mức việc trở về nhà khi tan sở trở thành nỗi ám ảnh đối với anh ấy…

Tôi từng tự hỏi, vỡ mộng sau kết hôn là điều rất khó tránh khỏi dù có là ai và với tính cách quá độc lập của mình, liệu tôi có chịu nổi không? Tôi không tự huyễn hoặc đến mức biến việc xa nhau thành ưu điểm của hôn nhân nhưng nhận ra khoảng cách địa lý không phải lúc nào cũng là tác nhân gây hại. 

Phương tiện hiện đại giúp chúng tôi nhiều trong việc thu hẹp khoảng cách. Ở xa vài ngàn cây số nhưng gần như chúng tôi đều biết được mọi sinh hoạt, cảm xúc của đối phương: đi đâu, gặp gỡ ai, có niềm vui nỗi buồn nào… Cảm nhận sự chia sẻ và nhu cầu được sẻ chia có lẽ là thứ mà khoảng cách địa lý không tác động hay quyết định được.

Chúng tôi nhìn thấy, nghe tiếng nhau hằng ngày dù chỉ là qua màn hình điện thoại. Cứ khoảng ba tháng, chồng tôi về nước một lần, ở nhà hai tuần. Và thực tế, sự cách biệt không gian trước đó khiến mỗi lần hội ngộ của chúng tôi trở nên quý giá, mới mẻ hơn.

Chưa kể, chúng tôi tránh được sự can thiệp vào các quyết định của nhau (điều mà các cặp vợ chồng gần nhau không dễ gì tránh được, dẫn đến khả năng gây bức bối cho bạn đời) vì hiểu được mình không đủ gần để có nhận định chính xác như đối phương.

Thở hay không thở đôi khi không phải là chuyện của địa lý

Trong nghiên cứu về các cặp vợ chồng sống xa nhau của phương Tây kia, có một điều rất đáng suy ngẫm, rằng hầu hết họ đều thuộc tầng lớp trí thức, chuyên gia có trình độ cao. Họ đủ hiểu biết để cân nhắc nặng - nhẹ mà không cần phải chạy theo định kiến của xã hội? Kiến thức nhất định giúp tìm được phương cách để xóa nhòa địa lý? Không hẳn thế mà cũng có thể tất cả là như thế.

Cơ hội công việc giữ chân họ ở một miền đất khác, mà người trong cuộc đủ thấu hiểu để thấy việc theo đuổi sự nghiệp riêng quan trọng không kém việc chọn bạn đời hay giữa chia tay và gần nhau nhưng nhận công việc không phải việc mình thích nhất đều có sức nặng như nhau.

Mặt khác, nhiều người cho rằng, văn hóa phương Tây với thói quen xê dịch khiến người ta dễ dàng thích ứng với những khoảng cách địa lý. Trong khi đó, người châu Á với những giềng mối cố hữu kiến tạo một gia đình, việc ở xa nhau tạo ra nhiều bất trắc. Thế nhưng, những thứ thuộc về xã hội hiện đại đã cho thấy điều đó có nhiều thay đổi. 

Cơ bản, như vợ chồng tôi, sống xa nhau là một sự lựa chọn mà trong đó không ai phải hy sinh vì ai. Một cuộc hôn nhân mà trong đó không ai mưu cầu bất cứ điều gì ở đối phương, cũng không từ bỏ điều gì của bản thân vì đối phương, thì cứ thế mà đi qua ngày này đến ngày khác, và ngày nào cũng như ngày đầu.

Có thể điều này không dễ dàng với những ai thiết kế sẵn cho mình từ đầu một “phom” về gia đình hạnh phúc, như ông bà hay cha mẹ đã từng nhưng nếu cho rằng hạnh phúc chính là cảm xúc thoải mái nhận được mỗi ngày, thì xa nhau về khoảng cách không tạo ra bất kỳ sự bất tiện nào.

Một trong những điều khiến nhiều người mang cảm giác tồi tệ về cuộc hôn nhân của mình là họ bị buộc phải thay đổi quá đột ngột những điều đã trở thành thói quen, nếp sống.

Việc gặp gỡ bạn bè sau tan sở phải chấm dứt nếu không muốn mình trở thành kẻ vô trách nhiệm; hành động cởi phăng chiếc áo và vứt bừa đâu đấy trong phòng, sau một đoạn đường chen chúc nóng bức giờ tan tầm, giờ sẽ nhận về những tiếng càu nhàu; những sáng cuối tuần cà phê vỉa hè cùng các “chiến hữu” phải được hạn chế hoặc cân nhắc…

Tất cả những điều đó không có ở những cặp vợ chồng sống xa nhau. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Vào cái ngày tôi an ủi cô bạn mình rằng, chỉ cần bước qua được khoảng thời gian kế tiếp của kết hôn, mối quan hệ sẽ ổn vì cả hai khi đó đã biết mình cần điều chỉnh những gì để không còn bị cảm giác ngột ngạt đeo bám, cô bạn tôi buột miệng: “Xa chồng như mày vậy mà hay”. 

Thực tế thì, điều đó không tệ nhưng cũng chẳng hay, tôi nghĩ thế, vì một cuộc hôn nhân có khoảng thở hay không, không phụ thuộc vào sự xa hay gần và sẽ tốt biết mấy nếu chúng ta “thở” cùng nhau, gần nhau.

Chưa kể, có những điều mà chỉ khi ở gần, cả hai mới có điều kiện hoàn thành vai trò trong công cuộc xây dựng cái được gọi là gia đình nhỏ. Đó là khi một đứa trẻ ra đời.

Việc một người phải cáng đáng hai vai trò, nói khó thì không khó nếu đủ điều kiện kinh tế nhưng dễ thì cũng không. Không có sự hiện diện nào thay thế được sự hiện diện nào và không ai, về mặt cảm xúc, có thể thay được bố và mẹ.

Khi bế trên tay sinh linh bé nhỏ, trong cơn thiếu ngủ và đau đớn vì những đường mổ vẫn còn mới, tôi đã ước ao giá mà chồng tôi ngay lúc này đang ở đây. Tiếng nói của anh vẫn bên cạnh, trong chiếc điện thoại bé xíu nhưng anh không thể sờ tay vào vết cắt vẫn còn đường chỉ may của vợ mình. Đó là trải nghiệm đặc biệt không chỉ với riêng phía nào.

Vĩ thanh

Danielle Lindemann - nhà xã hội học tại Đại học Lehigh (Mỹ), tác giả cuốn sách Vợ chồng sống xa nhau: Gia đình mới trong thế giới thay đổi - cho rằng không ai có thể thực sự nhận định lối sống nào tốt hơn lối sống nào. Chỉ là, xã hội càng hiện đại, chủ nghĩa cá nhân cực đoan càng phát triển, xu hướng sống xa nhau sẽ ngày càng trở nên phổ biến hơn.

Khoảng thở hôn nhân, có hay không còn tùy thuộc vào việc hiểu được nhu cầu của bản thân, đặt bản thân mình vào trục ưu tiên (chính điều đó sẽ giúp thấu hiểu vợ/chồng hơn), mới mong xây dựng cách vận hành gia đình phù hợp. 

Theo phunuonline.com.vn