leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ

Nhóm phụ nữ xúm lại nhắc chuyện một cô vợ mới bị chồng cắm sừng. Anh chồng “tung tin” mình đã ly hôn để tán tỉnh các cô gái trẻ. Anh cặp bồ, đến khi phát hiện anh vẫn có vợ, người ta chia tay, anh lại cưa cô khác. Được một thời gian thì lọt đến tai những người quen biết. Ai cũng tưởng chuyến này anh được ly hôn thật. Nhưng không. Chỉ vài hôm sau, người ta lại thấy vợ chồng họ đưa nhau đi làm. Cô vợ không bỏ chồng.

Câu chuyện riêng, nhưng rất chung ở chỗ người ta đứng bên ngoài, có thể đã có trải nghiệm hôn nhân hoặc chưa, vẫn tự cho mình cái quyền phán quyết một người nào đó có xứng đáng tiếp tục hôn nhân hay không. Không chỉ “tự cho”, họ còn hành động. Họ khuyên răn, thuyết phục, thậm chí uy hiếp nữ chính ly hôn.

Ai cũng có một “thế mạnh” lý lẽ để soi vào cuộc hôn nhân đang trục trặc. Những cô gái trẻ còn đầy “lý thuyết” và cả mơ mộng về hôn nhân thì hồn nhiên tuyên bố: “Em thoáng lắm, sau này chồng em làm gì cũng được nhưng nếu ngoại tình thì em sẽ cho đi luôn”. Những phụ nữ dày dạn kinh nghiệm, thậm chí có người từng “bỏ chồng vì chồng ngoại tình”, nhiệt tình phân tích tương lai u ám của cô vợ vừa chớm tha thứ cho chồng.

Người chị kinh nghiệm nhiệt tình nói: “Hồi đó chị cũng như em, cũng nghĩ chồng mình quay đầu là bờ, con mình sẽ có cha, mình thì đỡ phải dang dở. Nhưng không bỏ lúc này thì sau này cũng phải bỏ thôi em. Đây là một tín hiệu để mình tỉnh ngộ, nếu mình không tỉnh thì sau này còn chuyện tệ hơn. Lúc đó, vết thương lớn hơn, giống như chị nè”.

Người chị kinh nghiệm luôn nói trúng tim đen. “Tấm chiếu mới” đang nghĩ gì, lo sợ điều gì, hay hy vọng điều gì, chị biết hết. Cỡ gì chị cũng có lý lẽ để dập tắt mọi hy vọng. Cuộc hôn nhân đó nhất quyết phải bị tiêu diệt. Người chồng sai lầm nào đó phải không được phép quay đầu.

Ban đầu, cô vợ sẽ phản biện bằng những biểu hiện tích cực của chồng. Cô nêu những hoàn cảnh hôn nhân khiến chồng sa ngã. Nêu những mặt tốt và cả những động thái hối cải, nỗ lực sửa chữa hôn nhân của anh ấy. Nhưng từng dẫn chứng đều vô hiệu. Bởi cái mà “các chị kinh nghiệm” và “các em hồn nhiên” lập luận là nguy cơ, là mẫu số từ những cuộc hôn nhân khác.

Không ai cần biết cuộc hôn nhân cụ thể kia đang diễn biến thế nào, bởi diễn biến nào mà các chị chưa từng nghe qua, nếu không từ cuộc hôn nhân này thì cũng từ cuộc hôn nhân khác. Chung quy, từng đức tính, sự hối cải, sự hứa hẹn của người chồng kia đều chẳng có gì mới, ông nào cũng vậy, rồi cũng đổ đốn lại thôi.

Kịch bản “nhiệt tình” này sẽ đi từ chỗ khuyên răn đến uy hiếp, tấn công. Nếu cô vợ vẫn không bỏ chồng, chị em bạn dì sẽ chuyển từ nhiệt tình sang… quyết liệt, kiểu: “Nếu em không chia tay thì đừng bao giờ nhắc chuyện này với chị nữa”. “Nếu không bỏ chồng thì đừng bao giờ liên lạc với chị”. “Chị thà không gặp lại em còn hơn nhìn em sóng đôi với một thằng đàn ông như vậy”. Kết quả là họ không gặp lại nhau thật.

Tất cả những khuyên răn, uy hiếp nọ nhằm đẩy nữ chính vào thế phải bỏ chồng. Động cơ của “chị em bạn dì” luôn tốt, muốn nữ chính tỉnh ra, thoát khỏi cuộc hôn nhân đen tối. Thế nhưng, kết cục luôn đẩy người phụ nữ đang đau khổ vào hoang mang, căng thẳng. Họ chẳng còn không gian để nhìn nhận lại hôn nhân của mình mà quay cuồng với những giục giã, săn đuổi, dồn ép của “đồng đội”. Trong vài trường hợp, sự dồn ép của bạn bè, người thân còn vô tình… đẩy người phụ nữ lại gần chồng hơn, bởi dù muốn dù không, bản năng sinh tồn của con người trong lúc chơi vơi là níu vào cái cọc gần gũi nhất, yên ắng nhất.

Kỳ lạ là, tất cả chúng ta, nếu chưa từng là nữ chính thì cũng từng đóng vai một người chị em bạn dì nào đó. Chúng ta lắm tâm huyết, nhiều lý lẽ và luôn sẵn lời khuyên. Chúng ta nhiệt tình giúp đỡ, thúc giục. Sức mạnh của chúng ta là “lòng tốt”, “sự sáng suốt”. Đôi lúc, ta còn cho rằng mình đứng ngoài, tỉnh táo hơn thì càng phải nhiệt tình phân tích để người trong cuộc “sáng mắt”.

Thế nhưng, ta không biết, trong khủng hoảng, điều người ta cần nhất ở người thân thường không hẳn là lời khuyên, mà là sự hiện diện, sự nâng đỡ tinh thần. Ta không cần hùa theo, ủng hộ, càng không cần phải thay khổ chủ quyết định. Một người mù quáng đến đâu thì cũng biết nhiều hơn, trải nghiệm nhiều hơn người khác trong cuộc hôn nhân của chính họ. Trong khủng hoảng, người ta càng cần phải tỉnh táo xâu chuỗi, nhìn nhận lại câu chuyện riêng để cân nhắc, cả về lý lẫn về tình. Lúc đó, mọi khuyên răn, thúc giục càng đẩy người ta vào bối rối, áp lực. Sự giúp đỡ ấy xem như thất bại.

Khi khởi sự “khuyên răn”, người ta như đặt một chân vào hành trình của cái tôi, muốn thỏa mãn kinh nghiệm, ý muốn và quan điểm của mình. Càng đi sâu, càng quên mất mục đích ban đầu, khiến người nghe khổ sở hơn, mệt mỏi hơn. Đã có nhiều trường hợp, lời khuyên chia tay lại có kết cục bằng một cuộc chia tay, của chính khổ chủ với… chủ nhân lời khuyên. 

Những chị em dày dạn trường đời thường kháo vui với nhau rằng, “khuyên người, ta không khuyên chia tay”, bởi dù có kinh nghiệm đến đâu, cuộc hôn nhân của người khác vẫn là thứ ta chưa bao giờ trải nghiệm. 

Theo phụ nữ TPHCM