Sinh ra là con một, tôi không có anh chị em để chơi cùng. Có lẽ vì vậy mà từ nhỏ, tôi luôn muốn có bạn. Khi ấy, ở vùng nông thôn, bạn bè cùng tuổi tôi đứa nào cũng có em. Ngoài giờ học, chúng nó phải trông em, phụ mẹ việc nhà nên rất bận. Hình ảnh tuổi thơ chơi một mình in đậm trong tôi cho đến tận bây giờ.

Tôi gặp anh khi trong tâm trí vẫn chỉ mong có bạn đồng hành, cùng sở thích, dễ nói chuyện, sẻ chia... Và anh đúng là mẫu người như vậy. Càng có thời gian ở bên nhau, tôi nhận ra cả 2 rất giống tính nhau. Từ ăn uống, đến những hình thức trải nghiệm hào hứng như là những chuyến vào rừng, tham gia tour xe đạp khắp thành phố, tập yoga, dạo bộ trong công viên…

Những sở thích ấy thiên về nữ tính nhiều hơn, và tôi đã nghĩ anh chiều mình nên cố đáp ứng theo. Cho đến khi tôi tham gia khóa thiền 10 ngày, đó là khóa thiền mà có đến 60% số người tham gia “rơi rụng” nửa đường vì không vượt qua được sự khắc nghiệt. Tôi cứ ngỡ anh nằm trong số đó, nhưng không, đến nơi tôi mới biết anh đã tham gia vài khóa trước đó rồi.

Người ta nói nam nữ hút nhau vì khác tính cách. Hoặc là khác nhau để bổ sung cho nhau trở thành cặp đôi hoàn hảo. Tôi cũng trải qua vài mối tình đúng nghĩa “đàn ông sao Hỏa, đàn bà sao Kim”, đối lập đến không thể hiểu nhau. Sự đối lập đó khiến tôi không hòa hợp được. Vì vậy mà khi gặp người đàn ông giống tính cách mình khiến tôi ngập tràn trong hạnh phúc.

Khi trở thành vợ chồng, chúng tôi có thể hiểu cả điều mà đối phương chưa nói ra. Tôi đã nghĩ điều đó thật tuyệt vì cả hai không phải mất thời gian giải thích dài dòng với những khúc mắc, hiểu sai ý nhau…

Trên mạng xã hội, chúng tôi thường xuyên cập nhật những tấm ảnh chụp khoảnh khắc cùng nhau, khiến những cô bạn có chồng “khô như ngói” phải trầm trồ, ngưỡng mộ.

Nhưng đến khi bé thứ 2 ra đời, tôi nằm cữ, cũng là thời điểm công việc của chồng bấp bênh dẫn đến nguồn thu nhập không ổn định, tôi nhận ra chúng tôi có thêm điểm giống nhau nữa đó là: thụ động trong công việc. Cả 2 chúng tôi đều không giỏi trong việc kiếm tiền. Cuộc sống với nguồn lương mỗi tháng chỉ đủ trang trải cho gia đình, khéo lắm mới dư giả chút đỉnh để phòng những lúc cần dùng đến. Cuộc sống ở thành thị không như nông thôn, một ngày ngưng công việc là không có thu nhập, trong khi mở mắt ra là biết bao thứ cố định phải chi.

Vì quá giống nhau, chúng tôi cùng gặp khó trong những yếu điểm của cả hai (ảnh minh họa)
Vì quá giống nhau, chúng tôi cùng gặp khó trong những điểm yếu chung (ảnh minh họa)

 

Thay vì “bẻ lái” sang công việc khác để ổn định kinh tế, chồng chẳng biết xoay xở sao, đành chịu cảnh thất nghiệp nằm ở nhà, sau vài tháng dẫn đến tự ti, sa sút tinh thần. Vợ chồng tôi dần lục đục vì những chuyện không đâu.

Lúc này tôi mới thấm thía câu nói của những người đi trước: “Kinh tế chiếm 70% hạnh phúc hôn nhân”. Và tôi thấy mình trở nên xấu tính khi bắt đầu so sánh chồng với những người đàn ông khác. Tôi ước phải chi anh có thể xông pha, dấn thân với những lĩnh vực mới, như những “trụ cột” chung quanh mà tôi thấy. Nhưng vì anh quá giống tôi nên điều đó trở thành khó khăn.

Khi cái ý nghĩ ấy nhen nhúm trong đầu, tôi đã tìm cách dập tắt nó đi, bằng cách kéo tôi trở về cảm giác hạnh phúc ban đầu, khi gặp được người đồng hành với mình trong mọi hoạt động như anh.

Dù vậy, “có thực mới vực được đạo”. Anh vẫn là người tôi chọn, nếu như kinh tế ổn định, ít ra tôi không phải lo lắng trong những ngày ở cữ. Sự chán nản như một mạch nước ngầm len lỏi trong tâm trí tôi.

Kinh tế phần nào quyết định tuổi thọ của hôn nhân (ảnh minh họa)
Kinh tế phần nào quyết định tuổi thọ của hôn nhân (ảnh minh họa)

 

Chị bạn lớn tuổi của tôi biết chuyện. Chị nhẹ nhàng khuyên rằng, tiền bạc từ từ kiếm ra, miễn sao đó là người mình cảm nhận được hơi ấm, bình yên khi dựa vào. Chị nói, đến một độ tuổi nào đó, tinh thần quan trọng hơn cả, của cải vật chất chỉ là ngoài thân. Chị còn nói, phụ nữ có được người đàn ông vừa là chồng vừa là bạn thì còn gì bằng, chứ biết bao cặp vợ chồng như mặt trăng với mặt trời, sống cùng nhà đó mà đến mâm cơm cũng chẳng muốn ngồi cùng.

Cả tôi và anh thấm nhuần điều chị nói, như một cách tự an ủi mình, rằng chỉ cần thấy bình an, hài lòng với những gì đang có, là ổn. Nhưng đứng giữa thử thách hiện tại thì niềm tin về một “lối sống biết hài lòng sẽ ổn” đã lung lay. Tôi nghĩ, mọi thứ cần phải có ngưỡng an toàn nhất định nào đó, mà anh thì vẫn trong đợt thất nghiệp kéo dài chưa có hướng ra...

Theo phụ nữ TPHCM