Vì thương vợ là con một nên tôi chấp nhận phận ở rể. Ba mẹ vợ vui mừng, nhưng cũng kể từ đây, nhiều chuyện dở khóc dở cười xảy ra. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn, nhưng chủ yếu là do vợ tôi phụ thuộc quá nhiều, cái gì cũng nghe theo ba mẹ.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Mỗi lần nhà có chuyện là vợ tôi đều im lặng. Nhiều lúc tôi muốn nghe ý kiến phản biện của vợ khi ba mẹ vợ bàn những chuyện liên quan đến chúng tôi, nhưng cô ấy luôn nói “con sao cũng được”. Lúc mới cưới tôi cũng thích thế lắm, bởi quyền lực nằm trong tay tôi. Nhưng càng về sau, tôi càng cảm thấy khi vợ luôn bỏ phiếu trắng thì ba mẹ vợ lại có cớ can thiệp quá nhiều.

Chẳng hạn vợ chồng tôi mua xe hơi mấy chỗ, màu gì, hãng nào, ba mẹ vợ cũng tham gia quyết định. Tôi không muốn ba mẹ vợ can thiệp đến cả chuyện riêng như con tôi nên uống sữa gì, đi học trường nào… Nhưng vì vợ không nói gì, tôi là con rể lại lên tiếng hoài cũng ngại.

Tôi trách vợ thiếu chính kiến, nhu nhược, chuyện gì cũng để ba mẹ vợ quyết thì vợ chồng tôi là cái gì trong nhà. Vậy là vợ tôi giận dỗi: “Sao anh không nghĩ xem có được bao nhiêu nhà ba mẹ thương yêu con cháu như ba mẹ em không? Hay là anh muốn em trở thành một người con bất hiếu mới vừa lòng?”. Tôi cười méo xẹo, lòng buồn bực vì nghĩ vợ vẫn mãi không hiểu cho chồng.

Tôi sống chung với cả nhà vợ, nói mệt mỏi thì không phải, nhưng rất phiền hà. Ba mẹ vợ lúc nào cũng xót con, xót cháu. Mẹ vợ thì chăm bẵm, cơm nước, làm việc này việc kia cho con gái. Ai cũng nói tôi có phúc, nhưng tôi thích tự do. Vợ bảo không ra riêng được, vì cô ấy là con một.

Vợ là nhân viên văn phòng, sáng đi làm công ty xong tối về dọn dẹp phòng, chơi với con, rửa chén, thế là hết. Việc nhà đã có ba mẹ vợ lo hết. Không can thiệp được chuyện ở nhà, tôi nghĩ cách lôi kéo vợ cùng tham gia chuyện làm ăn. Tôi bảo cô ấy phải nghiên cứu giúp chồng đầu tư vào những dự án lớn, chứ suốt ngày cắm đầu ở nhà rồi dọn dẹp mấy cái linh tinh thì biết bao giờ mới khá được.

Thế nhưng cô ấy trả lời: “Anh thích đầu tư vào đâu thì cứ làm, em không ý kiến gì. Chồng tự quyết, vợ ủng hộ 2 tay”. Hằng ngày vợ chồng chỉ nói chuyện vài câu vu vơ về con cái. Vợ ít va chạm xã hội nên hỏi cái gì cũng không biết. Thấy vậy nên tôi cũng ít hỏi dần, vợ chồng cứ thế mỗi ngày một xa nhau hơn.

Tôi bàn với ba mẹ chuyện ra riêng để vợ tập làm nội tướng trong nhà. “Con cháu là báu vật quý giá nhất cuộc đời ba mẹ, quý giá hơn cả mạng sống của mình. Nếu con rể muốn ra riêng thì cứ việc đi một mình, khi nào ổn định thì mới nên đưa vợ con theo” - ba mẹ vợ trả lời vậy mà vợ tôi vẫn không có ý kiến. Hết cách, tôi quyết định dọn ra ngoài sống, nghĩ rằng vợ sẽ đi theo, nhưng không phải vậy.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Vợ chồng tôi chính thức ly thân chưa được bao lâu thì tôi cặp với một phụ nữ giàu có, cùng góp vốn làm ăn chung. Tưởng rằng hạnh phúc đã ở trong tầm tay, nhưng chỉ một thời gian ngắn, người tình đã cuỗm sạch tiền nong, vốn liếng của tôi đi theo trai trẻ. Trong chốc lát, cơ nghiệp bấy lâu gầy dựng tan thành mây khói, những tính toán của tôi đã sai lầm, không thành hiện thực. Tôi chẳng biết trách ai bởi chính mình đã tự chuốc lấy bi kịch đắng chát này.

Giữa lúc tưởng chừng đã mất tất cả, ba mẹ vợ đã tìm gặp tôi. Ông bà khiến thằng con rể như tôi hết ngạc nhiên rồi xấu hổ bởi thái độ điềm tĩnh không oán than, không giận dữ.

Thay vào đó, lời nói của ông bà dành cho tôi vẫn rất nhẹ nhàng, tình cảm. Tôi lặng người đi vì ân hận. Nghe lời ba mẹ vợ, tôi quyết tâm làm lại từ đầu. Ông bà còn mở lời khuyên vợ đón tôi về nhà. Đến lúc này tôi mới chợt nhận ra lâu nay tôi đã sai.

Trên đời này, muốn tìm một người hoàn hảo thật khó lắm. Vợ tôi có thể có mặt này, mặt khác còn chưa bằng người ta; nhưng quan trọng hơn hết là cô ấy yêu thương gia đình. Con cháu có ông bà, ba mẹ hỗ trợ là phúc, sao lại nghĩ là phiền? Gia đình hạnh phúc ấm êm, con cái khỏe mạnh, trưởng thành mới là điều hạnh phúc; quan trọng gì chuyện vợ phải là nội tướng hay ngoại tướng.

Tôi dặn lòng: những chuyện cũ, hãy để chúng lùi về quá khứ, từ ngày mai, tôi sẽ học lại cách yêu vợ, yêu chính gia đình mình chứ không phải mơ mộng về một hình mẫu người vợ lý tưởng, gia đình lý tưởng trong tưởng tượng của người khác.

Theo phụ nữ TPHCM