Làm “người mẫu” để kiểm soát trầm cảm
Cập nhật lúc 23:58, Thứ ba, 22/11/2022 (GMT+7)
Tôi đã 6 lần tự tử bằng thuốc ngủ, dùng dao lam cắt tay, nhảy cầu... nhưng may mắn đều được mẹ và các con phát hiện kịp thời.
Mới đây, báo chí đăng tin một nữ bác sĩ - nguyên giám đốc một bệnh viện phụ sản ở miền Tây nhảy cầu tự tử. Vào Facebook của chị, tôi thấy đồng nghiệp, cộng sự… đều cho biết chị là bác sĩ giỏi, đầy nhiệt huyết và rất vui vẻ. Thế nhưng, giai đoạn sau chị bị trầm cảm và đã chọn kết thúc cuộc đời.
Đọc câu chuyện của chị, đọc những bình luận chê trách chị là người thành đạt, là bác sĩ lại không vượt qua được trầm cảm..., nước mắt tôi chảy dài. Bởi tôi thấy mình trong câu chuyện của chị.
Tôi đã 6 lần tự tử bằng thuốc ngủ, dùng dao lam cắt tay, nhảy cầu... nhưng may mắn đều được mẹ và các con phát hiện kịp thời. Với một bệnh nhân trầm cảm, sự giàu sang, tiền bạc, danh vọng, thậm chí kể cả con cái… cũng không mấy ý nghĩa.
|
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Tôi có 2 đứa con gái, 12 và 14 tuổi, rất ngoan và hiếu thuận. Nhưng khi bệnh trầm cảm chuyển nặng, tôi chẳng thấy thiết tha với cuộc sống, trong đầu chỉ có mỗi suy nghĩ "chết mới là sự giải thoát". Lúc đó, con cái, cha mẹ, bạn bè như một đoạn phim lướt qua rất nhanh và không đọng lại. Có lẽ, tôi sẽ còn tìm cách hủy hoại bản thân mình dài dài, nếu tôi không tự mình kiểm soát được căn bệnh "sát thủ" thầm lặng này.
Một lần, trong lúc lướt điện thoại tìm mua thuốc để đầu độc mình, tôi bắt gặp một trang Facebook của người bạn cũ đăng bán những mẫu quần áo do chính bạn thiết kế và làm người mẫu. Tôi chìm đắm trong "ngôi nhà" mạng của bạn, và bất chợt nhận ra "tại sao tôi không tìm niềm vui bằng đam mê của mình".
Giấc mơ thanh xuân của tôi là làm người mẫu thời trang. Suốt ngày, tôi lấy áo quần, thậm chí đồ của mẹ, khăn trải bàn... khoác lên người rồi đứng uốn éo trước gương, đi catwalk khắp nhà. Nhưng ước mơ này đã bị “rớt từ vòng gửi xe” và chìm vào quên lãng khi mẹ tôi ra tối hậu thư "cấm ăn mặc dị hợm. Cuốn gói ra khỏi nhà nếu làm người mẫu".
Sau bữa đó, đầu tôi cứ nghĩ mãi về ước mơ thuở nhỏ. Vậy là tôi lấy đống quần áo, túi xách, hoa tai, vòng tay... mà lâu lắm tôi không dùng. Tôi mặc chiếc đầm jean bụi phủi, mang bốt, đeo túi da, cổ và tay là những chiếc vòng cùng tông màu túi xách và áo. Tôi trang điểm - điều mà lâu rồi tôi cũng chẳng màng.
|
|
Ảnh mang tính minh họa - JCOMP |
Ơ hay, trong gương là người phụ nữ tươi tắn, sành điệu, và quyến rũ với mái tóc dài uốn xoăn, để xõa bồng bềnh. Tôi đứng trước gương, tạo đủ dáng, đủ kiểu và bấm điện thoại chụp hình liên tục. Hơn 1 giờ "lao động nghệ thuật” vất vả, tôi xem lại hình ảnh và ngạc nhiên khi thấy một người mẫu khá “chất”, rất phong cách, chứ không còn là một người phụ nữ ăn mặc lùi xùi, chán đời.
Tôi chọn vài hình đăng lên Facebook. Ngay lập tức, trang cá nhân của tôi như có một cơn địa chấn nho nhỏ: bạn bè, người quen like, thả tim và khen tôi tới tấp.
