Trong cuộc đời gần 40 năm và trong cuộc hôn nhân đã kéo dài 10 năm, ngẫm lại, rất nhiều lần tôi đã nói “có”, “vâng”, “đồng ý” một cách… vô tri. Để rồi khi phải ráng gồng gánh một số sự vụ quá sức, tôi chỉ muốn hất đổ tất cả.

Chị chồng ngỏ ý muốn cho cháu bên nội ở nhờ nhà tôi để đi học đại học, tôi nói: “Dạ”.

Chị phụ huynh trong lớp của con tôi nhờ tôi rước bé giúp, vì chị đi làm về thì đã trễ giờ tan trường của con, tôi nói: “Dạ được chị”.

leftcenterrightdel
 Rất nhiều lần tôi đồng ý một cách... vô tri (ảnh minh họa)

Đồng nghiệp trên cơ quan thường xuyên không làm kịp việc, nên nhờ tôi làm giúp một phần để hoàn tất chỉ tiêu trong ngày. Tôi nói: “Đồng ý nhé”.

Vợ chồng chị hàng xóm thường xuyên đi công tác. Họ nhờ tôi sang cơm nước cho con chị và tưới cho dàn cây trên sân thượng, tôi nói: “Để em lo giúp cho”.

Phía sau những lời đồng ý ngọt ngào, vui vẻ và có phần dễ dãi ấy, nhiều lúc là sự tự vấn hỗn độn. Tôi chưa biết đâu là ranh giới nào nên nói “có” và làm thế nào để nói “không”, làm thế nào để tôi kiểm soát tốt cuộc sống của chính tôi.

Dường như đối với tôi, “không” không phải là một từ an toàn để nói. Nói “không” có phải là một điều ích kỷ? Thực tế thì trước đây tôi có cảm giác từ “không” là một từ tội lỗi, vì đã từ chối giúp đỡ người khác.

Tôi và hẳn là phần lớn chị em phụ nữ đều muốn hoàn thành tốt vai trò của một người quán xuyến đa năng trong gia đình và đôi khi còn muốn trở thành “người trợ giúp” tốt bụng trong những mối quan hệ khác nữa.

Sự giúp đỡ đôi khi không chỉ thể hiện tình thương mà còn có “thể diện” ở trong đó nữa. Tôi quán xuyến giỏi, tôi sắp xếp thời gian giỏi, tôi nhanh nhẹn, tôi khéo léo, tôi khá khẩm, tôi khỏe khoắn… nên tôi có thể nói “có” với những nhờ vả của mọi người. Tôi đã nghĩ như vậy.

Vì nghĩ như vậy, nên tôi nghĩ rằng, tất cả những rối rắm, những vấn đề không thể giải quyết được của người khác, đều nằm trên vai mình. Mình sẽ “cân” được. Cái này được giới trẻ ngày nay gọi là “ảo tưởng sức mạnh”.

Ở nước ngoài, kiểu phụ nữ giống tôi được gọi bằng cái tên là “yes woman” nghĩa là có thể chưa thực sự sẵn lòng giúp đỡ nhưng vẫn nói “đồng ý” với hy vọng củng cố các mối quan hệ, hoặc đơn giản chỉ là thể hiện mình giỏi. 

Tôi nhận ra rằng sẽ không có ranh giới rạch ròi nào để chắc chắn khi nào nên nói “có” hoặc “không”. Nhưng nếu không cẩn thận, nếu dễ dàng nói “có”, thì sự giúp đỡ thường đồng nghĩa với sự từ bỏ bản thân thuần túy.

Sự thật là tôi không cần phải chứng tỏ mình là anh hùng trong mọi câu chuyện. Tôi có quyền tự do lựa chọn giúp đỡ người khác vì tôi muốn, vì tôi yêu mến chứ không phải vì nghĩa vụ, sợ hãi hay thể hiện.

leftcenterrightdel
 Trước khi nói lời đồng ý giúp đỡ, bạn nên tự vấn bản thân để chắc chắn rằng bạn muốn và sẵn lòng làm điều đó (ảnh minh họa)

Và khi chưa tìm ra ranh giới, tôi thường tự hỏi bản thân những câu hỏi sau trước khi vội vàng nói “có” “đồng ý”:

- Sức khỏe và thời gian của tôi và gia đình tôi có thể có phép mình đảm nhận thay sức khỏe và thời gian của người khác hay không? 

- Hình thức và những thể hiện bên ngoài (sự cảm kích, sự ngưỡng mộ, sự biết ơn) có quan trọng hơn giá trị cốt lõi của sự giúp đỡ không?

- Sự giúp đỡ tạm thời của tôi có bị người khác xem là giúp đỡ dài hạn thậm chí bị xem là trách nhiệm nghiễm nhiên phải làm hay không?

Ngẫm lại sẽ thấy từ “không” là một từ cần thiết để cân bằng cuộc sống trong quỹ thời gian đã được tạo hóa ban công bằng cho mỗi người. Những ngày yên tĩnh một mình để tưới tắm tâm hồn cho bản thân, lo 3 bữa đủ no cho cả nhà, ngủ đủ giấc, ra ngoài gặp gỡ với bạn bè hoặc đi bộ dạo công viên cùng con cái… là cách giúp chúng ta có thể yêu thương người khác. Phân tâm với quá nhiều ràng buộc, bỏ bê bản thân khiến chúng ta không thể tập trung đầy đủ vào những người thực sự quan trọng với ta.

Theo phụ nữ TPHCM