Chồng thứ hai của chị là một người Ả Rập, theo đạo Hồi. Chị chưa từng nghĩ mình sẽ lấy chồng đạo Hồi. Sau khi tan vỡ cuộc hôn nhân đầu với người chồng Việt Nam, chị bỗng dưng mất luôn cảm giác (nghĩa là không còn bị thu hút bởi họ nữa, chứ không phải chê bai hay ghét bỏ) với đàn ông Việt nói riêng và đàn ông châu Á nói chung.

Vậy là chị chỉ hẹn hò đàn ông phương Tây. Thế mà đùng một cái, chị quyết định lấy anh - một người Ả Rập, đạo Hồi - sau gần 1 năm quen biết.

Bạn bè đều ngạc nhiên. Một phụ nữ bình thường lấy chồng đạo Hồi đã gây tò mò, một phụ nữ phóng khoáng như chị lại càng khiến người ta choáng váng. Mọi người vẫn hay gọi chị là “Sexy Summer Girl” (tạm dịch: Cô gái mùa hè bốc lửa) vì mái tóc xoăn hoang dại, những bộ monokini xẻ ngực táo bạo trên bãi biển hay những cốc rượu chảy tràn và những điệu nhảy lắc lư liên hồi vào mỗi cuối tuần.

leftcenterrightdel
 Khônng ai ngờ chị lại kết hôn với anh (Ảnh minh họa)
Có dạo, cứ thứ Sáu là thấy chị lên đồ đi chơi sau giờ làm, đồng nghiệp gọi vui chị là “Party Animal” (tạm dịch: Quái vật tiệc tùng) làm chị bật cười.

Ai cũng đinh ninh chị sẽ lấy một anh Tây da trắng, tóc vàng, mắt xanh cũng hoang dại và phóng khoáng như chị. Nhưng không, chồng chị là người Ả Rập, hơn chị 13 tuổi, da ngăm, mũi cao, mắt sâu với hàng chân mày đậm. Anh không phóng khoáng cũng không hoang dại, ngược lại rất điềm đạm, chững chạc và nhìn rất hiền.

Những điều ấy có thể gọi là ưu điểm nhưng… anh theo đạo Hồi. Chị sẽ thích nghi với một người chồng Hồi giáo như thế nào?

***

Chị kể, cũng chật vật lắm chứ chẳng đùa. Đầu tiên là làm sao vượt qua được thành kiến của mọi người về đạo Hồi.

Vừa nghe nói anh đạo Hồi, cha mẹ chị đã tỏ ý ngăn cản. Vậy nhưng chị thừa hiểu, vài thành phần cực đoan trên các bản tin thời sự quốc tế không đại diện cho tất cả người Hồi giáo, nên chị cứ lẳng lặng yêu và từ từ tìm hiểu. 

Càng ở gần anh, chị càng nhận thấy anh là người cực kỳ tử tế, bình tĩnh và bao dung. Anh ít khi để bụng, gần như không bao giờ nghĩ xấu về ai, luôn tìm lý do để tha thứ cho một hành vi không phải nào đó và luôn cho người khác cơ hội để cùng hàn gắn mối quan hệ giữa anh và họ.

Gần 1 năm bên nhau, chị thấy anh nổi nóng chắc chỉ vài lần, mà nếu giận quá, anh sẽ bỏ ra ngoài hút thuốc rồi quay vào nói chuyện, tuyệt chưa từng tổn hại hay xúc phạm chị. Mà không chỉ riêng chị, anh đối với hầu hết mọi người đều như thế. Anh tốt đến mức lắm khi làm chị nổi cáu vì không phải ai cũng xứng đáng nhận sự tử tế đó từ anh.

Để có thể kết hôn cùng anh, chị phải cải sang đạo Hồi. Chị bắt đầu tìm đọc sách về đạo Hồi, nghe chồng giảng về các quy tắc cơ bản của đạo Hồi. Phụ nữ đạo Hồi vốn phải tuân thủ những quy tắc trang phục và tiếp xúc nam giới rất khắt khe.

Anh hiểu chị vốn phóng khoáng thế nào trước khi gặp mình, nên đã ngồi xuống cùng chị soạn một bảng quy tắc riêng giữa hai người.

Theo đó, chị vẫn có thể diện quần short, váy ngắn trên gối và áo không tay nhưng không được để lộ quá nhiều phần thân trên. Chị vẫn có thể hẹn bạn khác phái hoặc đồng nghiệp nam cùng ăn trưa, uống cà phê nhưng không đi buổi tối và không dùng thức uống có cồn.

Chị vẫn có thể đi bar nhưng chỉ thỉnh thoảng và tốt nhất là có anh đi cùng, “Để anh còn chăm em khi em say” - anh hay bảo thế. Chị vẫn có thể mặc monokini nhưng không được xẻ sâu ngực. Tuy nhiên, khi vào nhà thờ Hồi giáo, chị bắt buộc phải diện trang phục kín đáo, đồng thời choàng khăn che tóc.

