Xin chào chị Hạnh Dung!

Chồng em là công nhân mở cửa hàng làm ngoài, em là giáo viên. Anh rất mẫu mực và yêu thương vợ con. Phần em cũng luôn chu toàn chăm sóc gia đình.

Một tháng trước, em phát hiện chồng đã phản bội và qua lại với một phụ nữ khác. Em như chết lặng, vì không tin chồng lại có thể đối xử với em như vậy. Anh ấy thành khẩn nhận lỗi đã ngoại tình với cô ta, anh van xin em tha thứ, và hứa sẽ không bao giờ có lần sau nữa.

Trong tột cùng đau khổ, em muốn chấm dứt cuộc hôn nhân này, nhưng chiều ngược lại thì vẫn rất thương chồng, và cũng không muốn con gái biết chuyện, sẽ ảnh hưởng tâm lý và việc học của con. Nên cuối cùng em đã gật đầu tha thứ cho anh.

Chuỗi ngày sau đó, em đã suy sụp, không sao ngủ được. Anh luôn gần gũi động viên em. Nhưng tâm lý bất ổn, thỉnh thoảng em lại tra khảo chồng, hoặc có những lời nói liên quan đến việc ngoại tình của anh ta, em cứ khơi lại và muốn biết tường tận câu chuyện.

Chồng vẫn động viên để em bớt đau khổ. Đã hơn tháng trôi qua, nhưng lòng em vẫn không thể nào dịu lại. Dù rất cố gắng, nhưng cứ vài ngày em lại hậm hực với chồng. Nỗi đau vẫn còn nguyên trong lòng.

Em nên làm gì lúc này? Nhìn anh cũng biết hối lỗi, em vừa giận vừa thương. Nhưng lòng em thực sự rất khó chịu, không biết nên đối diện những ngày sắp tới như thế nào.

Xin chị hãy cho em lời khuyên. Em cảm ơn chị.

Trần Linh

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Em Trần Linh thân mến,

Tâm trạng của em cũng là điều bình thường mà hầu như tất cả những ai ở vào hoàn cảnh của em cũng đều phải trải qua: Tha thứ vì còn yêu thương, tha thứ vì nghĩ tới gia đình, con cái, tha thứ vì vẫn mong muốn một cơ hội để lấy lại hạnh phúc đã qua.

Thế nhưng trái tim bị tổn thương, bị đâm, bị bào, bị chém, đâu dễ lập tức có thể nguyên vẹn trở lại. Cái đầu đang hằn sâu những hình dung, tưởng tượng, suy đoán, đâu dễ buông bỏ ngay những gì đang dằn vặt nó.

Đó là chưa kể đến những hoài nghi, mất đi lòng tin vào chính bản thân mình, những hoang mang lo lắng về ngay chính quyết định tha thứ của mình: Mình làm thế này có đúng hay không?

Tha thứ là phải mở lòng, mà con người trong cơ chế phòng vệ với những điều đã xảy ra lại chỉ muốn tự khép kín lại, lánh xa mọi thứ, nhất là cái nguyên nhân gây nên nỗi đau cho mình.

Hãy cứ chấp nhận những cảm xúc đó một cách dũng cảm, tự thấu hiểu mình. Thậm chí cho phép mình gục ngã, khóc vật vã một chút cũng được, không sao cả, đừng trách móc bản thân mình.

Nếu có ai đó để trút ra những cảm xúc đó một cách tự nhiên, như bạn bè, người thân, hay chuyên gia tâm lý... thì em cứ nhờ cậy vào họ. Giải thoát chúng ra khỏi trái tim và cái đầu của mình là điều cần thiết vô cùng.

Để giúp mình được vượt qua những nỗi đau đớn ấy, em hãy cố gắng tập trung vào bản thân mình, làm điều gì đó để tốt hơn cho chính mình trước đã: hãy xác định rõ giá trị của bản thân mình, yêu thương và chiều chuộng nó một chút cũng không sao (như đi mua sắm, tập thể thao, nghỉ ngơi nhiều hơn...).

Xem xét lại mình và tìm ra những điểm mạnh, những điều tốt đẹp trong con người mình để mà phát huy nó. Điều này sẽ giúp em tự tin và kiên định hơn với những quyết định của mình.

Hãy đặt ra những mục tiêu mới, những ước mơ mới, để định hình con đường mình đi trong thời gian sắp tới. Khi có những điều tích cực làm mục tiêu, em sẽ dễ gạt bỏ những điều đang quẩn quanh quấn lấy chân mình hơn.

Nhưng điều quan trọng nhất, là hãy xác định cho rõ: mình tha thứ để làm gì và vì điều gì? Nếu mục tiêu của mình đúng, thì hãy tập trung sức lực vào điều đó: xây dựng mối quan hệ mới với chồng, buông bỏ những tưởng tượng, suy nghĩ, đào bới quá khứ mà cả hai đã muốn khép lại.

Hãy nhận thức rõ rằng nếu em tiếp tục sống như bây giờ, thì em chỉ đang phá hoại thêm mối quan hệ, khiến cả hai cùng mệt mỏi và chán nản. Hãy cùng nhau làm nên những ngày mới tốt hơn để có những kỷ niệm mới an lành.

Theo phụ nữ TPHCM