Nghi ngờ cháu đang dính vào quan hệ yêu đương và khám phá tình dục không lành mạnh với bạn trai, mẹ cháu gặng hỏi nhưng cháu khai “chúng con chỉ là bạn”. Mẹ cháu không tin, đòi kiểm tra phòng riêng, cặp của cháu để tìm bằng chứng. Kết quả là không có gì khả nghi.
Khi biết bị mẹ đọc trộm nhật ký và lục lọi tin nhắn trong điện thoại, cháu rất bất mãn và làm ầm lên. Mẹ cháu hứa sẽ chấm dứt. Cháu làm một phép thử nhỏ: cài 1 sợi tóc vào giữa trang nhật ký, cất vào ngăn bàn học, khóa lại. Đúng như cháu dự đoán, 2 hôm sau, sợi tóc rơi mất. Cháu cảm thấy mẹ không biết giữ lời, thiếu văn minh nên “ngắt kết nối” với mẹ…
Một nữ sinh cấp III (Hà Nội)
|
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Khi đặt câu hỏi cho các học sinh phổ thông: “Chuyện yêu đương ở tuổi cắp sách đến trường có phổ biến không?”, câu trả lời bác sĩ nhận được là có, nhiều nữa là khác.
Tình yêu học trò gắn với nhiều kỷ niệm đẹp nhưng thường khó đi đến hôn nhân; nhiều “kẻ si tình” không biết chừng mực, để tình cảm đi quá đà và vấp ngã, sau này học hành dở dang. Đó là lý do hầu hết phụ huynh cảnh giác với chuyện tình cảm của con, nhiều khi phản ứng dữ dội, gây sức ép tâm lý cho con. Họ quên mất rằng khi còn ở tuổi học trò, mình cũng từng rơi vào tình cảm khờ dại như vậy, để rồi đến lúc làm cha mẹ lại hà khắc với con.
Bác sĩ Hoa Tiêu hiểu được lý do mẹ cháu miệt mài “phá án”. Người làm mẹ cần biết liệu con gái mình có phải là nạn nhân tình dục, liệu có đang "tập tành" làm người lớn khi mới ở tuổi vị thành niên hoặc do thiếu thốn tình cảm mà tìm cách tiếp cận tình dục…
Nếu "xâm nhập" khoảng trời riêng của con là cách duy nhất để kiểm chứng xem linh cảm của mình đúng hay sai thì cũng phải làm. Chẳng hạn kín đáo kiểm tra xem con mình có chat sex với người lạ không và tìm các lá thư bí mật của con gửi cho bạn bè; khẩn trương thu thập mọi thông tin và phải can thiệp ngay trước khi quá muộn.
Bên cạnh đó, mẹ có thể phát hiện các dấu hiệu cho thấy con mình có bị bạo lực học đường hay đang phải chịu đựng, dằn vặt hơn mức bình thường suốt hàng tuần; có các triệu chứng chán nản, buồn bã, tuyệt vọng, không quan tâm đến người khác và thờ ơ với các sinh hoạt không (biểu hiện của sự trầm cảm ở việc ngừng mọi hoạt động thông thường, mất ngủ, tránh tiếp xúc với người khác và không tìm thấy niềm vui…) để ra tay giúp kịp thời.
Có bạn trẻ đã ước được mẹ hỏi han khi bạn bị suy sụp đến quên cả việc vệ sinh cá nhân hằng ngày, nằm lì trên giường, khóc lóc, chán ghét bản thân, cho rằng mình thất bại… Vậy mà người nhà vẫn cho qua, nghĩ rằng đó là tâm trạng thất thường “sớm nắng chiều mưa” của tuổi teen và ngỡ rằng làm thế là “tôn trọng cảm xúc của con”.
Thấu hiểu được nỗi lòng của mẹ đủ cho thấy sự trưởng thành trong cháu.
Nói về chuyện xây dựng lòng tin trong mối quan hệ giữa 2 mẹ con, cháu nên thống nhất với mẹ: ở tuổi học sinh, học hành là quan trọng nhất, nếu có bạn trai thì phải cùng phấn đấu học giỏi.
• Muốn được mẹ tin cậy, cháu phải trở thành một người đáng tin. Nói cho mẹ biết mục tiêu của cháu và hỏi xem cháu cần làm gì để có được lòng tin của mẹ.
• Có câu: Nếu phạm lỗi, chưa chắc bạn đã đánh mất lòng tin của người khác nơi bạn nhưng nếu che đậy lỗi thì chắc chắn không ai tin bạn nữa. Bởi vậy, cháu hãy trung thực ngay cả khi bất lợi cho mình, đừng trước mặt thì làm đúng ý cha mẹ nhưng sau lưng lại làm theo ý riêng; không giấu giếm những chi tiết mẹ cần biết.
• Tuân theo quy định của gia đình. Chu toàn công việc được giao, thậm chí chủ động làm nhiều hơn mà không đợi mẹ nhắc nhở. Tự giác học hành. Về nhà đúng giờ.
Có người đã ví von: con cái hợp tác với cha mẹ giống như làm việc với ngân hàng. Con “nợ” cha mẹ sự vâng lời, càng “trả nợ” đúng kỳ hạn càng được cha mẹ “cho vay” sự tự do. Trái lại, nếu con không giữ chữ tín thì cha mẹ sẽ “giảm mức vay vốn” ngay.
Theo phụ nữ TPHCM