Chị Hạnh Dung kính mến,

Em làm dâu xứ người. Chồng em là con một, nhưng vì ba mẹ chồng khá dễ chịu, nên em không gặp khó khăn gì. Tụi em kết hôn 6 năm vẫn chưa có con, vì cả hai còn trẻ, muốn phấn đấu cho sự nghiệp. Nói chung, cuộc sống hiện tại khá đúng ý, tụi em rất vui vẻ.

Cho đến cách đây 1 tuần, kỷ niệm ngày cưới của ba mẹ, như thường lệ, tụi em mời ba mẹ đi ăn tối cùng. Đêm đó, ba chồng em nói: “Mẹ có chuyện muốn nói với các con”. Không khí khựng lại vì mẹ ngập ngừng, bối rối.

Ba bèn nói luôn, rằng chồng em không phải là con một. Sự thật là mẹ đã có 3 người con trước khi gặp ba và sinh ra chồng em. Kinh khủng nhất là 3 anh chị đó chính là 3 người mà chồng em đã chơi thân thiết từ nhỏ. Họ từ Philippines sang Thái Lan học từ cấp III, với danh nghĩa là “con của bạn thân mẹ”. Họ gọi mẹ bằng dì và chồng em coi họ như anh em trong nhà.

2 anh trai ở chung phòng với chồng em, chị gái thì ở căn hộ khác, nhưng cũng thường xuyên đến nhà chơi. Mọi người đều biết họ là con ruột của mẹ, trừ chồng em, suốt hai mươi mấy năm qua.

Nghe tin này, em rất sốc. Nhưng kỳ lạ là chồng em rất bình tĩnh. Anh đón nhận bình thường như một chuyện rất nhỏ. Thực tế, anh vốn có khoảng cách lớn với ba mẹ.

Em hỏi cô em họ của chồng thì được biết lúc nhỏ, mẹ đánh đập anh rất dã man nên anh rất sợ mẹ. Lớn lên, anh hết sợ, nhưng vẫn không gần được.

Cũng cô em này cho em biết, khi bỏ chồng ở Philippines, mẹ chồng em sang Thái Lan làm nghề… mại dâm và ba chồng em là khách hàng. Sự ra đời của chồng em là một “tai nạn”, khiến họ phải cưới nhau. Ba chồng em là người có trách nhiệm nên cuộc sống tương đối ổn. Nhưng để giấu bên nội, ông đồng thời giấu toàn bộ sự thật với con trai.

Tin sốc dồn dập khiến em khó nghĩ vô cùng. Đặc biệt, điều này làm em thay đổi cái nhìn về mẹ chồng, về cả nhà chồng. Em cảm thấy lo lắng khi họ có một “quá khứ” phức tạp đến vậy.

Trước đây em không nghĩ nhiều về chuyện môn đăng hộ đối, vì gia đình em cũng bình thường. Nhưng giờ em khá bối rối. Em vẫn hay nghe những người có kinh nghiệm nói, sự khác biệt quá mức về lối sống sớm muộn cũng sẽ bộc lộ những chênh lệch, rạn nứt không thể cứu vãn.

Mấy hôm nay em gượng gạo và cảm thấy khó gần gũi với mẹ chồng như xưa. Trong khi chồng em thì tỉnh rụi, như thể tất cả đều không có gì lạ với anh. Giờ em chưa có con, vẫn có thể nghĩ đến cùng về cuộc hôn nhân này. Đợi đến lúc có con, nếu chuyện vỡ lở thì sẽ rất mệt mỏi.

Xin chị cho em lời khuyên.

T.B. (từ Thái Lan)

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

T.B. mến,

“Kinh nghiệm” mà em nói cũng đúng, nhưng nó chỉ là lý thuyết. Em có một cuộc đời riêng để tự trải nghiệm thay vì tự áp những lý thuyết bên ngoài rồi ngăn mình tự học lấy bài học của mình.

Nói về lý thuyết kia, quả có nhiều cuộc hôn nhân đổ vỡ vì quá khác nhau về văn hóa - mà văn hóa này có gốc gác từ gia đình. Nhưng ngược lại, vẫn có những đôi xuất thân rất khác nhưng vẫn hạnh phúc, vẫn cùng nhau xây đắp một cuộc hôn nhân tuyệt vời. Vậy, lý thuyết không đúng cho mọi trường hợp.

Quay về trường hợp của em, việc ba mẹ chồng chọn nói một sự thật lớn của gia đình trước mặt con dâu, chứng tỏ họ thực sự xem em là con. Những gì em trải nghiệm suốt 6 năm qua cho thấy họ rất tốt với em, giúp em có cuộc sống dễ chịu ở xứ người. Sự hòa hợp đó là thực tế mà không phải ai cũng có được.

Hãy dựa vào dữ liệu thực và cảm nhận cuộc sống thực mình đang trải qua. Điều đó giúp em nắm giữ tốt những thứ mình đang có và tránh làm tổn thương những người tốt với mình.

Về nhà chồng em, những trải nghiệm trong quá khứ rõ ràng là không dễ dàng với họ. Không ai muốn mình có một gia đình phức tạp. Lý do ba mẹ phải giấu chồng em suốt tuổi thơ thì đã rõ - họ sợ đối mặt với sự phản đối của bên nội.

Những cái khó mình không trải qua thì không nên phán xét. Chỉ nên nhìn vào hiện tại, với cách sống của họ trong hiện tại - đó mới là cái nhìn công bằng.

Mong em sớm vượt qua sự “bất ngờ” để từ từ chấp nhận và yêu thương cả những khốn đốn của người thân trong quá khứ và cũng để tận hưởng hạnh phúc của đời mình.

Theo phụ nữ TPHCM