Sao tháng này có nhiêu đây hả anh?
Vừa đếm tiền, Tâm vừa hỏi chồng. Không hỏi làm sao được khi mà số tiền anh đưa cô chỉ bằng non nửa tháng trước.
- Anh mới gửi cho Hường, thằng cu nó ốm.
Nói rồi, anh tránh ánh mắt của vợ, lui về sau quơ cái áo cái quần, xong chui tọt vào phòng tắm.
Tâm ngồi đó, thẫn thờ. Mấy tờ tiền cứ lao xao trong tay, xếp lên xếp xuống rồi cô cũng thở dài, bỏ vào giỏ. Còn bao nhiêu là thứ phải chi, nào là điện nước, nào là ăn uống, đi lại, nào là bỉm sữa cho con. Mà Tết thì tới chân rồi, mấy nay cô đã thấy người ta bán giỏ quà Tết tưng bừng, trong nhà cô một đồng tiết kiệm còn chưa có.
Bữa cơm tối hôm ấy nặng nề vì Tâm chẳng nói gì với chồng. Chỉ lâu lâu có tiếng tròn tiếng méo của đứa con mới gần 2 tuổi sà vào bàn ăn đòi cái này cái nọ. Đến cuối bữa, chồng cô nói nhỏ: “Thằng cu nhập viện, nó bị tiêu hóa cấp, phải nằm ở bệnh viện tỉnh cả tuần. Anh cũng chẳng nỡ, là máu thịt cả. Anh chuyển trước cho cô ấy lo cho nó, chứ xa xôi cũng một tay mẹ nó chăm cả, anh không về được”.
Tâm nghe thế thì mủi lòng, dù gì cô cũng là một người mẹ, dù gì anh cũng là cha của thằng bé. Cô nhìn bóng lưng chồng đang sắp xếp chuẩn bị rửa chén, hiểu anh cũng có những nỗi khổ riêng. Vì thế cô chẳng la lối, khó chịu gì, chỉ có điều với số tiền non nửa tháng lương kia, cô biết những ngày sắp tới sẽ phải vay mượn ít nhiều.
|
Chồng cô thường xuyên giúp đỡ vợ cũ (Ảnh minh họa)
|
Suốt hơn 3 năm chung sống, nhiều lần Tâm biết chồng vẫn giúp vợ cũ. Ngoài công việc chính, anh còn có khoản làm thêm do nhận việc thiết kế bên ngoài. Tiền làm thêm ấy, anh chu cấp cho con riêng, gửi cho vợ cũ trang trải. Họ chia tay nhau khi có quá nhiều bất đồng trong cuộc sống, anh bỏ vào Nam lập nghiệp rồi gặp Tâm. Chẳng biết duyên phận thế nào, hai người về chung một nhà, anh cũng chưa một lần trở lại thăm vợ và con riêng. Tất cả chỉ là chu cấp và theo dõi từ xa.
Tâm biết chồng là người có trách nhiệm, sau cuộc hôn nhân đầu không trọn vẹn, anh cũng đã phải trả giá ít nhiều, đã trân trọng hơn mái ấm gia đình mới. Cô biết sự chu cấp của anh, biết có lần anh cho vợ cũ mượn vài chục triệu đồng để mở quán bán dưới quê, biết anh đóng tiền cho con trai học thêm Anh văn ở huyện, biết anh nhờ người quen đến giúp vợ cũ sửa sang căn nhà…
Cô chưa từng lên tiếng cản trở anh, cũng chưa từng cấm đoán. Tất cả những việc biết được, Tâm làm ngơ, có chuyện anh chủ động nói với cô, có chuyện anh im lặng giấu giếm như một đứa trẻ sợ bị bắt quả tang ăn vụng trong giờ học. Cô im lặng vì cảm thông cho chồng, vì biết anh hết tình còn nghĩa, và biết anh làm vậy cũng chỉ vì đứa con chung.
Nhưng không phải Tâm không buồn, khi mà chồng ngày càng giúp vợ cũ nhiều hơn. Anh thậm chí không chỉ dùng tiền làm thêm mà còn nhẹm vào cả tiền lương chính. Như tháng trước, anh chỉ đưa vợ 2/3 số lương, tháng này thì lấy hơn một nửa. Trong khi chính anh cũng biết rằng còn rất nhiều cái phải lo, gia đình cũng phải đi vay mượn, thiếu hụt đủ đường.
Đêm nằm gác tay lên trán, Tâm không ngủ nổi. Cô vừa muốn vạch ra một giới hạn “giúp vợ cũ” cho anh, vừa nhớ lại những lời anh nói lúc ban chiều, Tâm chẳng nỡ. Cô nhắm mắt, vùi vào mền, thao thức.
|
Không phải Tâm không biết buồn, khi mà chồng ngày càng giúp vợ cũ nhiều hơn (Ảnh minh họa)
|
Rồi chẳng biết ma xui quỷ khiến thế nào, cô với tay lấy điện thoại anh, dò tìm đoạn tin nhắn với vợ cũ. Xuyên suốt cuộc nói chuyện cũng chỉ dừng lại ở mức nói lời cảm ơn, gửi hình thằng bé đang ở viện. Khúc cuối, chị vợ cũ nói: “Tháng sau em sắp xếp gửi lại”.
Anh bảo chị cứ giữ lại, tháng sau mua đồ Tết cho con, anh chẳng có gì cho thằng bé. Chị đọc tới đây thấy cay cay sống mũi. Đọc thêm một hồi các tin nhắn khác, chị thấy anh đang liên hệ bạn bè, kiếm thêm việc làm dịp cuối năm.
Trước giờ, chị luôn nghĩ mình có phần cao cả khi làm lơ để chồng giúp vợ cũ, nhưng giờ chị hiểu nỗi áp lực trong anh, những khó xử, day dứt của anh khi chẳng thể đem đến cho thằng bé một gia đình trọn vẹn.
Thôi thì chị cũng đã lường trước những điều này khi kết hôn với anh, cũng đã làm lơ vài lần, có lẽ thêm một vài lần nữa cũng chẳng sao, dẫu cho bạn chị nhiều người nói chị dại.
Thôi thì chị dại cũng được, miễn là lòng an vui.
Theo phụ nữ TPHCM