Phải yêu nhau thế nào mới có thể nắm tay lúc về già - Ảnh minh họa
Cả tuần nay, như có một bàn tay ai níu kéo, ngày nào tôi cũng đi qua con hẻm ấy một lần.
Con hẻm nhỏ chỉ vừa một chiếc xe máy, ngoằn ngoèo, sâu hun hút. Có lẽ chỉ khi nào cho xe chạy vào những con hẻm như thế người ta mới biết Sài Gòn rộng ra sao! Tựa khi nào loanh quanh, một mình và tự hỏi về lòng người, ta mới hiểu không dưng ngày xưa ông bà hay bảo ban: “Dò sông dò biển…”?
Căn hẻm có nhiều ngôi nhà im lìm như thuộc về một thời nào đó đã xa với những khung cửa bong tróc, loang lổ một màu rêu phong. Cái níu chân tôi phải đi vào đây mỗi ngày chính là ngôi nhà đằng sau giàn sử quân tử đầy hoa.
Trong khoảnh sân nhỏ, dưới giàn hoa mát rượi đó, không biết bao chiều, bao sáng cứ đi qua là tôi thấy hai ông bà cụ ấy. Hai ông bà có lẽ đã nhiều tuổi, tóc trên đầu như hai chùm bông gòn sóng sánh. Ông ngồi trên xe lăn, bà ngồi bên, phía trước là cái bàn gỗ, trên bàn có bình trà và vài cái tách con con, có khi thêm một quyển sách, hai cái kính lão. Đặc biệt là bàn tay ông và bà luôn đan vào nhau.
Tôi nghe như một cơn choáng váng lướt qua mình!
Nắm một bàn tay thanh mảnh tháp bút hay mạnh mẽ có gì là khó? Ngồi cạnh nhau một quãng thanh xuân khi má còn hồng vai còn vững có gì là khó? Ở cạnh nhau trong một quán cà phê du dương tiếng nhạc, hẹn hò đi du lịch ở nơi đầy hoa đầy gió có gì là khó? Đã đi cùng nhau biết bao năm tháng mà bàn tay này vẫn còn có thể đan chặt bàn tay kia mới quả là phi thường!
Người ta phải yêu nhau như thế nào thì đôi bàn tay mới có thể đan chặt vào nhau trong cái hanh hao của tuổi xế chiều như thế! Đến độ tuổi chênh vênh giữa hai bờ sinh tử, còn có cái gì quý giá hơn một bàn tay thương quen, bất cứ khi nào mình chìa ra là gặp?
Như những sớm mai đi làm, bắt gặp bầy bồ câu thư thả nhặt thóc trên vỉa hè đầy lá. Như những chiều mệt nhoài trong tứ bề xe cộ, có đôi mắt trẻ thơ bên cạnh xoay qua mỉm cười. Như rảnh rỗi giờ trưa lướt Facebook thấy bạn khoe mấy cây hoa hồng tự trồng rung rinh chùm hàm tiếu. Đôi bàn tay nắm chặt kia tỏa một nguồn năng lượng đẹp đẽ diệu kỳ. Ai bảo tình yêu hiếm hoi qua thời gian, hiếm hoi khi vào mái nhà hôn nhân? Chỉ một đoạn đường gần nhà thôi tôi đã nhìn thấy, nhân gian bao la, còn biết bao cái nắm chặt tay như thế?
Tin yêu ta không đủ làm sao ta có thể gieo hạt để mà gặt hoa trái? Ta không mỉm cười thì tìm đâu thấy những mỉm cười?
Không dưng tôi nghĩ đến những cặp vợ chồng vẫn còn trẻ đang đi bên nhau mà không khác gì hai cái bóng lặng im, lạnh lẽo. Có biết bao cặp không còn trẻ dằn hắt nhau mỗi ngày vì những vết thương nào đó của quá khứ. Giờ ngày rộng tháng dài, con cái lớn, quanh quẩn vào ra chỉ có hai người, chọc ngoáy cho sưng tấy, đau nhức rồi vỡ tung thành những bới móc chì chiết nặng nề. Tình yêu làm sao có thể xanh tươi trên một mảnh đất đã không còn chút dưỡng chất?
Không có tình yêu, không còn có bàn tay ai đó luôn sẵn sàng nắm tay mình, ta lấy cái gì để đi qua hết một quãng nắng xế của cuộc đời?
Không dưng tôi nhớ cô bạn gái từ thời thơ ấu của mình có lần đã nói: “Không yêu nhau, già sao sống nổi mày ạ!” khi cô ấy quyết định xếp lại cuộc hôn nhân chỉ còn cái vỏ của mình để làm lại, dẫu rằng ở cái tuổi không dễ dàng mấy cho một sự bắt đầu, với hai đứa con chưa trưởng thành. Cô chọn con đường khó khăn nhưng chắc hẳn không phải là những chịu đựng, níu kéo, lừa dối để làm rách nát hay lụi tàn đời mình và cả cuộc đời của những người bên cạnh.
