Vài tuần nữa là đến lần giỗ thứ 3 của chồng. Tôi tất bật chuẩn bị bởi 2 đứa con của chồng báo sẽ đưa cả gia đình về quê làm giỗ cho cha. Ngoài mua sắm lễ, lo đặt cỗ, tôi kê thêm giường sửa soạn chăn nệm để con cháu về có chỗ ngủ tươm tất. Đã bao năm từ ngày chồng mất, con cháu mới về đông đủ, tôi muốn các con thấy ấm áp khi về nhà như lúc còn cha.

leftcenterrightdel
 Tôi đến với chồng khi tuổi đã xế chiều, không có hôn thú và con cái chung (ảnh minh họa)

Tôi gặp chồng khi hơn 50 tuổi, còn anh qua tuổi 65, vợ mất và 2 đứa con đã trưởng thành đi làm xa. Chúng tôi đến với nhau không đăng ký kết hôn, không tổ chức đám cưới, chỉ làm mấy mâm cỗ ra mắt họ hàng. Lúc ấy, nhiều người khuyên tôi đừng lấy chồng, có lương hưu rồi thì ở vậy cho nhàn thân. Nhưng nỗi cô đơn tuổi xế chiều đã gắn kết vợ chồng tôi với nhau.

Tôi dọn về nhà anh ở, ngôi nhà của cha mẹ tôi giao lại cho đứa cháu trai để lo hương khói cho ông bà. Suốt 15 năm bên nhau, cuộc sống của chúng tôi trôi qua êm đềm. Tôi cùng anh lo dựng vợ gả chồng cho các con, chắt chiu dành dụm hỗ trợ khi con trai mua nhà, con gái chuyển công tác.

2 con của anh đối xử với tôi rất chu đáo, thường xuyên hỏi han và mua quà gửi về mỗi dịp lễ. Tôi cứ nghĩ đời mình hạnh phúc dẫu muộn màng nhưng lại trọn vẹn, về già có chồng, có con cháu sum vầy.

Cách đây 2 năm, chồng tôi đột ngột bị tai biến, liệt nửa người, phải nằm một chỗ. Do các con ở xa, một mình tôi chăm chồng, mỗi tháng đi viện mấy lượt. Con trai thỉnh thoảng gửi tiền về rồi gọi điện động viên tôi: “Cha đau, con biết dì vất vả. Chúng con thương dì nhiều lắm nhưng ở xa không đỡ đần được, trăm sự nhờ cả vào dì”.

Nghe con nói vậy, tôi cũng thấy ấm lòng vì con biết suy nghĩ trước sau. Chồng lâm bệnh gần 2 năm thì qua đời, từ đó một mình tôi hương khói thờ chồng, chỉ đến tết lễ, các con mới về nhà thăm. 1 năm trở lại đây, tôi thấy sức khỏe của mình yếu đi nhiều, lắm lúc bị bệnh đột ngột, ở một mình càng thấy lo lắng. Các con cũng ít về chơi hơn, tôi cứ nghĩ chúng nó bận nhiều việc.

Lần này các con đưa gia đình về giỗ cha đông đủ, tôi thấy vui và khỏe ra. Nhưng khi chuyện cỗ bàn vừa xong, họ hàng về hết, 2 con muốn nói chuyện riêng cùng tôi. Tôi đoán biết chắc chuyện nghiêm trọng nhưng không lường trước được tình huống này.

Con trai mở lời khá nhẹ nhàng: “Công ơn của dì đối với gia đình con không sao kể hết, chúng con biết ơn dì vì đã chăm sóc cha chu đáo khi bị bệnh và lo lắng chu toàn khi cha mất”. Tôi cười nói: “Sao con khách sáo vậy, dì là vợ của cha, đó là trách nhiệm của dì mà, có gì đâu mà ơn nghĩa”.

Con tiếp lời: “Dì à, ngôi nhà này, khi cha còn sống đã sang tên cho con, giờ việc làm ăn khó khăn, con muốn bán để lấy ít vốn”.

leftcenterrightdel
 Tôi không biết đi đâu về đâu khi con chồng bán ngôi nhà tôi đã gắn bó gần 20 năm (ảnh minh họa)

Tôi chưa kịp phản ứng thì con nói: “Bàn thờ của cha, con sẽ rước lên thành phố thờ tự. Con muốn báo trước để dì thu xếp chỗ ở, tầm khoảng 2 tháng nữa con sẽ treo biển bán nhà”.

Thấy vẻ mặt bần thần của tôi, con gái an ủi: “Việc này chúng con không muốn nhưng giờ tình thế bắt buộc, bán nhà xong sẽ gửi dì một phần để dưỡng già”. Tôi thật sự hoang mang, đôi mắt ngấn nước mà không nói được điều gì. Dẫu biết về lý, các con không sai vì nhà của cha để lại, nhưng về tình sao xót xa quá.

Các con đi rồi, tôi ngồi trong ngôi nhà vắng, nhìn ảnh chồng trên bàn thờ khóc nức nở. Tôi không biết mình sẽ đi đâu về đâu khi con chồng bán ngôi nhà này. Anh trai tôi đã mất, ngôi nhà cha mẹ để lại cũng đã sang tên cho cháu trai, tôi về lại chỉ ở nhờ, giờ đi thuê trọ ở cũng rất vất vả.

Khi mọi người biết chuyện, họ khuyên tôi đi kiện để đòi quyền lợi, nhưng tôi không muốn gây ồn ào, gia đình xào xáo chắc chồng tôi nhắm mắt cũng không yên. Tôi tự an ủi mình, vẫn còn khoản lương hưu hàng tháng, ăn uống chẳng hết bao nhiêu, chỉ cầu mong khỏe mạnh sống qua ngày. Tôi không oán trách ai, nhưng trong lòng rất hụt hẫng, xét cho cùng tôi và các con chồng chỉ là “người dưng nước lã” mà thôi.

Theo phụ nữ TPHCM