Cảnh sống ở trọ giữa đất Sài Gòn chật hẹp, cùng với muôn vàn khoản chi tiêu, khiến cho kinh tế của vợ chồng tôi bấp bênh. Chồng tôi đề nghị nhờ bà nội lên chăm sóc bé khi tôi hết kì nghỉ thai sản. Và rồi chuyện gì đến cũng phải đến.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Mẹ chồng tôi đã quen với sự rộng rãi, thoải mái nơi quê nhà, nay lại phải sống chung với vợ chồng tôi trong ngôi nhà thuê nhỏ hẹp nên không thoải mái.

Vì cảm thấy có lỗi với bà, nhưng cũng muốn có thể chăm sóc bà tốt hơn, nên khi được nhận lương, thưởng tôi thường hay mua một ít hoa quả trong siêu thị, một ít thuốc bổ như lúc trước vẫn mua cho bà, để bà có thể tẩm bổ thêm. Nhưng, lúc nào tôi mua về cũng bị bà càm ràm: "Phí tiền, chồng làm vất vả mà xài hoang quá!".

Dù biết bà xót tiền cho vợ chồng tôi, bà thương nên mới la rầy, nhưng nhiều lần như vậy, tôi cảm thấy cố gắng của mình như bị phủi sạch. Tôi có thể thông cảm mọi chuyện và hiểu cho tâm lý của bà, nhưng với vấn đề chăm sóc con thì tôi không nhân nhượng được.

Tôi không quá kỹ tính, nhưng tôi cũng sẽ có một số nguyên tắc nhất định. Chẳng hạn như khi nấu đồ ăn cho bé tôi sẽ không nêm nếm bất cứ cái gì cả, cũng không hầm xương nấu cháo mà thay bằng hầm rau củ… Có hôm, tôi đi làm về sớm, thấy bà đang nêm muối vào nồi cháo của bé, tôi không kiềm được mà nói:

- Sao mẹ lại thêm muối? Con đã nói là bé nhỏ ăn như vậy sẽ không tốt, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.

- À, ý cô là tôi hại cháu tôi à? Ngày trước mình tôi nuôi 2 anh em chúng nó, cũng nêm nếm, bây giờ chúng nó lớn vẫn khỏe mạnh đây thôi. Cô muốn thì ở nhà mà chăm.

Mẹ chồng tôi lớn giọng nói. Nói xong, bà thản nhiên mang thảm ra công viên tập thể dục, để lại cho tôi một ngôi nhà bừa bộn đồ chơi, ngai ngái mùi nước đái trẻ.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Hôm khác, có người bà con đến thăm, tôi đang chuẩn bị cơm cho cả nhà, thì nghe có người hỏi mẹ chồng tôi:

- Sao em bé nhìn nhỏ thế, chẳng xổ sữa gì hết?

“Được lời như cởi tấm lòng”, mẹ chồng tôi bảo:

- Ôi, tại mẹ nó đấy. Sữa thì nóng, chẳng có chất gì mà cứ cho bú mãi, tầm này uống sữa ngoài là phúng phính lắm. Đã vậy, chồng đi làm về ăn com xong còn phải rửa chén, giặt đồ cho nó nữa. Thằng An nó cũng vất vả quá...

Vì lý do gì mà tôi phải chịu những lời trách móc ấy? Con không bú sữa ngoài nào có phải do tôi? Chồng làm việc nhà thì có gì sai? Lương tôi cũng đủ tiền thuê nhà và ăn uống chi tiêu cho cả gia đình. Tại sao tôi cứ phải nhẫn nhịn chịu thiệt? Tôi dự định kể hết với chồng, nhưng lại thôi.

Cho đến hôm nay, đúng lúc tôi ẵm bé đi dạo về đến cửa thì chứng kiến…

- Bữa sau con để quần áo cho Thu nó giặt, đi làm về vất vả, lại còn đi giặt đồ cho vợ, ra thể thống gì? - tiếng mẹ chồng tôi vang vọng.

Chồng tôi cười:

- Ai giặt không được hả mẹ? Mẹ Thỏ cũng đi làm cả ngày, về nhà cơm nước, sáng lại dậy sớm, con phụ cô ấy một chút thôi mà mẹ.

Lúc bây giờ, bà lại càng nói to hơn:

- Đấy, “nhất vợ nhì trời”, có coi mẹ ra gì nữa đâu.

- Mẹ đừng nghĩ vậy. Việc quan trọng vợ chồng con đều hỏi ý kiến của mẹ. Còn việc này là việc nhà, thì vợ chồng phải chia sẻ với nhau. Con đi làm, cô ấy cũng đi làm. Về nhà con lại được nghỉ ngơi, trong khi cô ấy luôn tay làm việc nhà, chăm con. Sao mẹ cứ phân biệt việc này là của ai, sao cứ phải so sánh giữa mẹ và cô ấy.

Dường như chỉ cần đụng đến việc phải chọn lựa, so sánh giữa mẹ và vợ là chồng tôi lại không kiềm chế được.

- Được được, anh giỏi rồi. Đã vậy lại trách tôi không phụ vợ anh chứ gì. Anh có giỏi thì tự đi mà chăm - mẹ chồng tôi quát lên.

Chồng tôi đành hạ giọng nói:

- Con không trách mẹ. Mẹ trông cháu giúp tụi con, tụi con biết ơn còn không hết. Nhưng nếu mẹ thấy không thuận mắt với việc vợ chồng con làm, và mẹ không thoải mái khi ở đây, thì tuần sau con cho bé Thỏ đi gửi trẻ, để mẹ về quê nghỉ ngơi.

Nghe chồng tôi nói vậy, mẹ chồng không nói thêm tiếng nào, bà ra công viên ngồi với các cụ trong xóm. Tôi thật sự không biết phải làm sao hòa giải mối quan hệ này, làm sao để mẹ chồng không chướng mắt với tôi?

Theo phụ nữ TPHCM