Chị Hạnh Dung thân mến,
Hiện tại tôi đang rất mơ hồ, mất niềm tin vào gia đình, khi có một mái ấm không như mong đợi.
Tôi và vợ quen nhau khi còn học trung học, thương nhau được 6 năm rồi cưới. Tôi được vợ bảo lãnh sang Mỹ, và định cư đã được 20 năm. Vợ chồng tôi có 3 con, vợ tôi có shop bán thực phẩm, còn tôi chỉ là công nhân bình thường.
Mặc dù làm việc suốt 7 ngày trong tuần, nhưng lương của tôi không làm vợ hài lòng. Cô ấy muốn tôi phải kiếm nhiều tiền hơn mà không cần biết khả năng của tôi ra sao. Cô ấy luôn chửi tục mỗi khi nói về tài chính, rồi so sánh tôi với bạn bè, dù tôi đã làm việc quần quật không còn thời gian nào dành cho bản thân mình nữa.
Mỗi khi chửi tục, cô ấy còn nói biết trước như vầy đã không bảo lãnh tôi qua Mỹ. Trong mắt cô ấy, tôi là người vô dụng, không dám mạo hiểm làm công việc khác để có lương cao hơn. Tôi thì vì muốn gia đình ổn định, và cũng hiểu khả năng mình tới đâu. Chỉ lo một ngày nào đó, tôi bị bệnh nặng, không làm được nhiều ngày, không biết vợ tôi có rời bỏ tôi vì tôi là gánh nặng cho cô ấy không? Vì với cách cư xử hiện tại của vợ, tôi không còn nhiều niềm tin vào gia đình nữa.
Lê Khánh Hưng
Anh Lê Khánh Hưng thân mến,
Không biết Hạnh Dung nói điều này, có làm anh buồn hơn, hay giúp anh bớt suy nghĩ, bớt bi quan và lo lắng hơn về tương lai gia đình mình: Vợ anh không phải là người duy nhất có những lời tổn thương chồng về vấn đề kinh tế gia đình.
Trong suốt nhiều năm làm tư vấn, Hạnh Dung đã gặp khá nhiều câu chuyện gia đình như của anh: người vợ bức xúc, lo lắng, không hài lòng với những nỗ lực của chồng mình.
Bản năng của người phụ nữ, từ bao đời nay, là gom góp, giữ gìn những gì người đàn ông kiếm được từ lao động của họ, để phân chia cho cuộc sống gia đình vào cơm ăn, áo mặc, học hành con cái, sức khỏe, tích lũy cho tương lai...
Với nhiệm vu đó, họ có thể có rất nhiều nỗi lo mà người đàn ông có thể không hình dung hết được, dù họ đã lao động cật lực và mang về cho gia đình mọi thứ mà họ có thể kiếm được.
Phản ứng của những người vợ trong việc chi tiêu, sắp xếp, phân bổ và những nỗi lo thiếu - đủ có thể rất khác nhau, tùy theo tâm tính của mỗi người. Có người nhẫn nại, kiên trì, ráng thu vén "liệu cơm gắp mắm", có người động viên, khuyến khích chồng, có người tự mình xoay xở, kiếm thêm phụ chồng, có người lại nghĩ rằng khi mình cằn nhằn, chê bai, trách móc, thậm chí so sánh chồng với người khác, nghĩa là đang tạo động lực cho chồng cố gắng nhiều hơn.
Mỗi người chồng lại cũng có những cách tiếp nhận những thái độ, cách thức, sự lo lắng của người vợ theo cách riêng của mình. Điều đó tùy thuộc rất nhiều vào cá tính, hoàn cảnh và khả năng của họ.
Là người ngoài cuộc, chỉ có thể biết vài thông tin ít ỏi qua bức thư ngắn của anh, Hạnh Dung không thể cho anh nhiều lời khuyên cụ thể. Chỉ có thể nói với anh rằng, phụ nữ là như thế thôi, họ lo quá mà cằn nhằn, và có thể họ có phương pháp "khích tướng" sai, khiến anh tổn thương và mất lòng tin.
Hãy nhìn vào tình yêu 6 năm, hãy nhìn vào 3 đứa con và hiểu rằng tất cả những điều đó là nền tảng vững chắc cho cuộc sống của mình, để mà bao dung, tha thứ cho những tổn thương mình đang gặp, mở lòng trò chuyện, tâm sự tìm lời giải, con đường để vợ chồng cùng nhau thay đổi cuộc sống theo chiều hướng tốt đẹp hơn.
Không chỉ trong gia đình anh, không chỉ ở đất nước anh đang ở, không chỉ ở Việt Nam, mà trên toàn thế giới, nhiều đất nước, nhiều gia đình, nhiều con người đang gặp những khó khăn không nhỏ trong các vấn đề kinh tế.
Lúc này đây, cần nhất trong mọi gia đình chính là sự "chung lưng đấu cật" với nhau, tin tưởng và chia sẻ với nhau. Là người đàn ông, người gánh vác, người trụ cột của gia đình, Hạnh Dung mong rằng anh sẽ vững vàng cùng vợ vượt qua thử thách, lèo lái con thuyền gia đình.
Hãy nói với vợ về việc mình hiểu mong muốn, lo lắng của vợ. Hãy nói với vợ về những nỗ lực của mình. Cũng hãy thành thật với cô ấy về khả năng của chính mình và suy nghĩ của mình về bản thân.
Từ những cuộc trò chuyện đó, hãy cùng vợ tìm tòi những cách giúp tăng thu nhập gia đình, hay ít nhất là giảm chi tiêu để có thể bớt gánh nặng của vợ trong việc chăm lo cho 3 đứa con.
Hãy giúp vợ hiểu một điều: gia đình là mái nhà chung, và cái sự ấm, lạnh trong đó là của chung tất cả mọi người, chứ không phải riêng ai. Vì thế, đừng trách móc, đổ lỗi làm cho nhau thoái chí, mà hãy chung tay xây dựng. Hạnh phúc nằm ở đó chứ đâu xa.
Theo phụ nữ TPHCM