Bạn tôi - nhà báo Trương Anh Ngọc - rất hay viết về việc nếu mai anh chết, anh muốn mọi người sẽ làm gì. Nhiều người vào bình luận rằng anh nói gở, khuyên anh xóa đi nhưng anh kệ. Anh nói: “Mình viết thế để tự nhắc mình sống tốt hơn khi còn đang sống”. Về điều này, tôi hoàn toàn ủng hộ… 

leftcenterrightdel
 

Tôi cũng từng viết rằng: “Giá như chúng ta có thể chết đi trong ít phút, ít giờ, ít ngày để khi được sống lại, chúng ta biết trân quý cuộc đời mình hơn; để biết cái gì cần buông, cái gì cần giữ, cái gì đáng giá, cái gì là hoài phí”. 

Người trẻ lập di chúc ngày càng nhiều cũng có thể vì lý do đó. Có lẽ họ muốn tự nhắc mình về thời gian hữu hạn của một đời người. Nhất là khi chúng ta vừa trải qua một cơn đau đớn khi gần 7 triệu người đã qua đời trước khi họ nghĩ mình phải chết vì đại dịch. Hay tai nạn giao thông mỗi năm cũng khiến bao người chết khi họ chưa nghĩ mình phải chết. Đó là những cái chết không thể di ngôn chứ đừng nói di chúc. Trước sự vô thường của cuộc đời, hẳn nhiên việc lập di chúc là nên làm, cần làm.

Chỉ có điều, thứ chúng ta để lại, được ghi vào di chúc không hẳn là thứ giá trị hơn những điều ta đã làm cho cuộc đời. Những thứ được ghi trong di chúc chủ yếu là số tài sản chúng ta kiếm được. Chúng có thể hữu hình như nhà, xe, tài khoản ngân hàng, vàng bạc trong két sắt hoặc là tài sản vô hình nhưng có thể quy đổi ra tiền như tác phẩm, nhân hiệu, thương hiệu hay như vài đứa trẻ tôi biết đã viết di chúc để lại tài khoản game, nhân vật trong game của chúng khi viết thư tuyệt mệnh gửi lại gia đình. Tất thảy những thứ đó, tôi vẫn cho rằng, thực sự chỉ là một phần rất nhỏ trong một đời người.

Thứ chúng ta để lại mà không được ghi vào di chúc, đôi khi, thật đau đớn, lại là những đứa con sát hại nhau, ẩu đả, từ mặt nhau, thóa mạ nhau sau khi ta từ giã cõi đời. Có khi lại là những thương tổn vĩnh viễn trong trái tim người ở lại khi thứ viết trong di chúc thiếu công bằng với họ. Lại có khi, con ruột không quan tâm tới di chúc cha mẹ để lại nhưng con dâu, con rể lại nhảy bổ vào gây chiến. Tôi đã thấy những người chồng thở dài khi người cha mà anh ngưỡng mộ, yêu thương đã ra đi, anh thành kẻ mồ côi cha từ đó nhưng vợ anh cứ hậm hực vì di chúc của cha chồng “sao lại chia đều cho cả… con gái?”.

Chồng chị là con trai, lại là con trưởng. Con gái là con người ta, sao lại được chia bằng? Ngay cả khi cha mẹ chưa nằm xuống, làm di chúc cũng phải giấu đi vì sợ các con biết mà cự nự. Rồi sự thiên vị trong mỗi gia đình. Chỉ một chút không công bằng trong di chúc cũng sẽ thành chiến tranh. Mà trong cuộc đời này, công bằng đâu phải 50/50 để kẻ 49 lại cay cú với người 51?

leftcenterrightdel
 

Tôi vẫn nghĩ về những thứ không được ghi vào di chúc nhưng sẽ được tạc vào trái tim người ở lại. Là những thứ không tạo ra di chứng kinh hoàng từ di chúc - cách chúng ta sống. Là những tài sản ta để lại không chỉ cân đong đo đếm ra bao nhiêu tiền mà là bao xót thương nhung nhớ, mà là những gì “ngày ông còn sống nói là…”, “ngày bà còn sống hay làm thế này…”. Là những thứ để lại được san sẻ với nhau như san sẻ lòng yêu kính với người đã mất.

Hiềm nỗi, lòng tham của con người lớn quá. Trước những con số quy đổi ra tiền, nhiều người không còn là chính họ.

Việc người trẻ lập di chúc cũng vậy. Có thể đó là những tài sản hợp pháp họ đã đổ mồ hôi mà có. Nhưng, thứ tôi mong muốn trong những bản di chúc ấy không phải là “lỡ một mai tôi ra đi” mà là “cuộc sống sau khi tôi ra đi sẽ thế nào?”. Là những người chồng biết lo cho vợ mình, con mình sẽ sống ra sao nếu thiếu mình.

Là những người vợ mong muốn ngay cả khi họ rời xa cuộc đời này, chồng họ, con họ vẫn phải sống hạnh phúc. Là quản trị rủi ro chứ không phải cuộc chia chác.

Di chúc? Tốt thôi! Chỉ mong đừng trở thành di chứng tan hoang nơi người ở lại. 

Theo phụ nữ TPHCM