Chị kính mến,

Em năm nay 38 tuổi. Có 3 con, con gái lớn 17 tuổi, con trai giữa 13 tuổi, con trai út gần 3 tuổi. Em là phụ nữ cũng xem như có học thức, chồng em thì không đi học. Bọn em lấy nhau đã 19 năm.

2 năm trở lại đây, chồng em lộ thói ghen tuông đánh đập em, giữ hết tiền lương không cho em giữ. Vợ chồng em hiện tại đang ở trọ. Hoàn cảnh khó khăn. Con cái bệnh đau phải vay mượn tiền, nên gia đình em có nợ nần.

Chồng em bây giờ nhậu nhẹt là chửi bới em lấy trai, mặc dù em sống với chồng không bao giờ lỗi đạo. Nói em làm công ty ăn chơi lô đề mới mắc nợ, làm nuôi thằng này, thằng kia.

Khi nào nhậu nhẹt về là chửi bới, em thanh minh thì đánh đập. Nhiều khi em buồn muốn tự tử để thoát khỏi một người chồng như vậy. Anh mắng chửi thô tục, không bao giờ tôn trọng em. Nhiều khi anh còn chốt cửa nhốt em ở ngoài đến 4 giờ sáng. Em cũng ráng chịu đựng vì các con.

Chị Hạnh Dung ơi, bây giờ em phải làm sao để thay đổi được người chồng của em? Khi anh tỉnh thì không nói gì cả. Làm sao để giữ được mái ấm gia đình cho con trọn vẹn? Rất mong sự chia sẻ động viên của chị. Em cảm ơn chị rất nhiều.

Nguyễn Thị Kiều

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Em Nguyễn Thị Kiều thân mến,

Vợ chồng em cưới nhau đã 19 năm, đã có 17 năm có lẽ là bình yên (vì em nói 2 năm gần đâu chồng em mới bắt đầu ghen tuông, say xỉn, đánh đập... em), mọi chuyện mới chỉ bắt đầu thay đổi trong 2 năm gần đây. Em viết rằng chồng "lộ thói ghen tuông đánh đập...", như thể đó là điều nằm trong bản chất của chồng và giờ mới phát hiện được. Nhưng Hạnh Dung thì không nghĩ thế.

Người ta không thể giấu diếm một bản chất thật của mình lâu đến 17 năm, nhất là đời sống vợ chồng, em ạ. Như vậy thì sự thay đổi này, việc xuất hiện những tính cách tệ hại này của chồng em không thể thuộc về bản chất của anh ấy, mà có lẽ là do ảnh hưởng của một điều gì đó từ cuộc sống. Nhất là như em nói, khi tỉnh táo chồng em không hề có những hành động thế này. Anh ấy chỉ cư xử như vậy khi say rượu. 

Em đã bao giờ tìm hiểu, lắng nghe và nhận ra được điều gì đã tác động đến tâm lý, tính tình, hành động của anh ấy hay chưa? Một chút "đoán già đoán non", Hạnh Dung nghĩ rằng 2 năm qua cũng là thời điểm khớp với việc đời sống của tất cả mọi người đang khó khăn. Chính gia đình em, như em nói, cũng đang ở vào hoàn cảnh ngặt nghèo: ở nhà thuê, con cái bệnh, nợ nần...

Khi em có thể tìm ra và hiểu được những nguyên nhân của sự bức bối, mệt mỏi, khó chịu khiến chồng phải tìm đến rượu để giải tỏa, Hạnh Dung nghĩ rằng em sẽ tìm ra cách để thay đổi chồng.

Nếu thật sự, như Hạnh Dung đoán, những thay đổi đó đến từ nỗi lòng của người chồng, bất lực trước những khó khăn của gia đình, không biết làm thế nào để thay đổi cuộc sống, thì điều em có thể làm duy nhất là giúp chồng hiểu rằng cuộc sống không phải lúc nào cũng suôn sẻ, dễ dàng. Đồng vợ đồng chồng thì mới có thể cùng nhau vượt qua được những giai đoạn khó khăn.

Em nhất định phải thể hiện niềm tin của em vào vai trò một người đàn ông trụ cột gia đình - là chồng. Em cũng phải làm sao để chồng tin tưởng vào sức mạnh, sự kiên trì, bền bỉ, nhẫn nại của em trước những khó khăn. Hãy để anh ấy cảm nhận rằng anh luôn có người đồng hành trong mọi chặng đường của cuộc sống.

Em cũng cần mạnh mẽ bảo vệ bản thân mình, thì mới có thể bảo vệ các con, làm nguồn sức mạnh tinh thần của gia đình. Tự tử hay nhẫn nhịn đến mức để cho chồng đánh đập, chửi rủa hay nhốt bên ngoài, không giúp gì cho em, cho chồng, cho các con cả.

Hãy tranh thủ những lúc chồng tỉnh táo để có thể chuyện trò, chia sẻ và động viên chồng. Để khi anh ấy yếu đuối mà muốn sa vào cuộc say để quên đi khó khăn, thì có thể có được sự nhắc nhở cần thiết từ vợ con mình...

Theo Hạnh Dung cảm nhận, tình trạng gia đình em chưa có gì gọi là bế tắc đến mức không lối thoát. Chỉ cần em mạnh mẽ, sáng suốt, vừa mềm mại vừa kiên quyết dẫn dắt những trạng thái tâm lý của chồng, để anh ấy tự tin và can đảm hơn, rồi khi khó khăn vật chất bớt đi, mọi việc sẽ dần trở nên tốt đẹp.

Theo phụ nữ TPHCM