Khi được cô chủ nhiệm mời nói chuyện, chị Nhung đã rất ngạc nhiên khi cô chọn địa điểm là một quán cà phê chứ không phải ở trường.

Chị càng ngạc nhiên hơn, thậm chí đã bật khóc khi nghe cô kể lại những câu chuyện của con mình. Con gái chị năm nay lên lớp Mười hai, chị đã dành bao tâm sức lo cho con, vậy mà trong mắt con, chị và những thành viên khác trong nhà là những kẻ giả dối đến nỗi “không thể nói chuyện được”, những kẻ khủng bố, những nguồn áp lực khủng khiếp đè nặng lên con.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Cũng may, cô chủ nhiệm nói chỉ muốn chị và con gái thoải mái hơn trong năm học quan trọng sắp tới.

Câu chuyện chị kể với cô không nằm trong dự định, cũng không phải là nội dung chính của buổi gặp phụ huynh. Đó là chuyện vợ chồng chị, hơn 2 năm trước. Lúc đó, chồng chị làm ở bộ phận tín dụng của ngân hàng; anh bị phát hiện lợi dụng công việc, biển thủ số tiền lớn và tiêu gần hết số ấy cho bồ. Khi chuyện đổ bể, gia đình chị phải bán nhà dọn vô một chung cư cũ để có tiền đền cho ngân hàng, tránh cho anh phải tù tội.

Gia đình gần như khánh kiệt. Chị đã vật vã, dự định ly hôn, nhưng rồi thương 2 con còn nhỏ, chị gồng mình chịu đựng.

Chị nghĩ mình đã cố gắng che chắn bớt cho con, đã giấu bớt những điều tệ hại để giữ gìn hình ảnh của người cha, người chồng trong nhà, để giữ cho con gia đình trọn vẹn. Nhưng chẳng có gì nguyên vẹn được từ sau chuyện ấy. Cả 2 con đều học hành sa sút. Mấy lần anh chị cãi nhau, con gái đầu của chị có lần đã bỏ nhà đi. Hồi đầu chị nghĩ may mà con đến ở nhà bạn gái, nhưng rồi chị khóc cạn nước mắt vì con tuyên bố “yêu” bạn gái đó.

Chị đã làm mọi cách, từ ngăn cấm con không được gặp “người yêu”, nhốt con trong nhà, đưa con gặp chuyên gia tâm lý, đi “chữa lành” bằng các khóa trị liệu… Nhưng đứa con gái ngày xưa đã biến mất, chỉ còn một cậu “con trai” nửa mùa không còn quan tâm đến chuyện học hành, hay nổi khùng bất chợt, tập tành hút thuốc lá điện tử thả khói mù mịt mỗi khi lén mẹ ra khỏi nhà, cày game mỗi lần bị mẹ cấm túc, gần đây còn bắt đầu nổi loạn, nói hỗn.

Chồng chị đổ lỗi tại chị, anh bất cần gia đình, mất hút trong những sàn giao dịch tiền ảo với mong muốn đổi đời, lấy lại những gì đã mất.

Từ ngày chuyển nhà vào chung cư, chị cắt hết liên lạc với người quen, bạn bè, không nhắc gì về ngày cũ. Nhưng rồi trong quán cà phê sáng ấy, từng mảnh ký ức buồn tủi được dần mở lại. Chị nhớ lại lần sau cùng chị còn thấy đứa “con gái” của mình. Có lẽ đó là ngay trước khi vụ việc của chồng chị đổ bể. Đứa bé gái học lớp Tám, xinh đẹp, tinh khôi của chị đã ôm chặt lấy em gái, trốn vào xó nhà và khóc khi thấy cha mẹ cãi nhau. Khi đồ đạc trong nhà vỡ tung tóe, chị đã nhốt 2 đứa vào phòng thờ ở trên lầu.

Những lần sau đó, khi cha mẹ bắt đầu lớn tiếng, cả 2 chị em đều tự động chạy lên căn phòng đó, đóng chặt cửa lại. Có lẽ, từ lúc ấy, đứa bé gái của chị đã dần biến mất. Không biết bao nhiêu nỗi khiếp hãi và nước mắt trẻ thơ đã đổ trong căn phòng lánh nạn ấy, trong khi cha mẹ đang bận cãi vã, bán nhà, nhiếc móc nhau. Cho đến khi những vết sẹo tâm hồn con lành lại, chai đi, có lẽ con đã tự quấn bọc thêm cho mình những lớp vỏ, tự tìm phương thức thích ứng khác để hy vọng không bị đau lần nữa.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Chị đã từng nghĩ cuộc hôn nhân của mình coi như hỏng rồi, mà cũng xong rồi, chị chẳng hơi sức đâu để tâm giải quyết gì đó, sửa đổi ai đó. Giờ chị chỉ sống vì 2 đứa con. Chị đã từng nghĩ mình sẽ làm tất cả cho con, tất cả… Chỉ có 1 điều chị đã không nhận ra: không thể mặc kệ cuộc hôn nhân vẫn đang ngắc ngoải dây dưa mà chăm lo nuôi dạy con tốt được.

Trong một ngôi nhà rách nát, mưa tạt gió lùa, người mẹ có ba đầu sáu tay cũng không thể che chắn hết cho con khỏi gió độc, nước hắt vào người. Muốn chữa lành cho con, chị phải chữa lành cho bản thân mình trước đã. Khi chính chị cũng đang ôm giấu những tổn thương, đau đớn, bế tắc và bất lực, việc nuôi dạy con, cho con cuộc sống bình an, hạnh phúc chỉ là một ảo tưởng, một cách tự huyễn hoặc mà thôi.

Thay vì chạy trốn, chị sẽ học cách chấp nhận và đối diện với những tổn thương. Việc che giấu nỗi đau hay cố làm cho mình vô cảm không làm cho nỗi đau biến mất mà chỉ càng khiến chị chìm trong đấy. Chẳng thể xây tòa nhà mới nào trên một hố móng đã và đang sụt lún, cho dù vài bức tường có được dựng lên, tòa nhà ấy chẳng thể nào vững chắc được.

Chị rời quán cà phê với mong muốn được gặp lại con. Con là con trai hay con gái, có lẽ không chỉ là chọn lựa của một mình con, có lẽ trong đó có dự phần của chị. Thay đổi cuộc hôn nhân đã hư hỏng này có lẽ không phải chỉ là chuyện riêng của chị.

Hơn thế, đó có thể là một liệu pháp chữa lành từ sâu bên trong gốc rễ; cho các con của chị và cho chính chị, để thực sự giúp được con mình.

Theo phụ nữ TPHCM