Khi nhìn tấm ảnh trong nhà thờ Hồi giáo được chị đăng trên Facebook, cả hội bạn thân cười rũ ra vì “con mẹ mặc hở bạo nhất thiên hà” giờ đến mái tóc cũng che kín nốt. Chị cũng chỉ biết nhe răng cười trừ.

Người đạo Hồi ăn uống khá khó khăn. Họ không được ăn thịt heo, còn các loại thịt khác phải là thịt Halal (thịt được giết mổ theo cách của đạo Hồi); chỉ có cá, trứng và hải sản được ăn thoải mái. Khi nấu ăn cho anh, chị phải mua thực phẩm Halal, dùng bột nêm chay, tránh món luộc và hấp vì anh không thích đồ ăn không dùng gia vị. Mỗi bữa cơm họ nấu và ăn cùng nhau cũng lắm nhiêu khê.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Khoảng thời gian đầu họ bên nhau thực sự khó khăn, không chỉ vì những nguyên tắc của đạo Hồi mà còn vì anh ghen khủng khiếp. Một tấm ảnh chị chụp bá vai cùng người khác giới cũng đủ làm anh phát điên. Nhưng, ngay cả khi ghen dữ dội và gây nhau ầm trời, anh vẫn không bao giờ làm tổn hại chị, dù là thể chất hay tinh thần. Chỉ là, nhìn anh đau khổ, chị cũng thấy đau lòng nên chị tự giữ kẽ, cẩn thận hơn.

Vậy đó, mà họ đã ở bên nhau được gần 4 năm. Thỉnh thoảng, có người hỏi: “Sao chị có thể thay đổi nhiều vậy? Em không nhận ra “Sexy Summer Girl” nữa” - chị chỉ cười vẻ bí hiểm. 

Chị nói năm đầu quen nhau, họ suýt chia tay mấy lần nhưng vì anh thương chị quá, nhường nhịn quá, bao dung quá nên chị đồng ý ngồi lại cùng nhau tháo gỡ những bất đồng, tìm một giới hạn dung hòa nhất định cho những sự khác biệt của cả hai. Hai người ở bên nhau, khác biệt phần nhiều ở văn hóa và tôn giáo. Còn lại, họ hợp nhau đến lạ lùng.

Anh chị có thể nói chuyện với nhau cả ngày không chán. Họ nói từ những vấn đề quan trọng như công việc, con cái, gia đình… đến những chuyện vặt vãnh hằng ngày như hôm nay chị đi làm trễ vì ngủ quên hay anh mải lo chơi game nên để nồi cơm khét… Mỗi khi chị bảo rằng em vừa đọc một quyển sách hay lắm; anh sẽ hỏi sách kể về gì, nói anh nghe đi, rồi họ sẽ cùng nhau bàn luận về quyển sách đó, dù anh chưa đọc nó bao giờ.

Người ở Ả Rập, người ở Việt Nam, phần lớn thời gian họ yêu xa nhưng chị gần như không cảm thấy cô đơn vì anh luôn ở đó khi chị cần, luôn hiện diện trong những câu chuyện của chị. Họ trò chuyện với nhau nhiều đến mức tâm trí và trái tim chị luôn được lấp đầy.

Những khi hạnh phúc ngập tràn, chị lại nhớ đến một lời khuyên tình yêu mình từng đọc đâu đó, rằng hãy lấy người bạn có thể trò chuyện mãi không chán vì khi già, chúng ta chẳng còn đủ sức để làm gì được nữa ngoài trò chuyện với nhau.

Chị thừa nhận, ban đầu, chị đồng ý kết hôn với anh chỉ vì tôn trọng và để anh được thoải mái với tôn giáo của mình.

Đạo Hồi không cho phép quan hệ trước hôn nhân nên anh luôn cảm thấy có lỗi khi chưa kết hôn mà ở cùng chị. Vậy là họ kết hôn, với hai người bạn Ả Rập làm chứng, theo đúng nghi thức của đạo Hồi. Bỗng dưng thành vợ thành chồng, để rồi càng ở cùng nhau, càng qua nhiều sóng gió, chị lại càng cảm thấy mình đã chọn đúng người, ít nhất là đến lúc này.

Thế nên mỗi khi có người tò mò hỏi lấy chồng Hồi giáo thì như thế nào, chị chỉ mỉm cười bảo vui: “Như người ta lấy chồng theo Thiên chúa giáo hay Phật giáo thôi”. Suy cho cùng, có đôi nào hòa hợp một cách hoàn toàn.

Có những cặp vợ chồng cùng tôn giáo, cùng quốc tịch, ở cùng nơi nhưng vẫn tranh cãi và bất đồng. Điều quan trọng là bất đồng nào có thể thỏa hiệp, bất đồng nào không; tranh cãi nào có thể nhường nhịn, tranh cãi nào không; người nào xứng đáng để ta lùi một bước, người nào không.

Khi đã thực sự trân trọng và yêu thương nhau, người ta sẽ tìm cách tháo gỡ thay vì tìm lý do để từ bỏ. Tình yêu nào, với ai, cũng chỉ đơn giản vậy thôi. 

Theo phụ nữ TPHCM