Thường xuyên bị người chồng say xỉn bạo hành nhưng chị vẫn không chịu bỏ chồng

Theo dõi các bài viết tranh luận chuyện tình duyên là Do duyên số hay do ta? trên Báo Phụ Nữ Online, tôi liên hệ ngay tới chuyện người giúp việc nhà người bạn.

Hôm Mùng 4 tết, chị đến lau dọn nhà cửa theo lời hẹn với chủ nhà nhưng bạn tôi đành phải khuyên chị về nghỉ ngơi vì thấy những vết bầm tím khắp người chị.

Không cần hỏi, người chủ nhà cũng biết hẳn là đêm trước chị vừa “ăn” một trận đòn no nê từ lão chồng nghiện rượu, không nghề nghiệp. Tết với nhiều người là niềm vui, nhưng với chị những nỗi đau cứ kéo dài theo những trận chè chén không biết đêm ngày của chồng.

Mùng 6 tết, đứa con gái 19 tuổi của chị sinh con đầu lòng, bị băng huyết, không qua khỏi. Trong khi chị khóc cạn nước mắt thì người chồng vẫn say sưa trên bàn nhậu. 

Trước tết, chiếc xe máy cà tàng là phương tiện đi lại duy nhất của chị cũng bị chồng bán đi để lấy tiền uống rượu. Không chỉ mất của, chị còn phải chịu những trận đòn của gã chồng bợm nhậu.

Những ai biết hoàn cảnh của chị đều khuyên chị bỏ chồng. Thậm chí, có gia đình đề nghị cho chị chỗ ở, giúp chị phương tiện đi lại để thoát khỏi cuộc sống địa ngục đó. Nhưng kỳ lạ, chị vẫn chọn ở lại, tiếp tục những chuỗi ngày đau khổ. Chị có thể tự giải thoát cho chính mình hay không, vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp.

Mọi người thương chị, nhưng đôi lúc họ không khỏi buồn phiền vì quyết định của chị. Người ta kháo nhau rằng có lẽ duyên còn, nợ chưa trả hết nên vẫn phải ở bên nhau. 

Hai chữ duyên nợ, từ chan chứa niềm vui, hạnh phúc, chợt trở nên ngột ngạt, bí bách, có lúc cứ ngỡ như ngục tù chôn chặt cuộc đời của người phụ nữ quá bất hạnh này.

Cách đây 3 năm, tôi gặp lại chị Thu và con gái của chị. Hai mẹ con đi bên nhau nhìn cứ như hai chị em vì chị Thu vẫn còn trẻ trung, xinh đẹp chán. Nhìn chị, bao nhiêu ký ức lại ùa về. 

Dưới nấm mồ kia, người chồng của chị có lẽ đã trở thành tro đất. Không rõ lòng chị còn oán hận hay không. Nếu như nỗi đau thể xác có thể lành thì những tổn thương về tinh thần, thứ con người không cầm nắm được, luôn khó quên. Nhưng có lẽ chị chẳng muốn nhớ làm gì những ngày tháng đau khổ đó nữa.

Cứ mỗi lần chồng say xỉn, chị phải chịu đủ cảnh tra trấn, từ đánh bằng tay, đá bằng chân, roi cho đến những màn cột tóc vào chân giường, trấn nước... Có lẽ, ám ảnh nhất là cái đêm sau khi hành hạ vợ, chồng chị châm lửa đốt một phần mái nhà. 

Đau thương chồng chất, ai cũng khuyên chị bỏ chồng nhưng chị vẫn ở lại trong sự thắc mắc của láng giềng.

Chị từng nghĩ sẽ chịu đựng chỉ vì con cần cha. Không chắc chắn lắm nhưng với một người phụ nữ đôi mươi không có gì trong tay, không nghề nghiệp, có lẽ quyết định dứt áo ra đi thời điểm đó cũng thật khó. 

Mãi đến khi con bé lên 10, chị và chồng mới chính thức đường ai nấy đi. 

Người ngoài thấy khó hiểu, nhưng người trong cuộc lại luôn vịn những lý do để chấp nhận cảnh sống không ra sống

Người ngoài nhìn vào uất hận thay, nhưng người trong cuộc có muôn vàn lý do không ai hiểu được. Ngoài con cái, kinh tế thì chữ nghĩa, tâm lý ái ngại hôn nhân đổ vỡ, niềm hy vọng bạn đời thay đổi... đủ trói chân người phụ nữ trong những cuộc hôn nhân không hạnh phúc. 

Chúng ta vẫn quen dùng hai chữ duyên nợ để lý giải cho sự lựa chọn có chủ đích. Một khái niệm vô hình mang tội trong những mái ấm không tròn vẹn.

Thật khó để nói lựa chọn của chị Thu hay người phụ nữ giúp việc kia là đúng hoặc sai trong hoàn cảnh đó, nhưng có một điều luôn đúng là ai cũng cần chọn để bản thân hạnh phúc, bình yên hơn. 

Mỗi chúng ta chỉ sống một cuộc đời, một lần, tàn nhẫn với bản thân nhất là để những đau khổ trói buộc mình. Có những lựa chọn nhân danh vì một ai đó, hy sinh cho một điều gì đó, nhưng cuối cùng chính bản thân ta không hạnh phúc thì điều đó còn ý nghĩa gì?

Theo phunuonline