Chị Hạnh Dung kính,

Vào ngày 18/5/2023 vợ chồng em đi nghỉ mát ở Sầm Sơn. Buổi tối vợ em đi cùng 1 người bạn nữ. Em và con trai 5 tuổi của em cũng đi cùng 2 xe đạp đôi. Em với con em đi trước 1 đoạn thì không thấy vợ em đâu. Quay lại thấy 1 người con trai đèo bạn gái đi cùng vợ em, 1 người nam khác đang đèo vợ em.

Vì ghen quá, em đã tát vợ em 2 cái ngất ra. Xong đi về khách sạn, em lại tát vợ em cái nữa làm vợ em ngất tiếp. Vợ em bỏ đi 3 ngày sau mới về nhà. Em cũng đã nói lời xin lỗi với sự chân thành của mình, nhưng vợ em không chấp nhận.

Đêm hôm sau, em có lấy xe máy đi thì xảy ra tai nạn xây xát bên ngoài, sáng về vợ chồng em vẫn ăn uống bình thường. Nhưng đến tối, vợ em lại đưa con bé 2 tuổi nhà em đi. Em với cháu lớn 5 tuổi chờ đến 10 giờ đêm, không thấy 2 mẹ con về, bèn chạy đi tìm thì bị ngã xe. Em có nhắn tin cho vợ, thì cô ấy bảo: "Không phải đi tìm, tôi với con bé đi rồi, anh không phải lo".

Lúc đấy tâm trí em rối bời. 2 bố con ra hồ ngồi một lúc thì em cùng con nhảy xuống, nhưng được mọi người cứu vớt. Đến nay vợ em cũng đã về, nhưng lại nhắn tin với 1 người khác giới.

Giờ em xin lời khuyên của chuyên gia, làm thế nào để em quay về với vợ được ạ? Em có xác định vợ em nhắn hay… gì với người khác giới kia, em sẽ bỏ qua hết. Mong vợ chồng về làm lại từ đầu ạ.

Lê Văn Trung

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Em Trung thân mến,

Người ta chỉ có thể "lỡ" 1 cái, hay 1 lần thôi, còn em đánh vợ 2 lần và lần đầu đến 2 cái tát. Cũng không phải cái đánh nhẹ nhàng gì, mà cả 2 lần đều khiến vợ bị ngất. Ngất lần 1, ngay khi em đánh vợ giữa đường, hình như em cũng chưa biết giật mình, về khách sạn lại đánh vợ ngất lần 2. Hạnh Dung không biết những hành động bạo lực của em với vợ có phải là "lỡ" hay không? 

Nếu chỉ căn cứ vào việc em đánh vợ, một cách vô lý, ngay giữa đường và khi chưa kịp tìm hiểu về việc vì sao vợ em lại đạp xe với người khác, thì có thể kết luận được em là người nóng tính, ghen tuông, và đặc biệt là người cho phép mình cư xử bạo lực với người thân - điều đáng sợ nhất trong đời sống vợ chồng.

Thế nhưng, ngay sau khi đánh vợ, em lại xin lỗi, rồi kể ra những lần em lo lắng, bối rối, sợ hãi, đi ngoài đường thì tai nạn, ngã xe, đến khi vợ bỏ đi thì nhảy xuống hồ... Tất cả mọi việc đều có vẻ như bột phát, nông nổi, không suy nghĩ, chỉ làm theo cảm xúc, đó là những điều không nên có ở một người đàn ông có trách nhiệm làm trụ cột gia đình, làm sự che chở, bảo vệ cho người thân.

Bên cạnh đó, ngay cả vợ em khi có những sự việc nghiêm trọng xảy ra, như bản thân bị đánh đến mức ngất đi, cũng không biết lên tiếng phản kháng, hay ngồi lại nói chuyện với em cho rõ, hay ít nhất là có sự nhờ cậy can thiệp để giải quyết sự việc của người lớn. Cô ấy cũng hành động thật đơn giản và thiếu trách nhiệm: ôm con bỏ đi, để lại một đứa con nhỏ cho người bố rất thiếu bản lĩnh...

Từ những gì em kể, Hạnh Dung cảm nhận rằng, dù các em đã chung sống với nhau khá lâu, vì con đầu đã 5 tuổi, nhưng cả hai em đều còn chưa đủ trưởng thành để hiểu: sống chung không có nghĩa là đã có một gia đình, mà cả hai cần phải có những hiểu biết, có tinh thần trách nhiệm, có kỹ năng xây dựng một nền tảng gia đình, nền tảng mối quan hệ vợ chồng.

Giờ đây em hốt hoảng, sợ hãi khi vợ bỏ ra đi, và không biết làm sao để níu kéo mối quan hệ ngoài chuyện xin lỗi và... nhảy xuống hồ. Có lẽ hành động của em làm cô ấy sợ hãi nên quay về, nhưng thông thường, nỗi sợ hãi không níu giữ được người ta lâu, mà chỉ đẩy người ta đi xa khi có cơ hội thôi, em ạ. 

Để níu giữ được vợ và cùng với cô ấy xây dựng lại gia đình, Hạnh Dung nghĩ điều quan trọng là em phải sửa mình trước tiên, làm sao cho cô ấy tìm thấy ở em một người chồng, người cha điềm tĩnh, vững vàng, bản lĩnh, có trách nhiệm. Một người biết trò chuyện với vợ khi nóng giận, nghi ngờ, ghen tuông, chứ không phải là nhảy xổ vào tát vợ. Một người bình tĩnh xử lý những mâu thuẫn chứ không phải là hốt hoảng chạy ra đường gây tai nạn xe cộ rồi nhảy xuống hồ để người khác phải cứu vớt mình.

Vợ em vẫn còn quay về sống bên cạnh em, có nghĩa là em vẫn còn chút cơ hội. Hãy trưởng thành lên và giúp vợ cùng trưởng thành. Hãy làm sao để cả hai cùng nhận ra được mình muốn xây dựng một gia đình như thế nào. Cái "từ đầu" mà em muốn đó, nó không thể giống cái "từ đầu" khi các em mới quen nhau. Nó phải là điều gì đó rõ ràng, ấm áp, hạnh phúc, và đầy hy vọng về một người đàn ông biết chở che và xứng đáng là trụ cột của gia đình.

Theo phụ nữ TPHCM