Chị Hạnh Dung kính mến,

Em năm nay 34 tuổi, lập gia đình đầu năm ngoái. Tháng 11 năm ngoái em đã mang thai đứa con đầu lòng, vợ chồng em và 2 bên nội ngoại đều rất vui mừng. Em cũng mong con lắm.

Nhưng cách đây 2 tuần, khi bé được gần 24 tuần thì em bị tiền sản giật nặng, bác sĩ chỉ định phải dừng thai kỳ. Bản thân em bị bệnh lupus, có thể nó ảnh hưởng đến thai kỳ. Rồi gần đây, em cũng phát hiện hở van tim 2 và 3 lá nặng.

Em đau lòng lắm, bây giờ em vẫn còn khóc nhiều vì nhớ con, em thấy sợ sau này có mang thai nữa cũng sẽ bị như vậy, em không biết có chịu nổi không? Em cũng không biết nhờ chị tư vấn điều gì, vì điều này chỉ có em tự vượt qua, nhưng em không biết bao lâu mới có thể trở lại bình thường.

Em chỉ muốn chia sẻ để vơi bớt nỗi buồn. Em cảm ơn chị đã lắng nghe.

Em gái TPHCM

leftcenterrightdel
 

 

Em gái thương!

Trên đời này chắc chẳng có nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau mất con. Vì vậy Hạnh Dung cũng không biết có thể chia sẻ với em cách nào, để nỗi đau đó của em được vơi đi, nhẹ bớt, chỉ xin được ôm em và nói với em vài điều mà Hạnh Dung có thể nghĩ ra.

Trước tiên, em đừng quá suy nghĩ, lo lắng, thậm chí vẫy vùng mọi cách để mong mau chóng thoát được những cảm xúc quá đau đớn, nặng nề. Hãy cứ nhẹ nhàng để cho thời gian giúp mình vượt qua điều đó, một cách tự nhiên, bởi thời gian là liều thuốc tốt nhất cho hầu hết mọi căn bệnh thuộc về tinh thần, tình cảm.

Trong khi để cho tình cảm của mình được thả lỏng, được khóc, được đau đớn, em hãy cố gắng nghỉ ngơi nhiều hơn, ăn uống đầy đủ và lành mạnh, tập luyện thể dục thể thao. Khi em đủ sức khỏe để đứng vững trên đôi chân của mình, thì em mới mạnh mẽ vượt qua khủng hoảng tinh thần. Chăm sóc mình thật tốt, chính là một cách để vượt qua những đau khổ.

Đối diện và chấp nhận thực tại, là một cách tốt để em vượt qua nỗi đau mất con. Hãy hiểu rằng không chỉ có mình em đơn độc trong nỗi đau này. Xung quanh em, chồng em, cha mẹ, anh chị... cũng đang cùng chịu đựng nỗi đau đó. Hãy chia sẻ cảm xúc của mình với họ, tìm kiếm trong những người thân yêu sự thấu hiểu, cảm thông, an ủi, hỗ trợ nhau.

Trở lại với công việc đời thường của em, làm cho mình bận rộn với những công việc có ích, kể cả là các công tác xã hội, từ thiện... là một cách rất tốt để em mau chóng lấy lại được tinh thần "chiến đấu" của mình với những khổ đau của cuộc đời. Bởi khi em làm việc, là em hành động, là em bắt đầu tinh thần "chủ động" dẫn dắt cuộc sống của mình tới một kết quả tốt đẹp nào đó.

Các câu hỏi của em về tương lai đang thể hiện một nỗi sợ hãi, rằng rồi mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn không? Tất cả điều này phụ thuộc vào chính em.

Em đừng để bị ám ảnh đến mức thành tâm bệnh, rằng tương lai sẽ không khác gì hơn. Hãy tự tìm hiểu, nghiên cứu tất cả những vấn đề sức khỏe của mình, tìm đến các bác sĩ chuyên môn cao, để có được sự tư vấn tốt nhất cho việc chuẩn bị một đứa con thứ hai ra đời. Khoa học ngày nay rất tiến bộ, và các bác sĩ luôn thực hiện được những điều thần kỳ cho bệnh nhân. Hãy đặt lòng tin vào họ và vào chính mình. 

Đừng để đau khổ biến thành hòn đá tảng trong tim mình, làm cuộc sống mình nặng nề, chìm sâu. Hãy biến đau khổ đó thành một hành trình chữa lành, và chuẩn bị cho tương lai tốt đẹp hơn. Khi em chuyển động về phía trước, em sẽ thấy mọi việc thay đổi, và nỗi đau sẽ phai nhạt dần.

Theo phụ nữ TPHCM