“Việc gì cũng phải hỏi chồng”. Lối suy nghĩ đó đã khiến tôi phải gánh hậu quả suốt hơn 10 năm qua, kể từ khi kết hôn. Thậm chí cả những việc nhỏ như mua chén dĩa ăn loại nào, xoong nồi nào cũng đều phải có sự đồng thuận của chồng. Thực ra, hầu hết những gì tôi muốn mua, chồng đều không cấm cản. Nhưng có khi, tôi muốn mua cái chén loại này thì anh lại bảo loại kia mới hợp. Tôi cũng theo ý chồng, cho nhà cửa êm ấm, tô chén nào cũng dùng được mà.

Tôi tâm sự chuyện này với đồng nghiệp, người thì bảo sướng thế, có chồng “chỉ đạo”, chẳng phải suy nghĩ; nhưng cũng không ít người bảo sống thế hóa ra sống vì ông ấy, sống cho ông ấy, ông ấy là “chúa tể rừng xanh” à. Trong nhà, có những việc vốn của đàn ông, cũng có những việc vốn của đàn bà, cứ việc ai nấy quyết, tranh quyền nhau làm gì.

Ảnh mang tính minh họa - Jcomp
Ảnh mang tính minh họa - Jcomp

 

Nhưng quả thực, tôi không biết làm gì để thay đổi cái “luật” này của chồng. Tôi ca thán với mẹ chồng thì bà bảo chẳng bù cho ba chồng con - việc gì cũng “tùy bà”, đẩy hết cho mẹ quyết. Con được như thế là hạnh phúc quá rồi, cứ kệ nó đi. Nó thích làm cứ để nó làm, 2 mẹ con bây dắt nhau đi chơi cho sướng. Nghe bà nói, tôi thấy cũng phải. Hóa ra mình sướng mà không biết đằng sướng.

Gần đây, mấy chị cùng cơ quan bàn tán râm ran về việc dùng bếp từ thay cho bếp gas. Ai cũng nói bếp từ có nhiều ưu điểm hơn: an toàn và sạch sẽ, vừa nấu bếp vừa bật quạt thoải mái mà tiền điện cũng chỉ tương đương với mua gas. Vừa hay có một chị mua bếp từ được tặng 1 phiếu giảm giá nếu mua cái thứ hai. Chị hỏi tôi có mua không. Tôi lưỡng lự. Thích thì thích quá, bếp núc toàn mình nấu chứ ai, nhưng vẫn chần chừ khi nghĩ chưa hỏi ý kiến chồng.

Các chị nhao nhao xúi, cứ mua đại đi, được giảm giá tới 20% tội gì không mua, mà sắp hết hạn rồi. Mà mắc gì phải hỏi ý kiến chồng. Tiền mình chi ra chẳng có lý gì ông ấy cấm mua được. 

Bùi tai, tôi quyết định mua luôn cái bếp 14 triệu đồng. Cũng nói thêm là vợ chồng tôi đều có thu nhập khá, không ai phải dựa vào ai về mặt kinh tế. Tôi mua sắm cá nhân không bao giờ chồng hỏi, nhưng mua sắm đồ dùng chung trong gia đình thì xưa nay “sếp” chồng có duyệt mới được mua. Hình như anh ấy muốn khẳng định vai trò gia trưởng của mình. Tôi thử một lần phá luật xem sao.

Chiều, tôi chở cái bếp từ về nhà. Đang loay hoay cắm điện thì chồng về. Chồng nhìn cái bếp mới, mặt bắt đầu sưng lên và hỏi ở đâu ra, mua bao nhiêu tiền, mua chỗ nào…? Cuối cùng vẫn là: tại sao chưa hỏi chồng mà đã mua. Tôi từ tốn trả lời từng câu một, dù ruột gan đã bắt đầu sôi lên. Chồng tôi nghe xong, chẳng nói chẳng rằng, rút phắt dây điện ra, cho cái bếp vào lại trong hộp, lừ lừ mang đi. Tôi đứng bật lên, uất ức, hỏi anh mang đi đâu. Chồng bảo mang đi trả.

