|
Có không ít đàn ông "đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành" (ảnh minh họa) |
Khi mới quen nhau, em gái con của dì tôi luôn tự hào khoe với tôi rằng: bạn trai của em khác hẳn mấy ông anh nhà mình. Mấy anh lúc nào cũng vung tay quá trán còn “anh ấy” thì luôn biết chừng mực trong chi tiêu, làm gì cũng cân nhắc kỹ lưỡng.
Thế rồi, chỉ ít tháng sau 2 người quyết định tiến tới hôn nhân. Trước khi em đi lấy chồng, dì tôi rủ rỉ dặn dò em đủ chuyện, rằng phải đối nội đối ngoại thế nào, quán xuyến công việc trong nhà và chi tiêu tiền nong ra sao... Em tôi vâng dạ, khấp khởi mong sớm đến ngày mình trở thành người phụ nữ của gia đình - mà không hề hay biết đó là ngày khiến em hối hận.
Sau đám cưới, em rể giữ hết tiền mừng của họ hàng đôi bên, cất luôn cả số nữ trang mà cô dâu được tặng, chỉ chừa lại chiếc nhẫn cưới. Em tôi ngơ ngác, hụt hẫng.
Tiếp đến, mọi ăn uống, chi tiêu trong gia đình, em rể nắm toàn bộ. Mỗi sáng, em rể đưa cho em gái tôi một khoản tiền nhỏ, vừa vặn để mua thức ăn trong ngày. Tiền đi chợ, nếu có dư cũng phải về đưa lại.
Em tôi muốn mua sắm bất kể thứ gì cũng đều phải "trình" lên chồng, chờ sự "phê duyệt" và "giải ngân", kể cả là những vật dụng cá nhân như đồ lót.
Sau mấy tháng chung sống, em tôi khóc ròng, chỉ muốn bỏ về nhà mẹ ruột. Nhưng bỏ về đâu có dễ. Thiên hạ sẽ gièm pha, ba mẹ chịu sao thấu? Rồi đứa con trong bụng, không lẽ để nó không cha? Cuối cùng, em vẫn phải nuốt nước mắt vào trong, tập quen dần với việc chồng khư khư "tay hòm chìa khóa".
|
Khóc ròng khi lấy phải ông chồng "tay hòm chìa khóa" (ảnh minh họa) |
Biết em khổ mà không cách nào thoát ra được, tôi đành lựa lời động viên: "Được cái nọ, mất cái kia. Chồng em chặt chẽ cũng vì muốn tích cóp cho gia đình. Hơn nữa, chồng lo việc tiền nong thì mình càng khỏe, đỡ phải tính toán, lo nghĩ nhiều".
Nói vậy để cho em nguôi ngoai, chứ thật tình, nếu là tôi thì tôi cũng... chạy lẹ.
Xưa nay, theo lẽ tự nhiên thì "đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm". Trong gia đình, mỗi người có một trọng trách khác nhau, phù hợp với giới tính, sức khỏe, khả năng và bản năng của mình.
Đàn ông sức vóc hơn hẳn phụ nữ, họ có thể xông pha, gánh vác những việc lớn. Còn chuyện sinh hoạt trong gia đình hay nuôi dạy con cái thì người phụ nữ tỉ mỉ, chỉn chu hơn, nên họ mới được gọi là nội tướng.
Trong xã hội hiện đại, vai trò của người nam và người nữ đã đan xen nhau, không còn rạch ròi như trước. Phụ nữ hăng hái làm việc bên ngoài, và trở thành một trong hai trụ cột kinh tế của gia đình. Đàn ông cũng thường xuyên đi chợ, vào bếp hơn để chia sẻ việc nhà với vợ. 2 bên tương trợ lẫn nhau, cùng nhau gánh vác và xây dựng. Thế nhưng tôi vẫn nghĩ, đàn ông không nên tham gia quá sâu vào việc tề gia nội trợ nếu vợ anh ta không muốn.
Tiền nong có thể phân công nhau giữ, nhưng không nên "thâu tóm". Giao việc "tay hòm chìa khóa" cho vợ chính là trao cho bạn đời của mình lòng tin và cơ hội để cô ấy trở về đúng với thiên chức của phụ nữ.
Theo phụ nữ TPHCM