Có khi nào chúng ta đang thiếu hẳn sự sòng phẳng cũng như dũng cảm với chính mình? Ta luôn ám ảnh bởi việc rồi phải đứng một mình, việc phải bắt đầu lại. Ta đong đo liệu những bãi cỏ ngoài kia có thật xanh hơn bãi cỏ nhà mình. Ta đầy toan tính và ít nhiều dối trá! Ta không dám trả cho bản thân đúng thứ nó cần.
Bản thân cần cảm xúc thật, là tình cảm thật mà những thứ đó mình biết rõ hơn ai hết rằng có hay không, còn hay đã hết khi ở cạnh nhau, khi nắm tay nhau. Bao nhiêu người trong chúng ta đang như những người thợ trang điểm điêu luyện, mỗi ngày, ngồi tỉ mỉ tô son đánh phấn, chải từng sợi lông mi, rồi nhìn vào gương mỉm cười tự hào với bản thân, với mọi người mình đang đẹp, đang hạnh phúc?
Sống trách nhiệm với bản thân có lẽ là bài học nên được dạy đầu tiên và xuyên suốt hành trình cuộc đời của con người.
Không dưng tôi nghĩ đến những cuộc đánh ghen ầm ĩ đang rất nhiều ngoài kia. Sau cơn giông bão vẫn còn có thể ngồi cạnh nhau. Nhưng đôi tay nào còn có thể đan chặt vào nhau khi lòng dạ đã nguội lạnh từ lâu, khi những vết thương đã chằng chịt đủ để người ta chỉ còn co bàn tay này tự nắm bàn tay kia của mình? Vậy bằng mọi thứ để nắm níu, để giữ, để che mắt nhau cuối cùng được gì?
Không có tình yêu, lấy gì để đi hết quãng nắng xế? - Ảnh minh họa
“Chị mặc kệ!”. Từng tiếng nặng nề được chị thả rơi ra với tôi từ khóe miệng cũng nặng nề trong một ngày Sài Gòn mưa sụt sùi như trẻ con khóc nhớ mẹ. Và sau đó là vỡ òa cảm xúc. Chị đã qua tuổi 50 rồi em! Rằng con cái chưa xong đại học. Chị có hai cô con gái, sau này lấy chồng người ta nhìn sao về con mình?
Của nả có gì đâu, chia năm xẻ bảy ra chị sống thế nào? Dòng họ, gia đình, hàng xóm, đồng nghiệp nhìn chị ra sao? Chị mặc kệ cái khoảng cách còn tệ hơn một người bạn đang có với chồng. Mặc kệ những lạnh lẽo giường chiếu. Mặc kệ anh có yêu thương ai. Mặc kệ những mong muốn được nắm tay nhau, tất nhiên. Che được thì che, đậy được thì đậy, đi được ngày nào hay ngày ấy thôi em!
Rồi con cái sẽ có cuộc đời của nó, hàng xóm, gia đình, kể cả tiền bạc cũng không đem lại cảm giác tin cậy, không cho mình cảm giác có một người thấu hiểu yêu thương, chị sẽ sống ra sao? Tôi muốn hỏi chị như thế. Nhưng nhìn ánh mắt buồn rười rượi của chị dõi theo từng hạt mưa tạt vào cửa kính vỡ tan ra ngay và lòe nhòe thành một vệt không hình thù loang trên mặt kính, tôi biết sẽ nhận được câu trả lời: “Chị không biết!”.
Tôi nhớ mình có đọc đâu đó, đại loại là đến lúc đôi chân con người không còn có thể đi xa hơn bậu cửa nhà mình, không còn có thể cười vui với những niềm vui tìm kiếm bên ngoài, chỉ quẩn quanh với một vùng ký ức cũ, cái thứ tiếc nuối nhất chính là giá như ngày trước mình đã sống khác, đã làm những thứ mình chần chừ hoặc không dám làm.
Mỗi người có quyền lựa chọn cách sống riêng. Bởi lẽ không ai có thể giúp hay chia sẻ được cảm xúc của mình. Nhưng tuổi già cũng như con trẻ, có lẽ ăn cái gì, ở đâu, cầm gì trong tay không quan trọng bằng ăn với ai, ngồi cạnh ai. Khi càng yếu ớt, thứ ta cần nhất phải là thứ khởi phát từ trái tim. Chỉ có sức mạnh từ tình yêu thương thật sự ấy mới có thể khiến người ta kiên nhẫn, nhẹ nhàng dìu nhau đi cho hết quãng khó nhọc của kiếp người.
Vì thế cần biết bao một bàn tay nắm lấy một bàn tay trong quãng ấy!
Theo phunuonline