Tôi thấy không thể nhịn được, điên tiết gào lên: “Anh vừa phải thôi. Anh là chồng hay là ông chủ, còn em là vợ hay người hầu? Anh có biết vợ anh ngày nào cũng nấu nướng cho cha con anh khổ sở thế nào không? Giờ mang cái bếp về, đáng lẽ anh phải xem nó có tiện ích gì? Thay thế có hợp lý không? Nhưng anh chỉ nghĩ vợ anh đã dám làm một việc mà không hỏi ý kiến anh, không cần biết việc ấy đúng hay sai. Anh nghĩ lại đi bây giờ là thời nào?”.

Chồng đứng ngây ra nghe bằng hết nỗi uất ức của tôi mà anh ấy chưa từng nghe kiểu đó bao giờ. Với tôi, đây là cuộc nổi dậy của một người bị áp bức quá lâu, vì hễ manh nha bộc lộ ra là bị chồng dập tắt ngay lập tức. Tôi cảm thấy máu chảy rần rật ở thái dương, mồ hôi vã ra.

Chồng tôi vẫn đứng đó. Rồi đột nhiên anh ấy giơ cao cái hộp đựng bếp ném thật mạnh xuống sàn nhà và bỏ đi luôn. Tôi ngồi phịch xuống sàn, nhìn cái hộp mà tôi nâng niu giờ thành đồ bỏ. Không cần mở cũng biết chắc là nó hỏng rồi, vừa tiếc 14 triệu đồng vừa uất ức với hành động của chồng. Phải chăng tôi nên tiếp tục nhịn để nhà cửa êm ấm? Người ngoài có thể cho rằng tôi vẫn sống sung sướng đấy thôi. Kinh tế khá giả, con cái ngoan ngoãn, chồng kiếm ra tiền, không bồ bịch, không nhậu nhẹt…

Ảnh mang tính minh họa - Jcomp
Ảnh mang tính minh họa - Jcomp

 

Thế thì tôi sai ở chỗ nào? Tôi phải gọi điện xin lỗi chồng ư hay mặc anh ấy muốn sao thì muốn? Đã 2 ngày nay rồi chồng tôi đi đâu không biết. Bỗng có tiếng chuông điện thoại. Mẹ chồng tôi gọi sang, thì thào bảo chồng con đang ở đây, cứ kệ nó. Đêm nằm, tôi nghĩ, giá mình gọi điện hỏi chồng một câu trước khi mua thì có mất gì.

Nếu mình nói khéo: “Anh có đầy kinh nghiệm về mặt hàng từ, anh xem cho em, để em mua nhé” chắc chồng phổng mũi duyệt ngay. Hóa ra việc làm của mình không sai nhưng phương pháp không khéo. Hơn nữa, có thay đổi một lề thói đã thành nếp thì phải từ từ. Lâu nay, mua cái cây lau nhà cũng hỏi, đùng một cái mua cái bếp tiền triệu, lại không thèm hỏi. Việc này khiến ông chồng nghĩ vợ mình nay “ngon rồi” nên coi thường chồng.

Tôi nhận ra, lần này tôi “nổi dậy” không thành công lắm. Ông chồng tức quá, phải bỏ nhà đi. Nếu không khéo, tôi sẽ làm cho ông xã tự ái rồi nghĩ rằng mình đã “mất giá” trong mắt vợ con. Vì thế, có sự ủng hộ của mẹ chồng, tôi vẫn tiếp tục công cuộc “nổi dậy” nhưng từ từ, dịu dàng và thuyết phục hơn. 

***

Tại trung tâm tư vấn, có những khách hàng đến kể câu chuyện của mình, rồi họ tự nhận ra sai lầm, tự rút kinh nghiệm và đưa ra giải pháp… Còn chuyên viên tư vấn chỉ ngồi lắng nghe. 

Theo phụ nữ TPHCM