Chị Hạnh Dung kính mến,
Tụi em lấy nhau được 5 năm, có 2 con, 1 bé 4 tuổi và 1 bé 1 tuổi. Chồng em có thu nhập cao, còn em thu nhập thấp.
Từ khi kết hôn, vợ chồng em đã hay cãi nhau, nhưng 1 năm gần đây thì tần suất cãi nhau tăng lên rất nhiều. Mọi việc em nói và làm đều khiến chồng em khó chịu và làm ngược lại.
Chồng em sống tự cao, anh ta dùng lời nói rất cay độc khi người khác tỏ thái độ với mình, dù là với một đứa bé. Khi chồng em giận thì con cái anh cũng không ngó ngàng tới.
Em dần mất kiên nhẫn không muốn vuốt ve cái tôi của chồng nữa, mà ngày càng chán nản chị ạ, tình cảm vợ chồng cũng không còn.
Em phải làm gì chị ơi, em thương con em lắm.
Linh Trần
Em Linh Trần thân mến,
Vấn đề xung quanh chuyện vợ chồng hay cãi nhau thường được các nhà tâm lý nghiên cứu rất kỹ và rất phổ biến. Thế nhưng đáng tiếc là những thông tin này đến được với các cặp vợ chồng - những người thực sự cần chúng, lại ít quá. Để đến nỗi chuyện cãi vã đáng ra có thể giúp ích cho hôn nhân, lại trở thành lý do để vợ chồng phải nghĩ đến chuyện ly hôn.
Theo các chuyên gia tâm lý, cãi nhau không phải là biểu hiện xấu, bế tắc, không thể chấp nhận được trong một cuộc hôn nhân. Tranh luận từ những bước đầu tiên và được kiểm soát bởi sự bình tĩnh, thông cảm và hiểu biết, chính là một hình thức giao tiếp lành mạnh. Nó giúp cả 2 nhận ra những quan điểm khác nhau và cùng học được những bài học tốt cho cuộc sống chung.
Việc vợ chồng có những quan điểm, suy nghĩ hay cả cách sống khác nhau là một điều cũng rất bình thường. Dù rằng đôi khi nó làm cả hai vợ chồng bất ngờ, ngạc nhiên về nhau, nếu như trước đó, trong thời kỳ yêu và tìm hiểu nhau, họ không bộc lộ ra những điều này.
Trong bất kỳ cuộc sống chung nào cũng sẽ có những thách thức và xung đột. Từ hai cuộc sống riêng, xếp vào cạnh nhau, người ta sẽ luôn có xu hướng bảo vệ "lãnh thổ" của mình. Họ muốn được lắng nghe và thấu hiểu. Họ muốn được thừa nhận.
Nếu cả hai đều hiểu mục đích của những cuộc cãi vã vợ chồng như thế và đều có mong muốn "cãi nhau để chia sẻ và thấu hiểu nhau hơn", thì dần dần họ sẽ học được cách cãi nhau một cách lành mạnh.
Chỉ vài dòng vắn tắt trong thư không giúp Hạnh Dung hiểu một cách kỹ lưỡng những mâu thuẫn của em. Thế nhưng, có thể một cách vô thức, điều em nhắc tới đầu tiên là sự chênh lệch trong thu nhập của hai vợ chồng, khiến Hạnh Dung nghĩ rằng mọi mâu thuẫn đầu tiên có thể xuất phát từ đây chăng?
Nó có thể là điều khiến chồng em cho mình quyền quyết định mọi việc trong gia đình. Người ta thường tự tin và thấy mình sáng suốt hơn khi nghĩ rằng mình giỏi hơn. Nó lại cũng là nguyên nhân khiến em từ sự tự ái, mặc cảm về việc mình thua chồng, mà nảy sinh những nhận xét tiêu cực về cá tính của chồng?
Một điều nữa trong thư em khiến Hạnh Dung suy nghĩ, là việc em nói em hết kiên nhẫn để vuốt ve cái tôi của chồng. Em nghĩ rằng sự vuốt ve đó của mình là đúng, và nó phải được hiểu, chấp nhận là em sai.
Kìm nén cảm xúc để tránh xung đột cũng không phải là điều luôn luôn tốt và đúng. Nó thậm chí còn là cách giải quyết xung đột không lành mạnh. Mối quan hệ bền chặt đồng nghĩa với việc hai phía có thể giải quyết được những xung đột, bất đồng mà không chuyển sang trạng thái ức chế, dồn nén, để rồi cuối cùng thấy căm giận, thù ghét nhau.
Em hãy nhìn lại mọi lý do của các cuộc cãi vã, trải nghiệm lại quá trình từ việc có thể chỉ là những cuộc chuyện trò nho nhỏ (thậm chí là sự quan tâm lẫn nhau như anh đừng đi uống rượu, anh đừng thức khuya, anh đừng về trễ...), bùng phát thành những cuộc cãi nhau bất phân thắng bại. Từ đó, có thể em sẽ rút ra được kinh nghiệm gì đó cho mình chăng?
Theo phụ nữ TPHCM