Vậy là những ngày sau, khi rảnh rỗi hay trước khi ra khỏi nhà, tôi không còn "thấy gì mặc đó", mà chọn phối trang phục theo chủ đề hẳn hoi. Bữa thì tôi chọn phong cách quý cô sang chảnh với màu đen huyền bí; bữa là người phụ nữ ngọt ngào, tươi tắn với sắc màu pastel tao nhã; bữa là người phụ nữ hoang dại với đầm Digan cùng mớ phụ kiện vòng cổ, tay; có khi tôi lại biến thành cô gái nhu mì, dễ thương với màu trắng thuần khiết...
Tôi chụp rất nhiều hình, và chỉ cần 1 túi xách, 1 chiếc ghế, hay một nhánh hoa làm đạo cụ là tôi chụp được vài bộ ảnh. Tôi đăng Facebook lại nhận được cơn mưa lời khen. Từ đó, tôi có thêm niềm vui là lùng sục, sưu tầm túi xách, đồng hồ và những phụ kiện vòng cổ, tay...
Có khi, tôi mua được chiếc túi da “xịn xò” chỉ hơn 100.000 đồng. Hoặc có lần mua được chiếc đồng hồ cũ có mặt hình trái tim, dây đeo tinh xảo chưa tới 300.000 đồng... Những việc đi săn đồ, phối đồ như một stylist, và làm người mẫu, chụp ảnh mang lại cho tôi rất nhiều niềm vui. Dần dà, tôi đã không còn phải uống thuốc nhưng vẫn kiểm soát được cảm xúc, suy nghĩ, hành động của mình.
Tôi đã không còn nghĩ "chết là sự giải thoát". Tôi không còn sợ đám đông. Tôi không thấy những người xung quanh mình nhạt nhẽo, vô vị. Tôi không còn phải luôn dằn vặt bởi hàng loạt câu hỏi "Tại sao tôi đến đây? Tại sao tôi gặp người này?” và sợ hãi bỏ trốn.
Tôi đã tìm thấy niềm vui, sự hứng khởi qua những lần làm mẫu, làm stylist cho chính mình. Tôi bắt đầu hòa nhập với tập thể.
|
|
Ảnh mang tính minh họa - Jcomp |
Tôi tham gia những hoạt động của cơ quan. Mỗi lần lễ 8/3, 20/10 là tôi hăng hái đại diện phòng mình đi cắm hoa, nấu ăn, hay biểu diễn thời trang, hoặc tôi làm stylist cho đồng nghiệp thi. Trước đây, tôi chỉ làm việc một mình, giờ tôi lập nhóm chat, tôi đưa ý tưởng cắm hoa, thi thời trang, nấu ăn rồi kêu gọi mọi người góp ý và phụ một tay với tôi. Người đi mua hoa, người kiếm bình hoa, người đem khúc vải, cái nón...
Chúng tôi hào hứng làm và bàn luận sôi nổi nội dung thuyết trình. Kết quả là lần thi nào phòng tôi cũng giành giải Nhất. Tôi thấy rất vui, không phải vì giải thưởng mà tìm thấy lẽ sống của mình. Tôi góp nhặt niềm vui từ những điều giản dị đó và tôi nhận thấy mình vẫn luôn giá trị, hữu ích với những người xung quanh, chứ không phải là kẻ đáng ghét, vô dụng như tôi từng mặc định.
Và lần đầu tiên sau 8 năm dài bị trầm cảm, tôi đã thiết tha với cuộc sống, với con người và sống có động lực, có mục đích. Thấy tôi ăn mặc có gu, nhiều bạn bè Facebook hỏi mua túi xách này ở đâu, vòng cổ này ở đâu và năn nỉ tôi bán lại.
Vậy là cuộc đời rẽ ngang, tôi có thêm nghề tay trái: bán hàng online với những phụ kiện, trang phục độc đáo mà những tháng ngày trầm cảm tôi đã "săn hàng".
Giờ tôi bận rộn với việc cơ quan và nghề tay trái đầy đam mê. Hơn 2 năm qua, tôi đã không còn phải đi bệnh viện tái khám định kỳ và uống thuốc mỗi ngày. Tôi không kỳ vọng mình sẽ dứt hẳn căn bệnh trầm cảm, nhưng tôi tin mình biết cách chung sống và kiểm soát nó.
Đơn giản là tôi nương theo sở thích của mình để tạo niềm vui cho bản thân và một khi có niềm vui, ta lại yêu và thiết tha với cuộc sống này.
Theo phụ nữ TPHCM