Chị Hạnh Dung kính mến,
Ngày trước khi tôi quyết định lấy anh, ba mẹ tôi có nói tôi cân nhắc cho kỹ, vì anh là con trai một, chắc sẽ được chiều chuộng và thương yêu lắm. Nhưng lúc đó vì quá yêu nên tôi bỏ qua mọi biểu hiện, thậm chí còn coi việc được chăm sóc anh là hạnh phúc.
Lấy nhau về, thời gian một năm chưa có con, tôi vẫn luôn chăm sóc anh, làm tất cả những gì anh thích và chiều mọi sở thích của anh. Cả nhà cứ khen anh lấy vợ sướng như ông hoàng, anh phổng mũi, tôi cũng vậy, tự hào mình là người phụ nữ biết chiều chồng.
Thế nhưng mọi việc chỉ bắt đầu trở nên tồi tệ từ khi có con, tôi sinh xong sức khỏe yếu quá, mà anh thì không hề có ý định chăm sóc tôi. Thậm chí, anh còn bảo là anh ghét con, rằng vì nó mà tôi lơ đãng với anh, không còn dành tình cảm cho anh nhiều như trước.
Bây giờ tôi mới thấm cái câu "Gậy ông đập lưng ông", khi ngày hôm qua, con sốt, bệnh nhưng anh còn dỗi vì tôi không kịp chuẩn bị bữa sáng cho anh đi làm, không ủi đồ sẵn cho anh.
Chiều hôm qua, anh về, thấy tôi còn đưa con đi khám bệnh, nhà cửa lạnh tanh, anh bỏ về bên mẹ chồng và nói rằng tôi để anh đói liên tục mấy ngày rồi. Mẹ chồng gọi cho tôi, mắng té tát, rằng không phải mình tôi có con nhỏ, lúc trước khoe mình đảm đang lắm, sao giờ mới có một đứa đã để chồng phải về nhà mẹ ăn cơm?
Tôi không còn sức để kể ra những gì mình phải chịu đựng, vì cách sống thơ ơ, vô trách nhiệm, quen được hầu hạ chiều chuộng của anh nữa. Bởi có kể, mẹ chồng cũng không hiểu, lại còn trách móc thêm. Tôi phải làm gì để thay đổi chồng đây chị Hạnh Dung?
Thiên Hà
Chị Thiên Hà thân mến,
Câu hỏi của chị làm Hạnh Dung nhớ tới câu của ông bà "Dạy con từ thưở còn thơ/ Dạy vợ từ thưở bơ vơ mới về". Trường hợp của chị thì phải đổi lại là "Dạy chồng từ thuở bơ vơ mới về" mới đúng nhỉ?
Chữ "dạy" nghe có vẻ nặng nề, nhưng thật ra Hạnh Dung nghĩ rằng điều người xưa nói chính là việc khuyên vợ chồng khi đã về chung sống với nhau rồi, mới phát hiện ra nhiều điều không phù hợp, không thích, thậm chí khó chịu vì nhau, thì cũng đừng vì thế mà vội nghĩ đến việc chia tay, ly hôn...
Rất cần giữa vợ chồng sự cảm thông, chia sẻ và cùng nhau thay đổi, để có thể sống cạnh nhau hòa hợp và vui vẻ. Để làm được điều này, tất nhiên sẽ rất khó, vì cả hai đều là những người trưởng thành, tính cách, lối sống đã hình thành và bám rễ ăn sâu trong người, thay đổi là chuyện không dễ dàng một sớm một chiều.
Chị đã từng vui vẻ chiều chuộng chồng khi chưa có con, thậm chí coi đó là niềm hãnh diện, tự hào, có nghĩa chị cũng đã từng là một "bà mẹ" xấu, bây giờ chị phải cố gắng sửa từ bản thân sửa đi thì mới được.
Trò chuyện với chồng nhẹ nhàng, bình tĩnh, nói cho chồng hiểu rằng cuộc sống của vợ chồng từ nay đã khác, giờ chúng ta đã thành cha, thành mẹ, chúng ta không chỉ chịu trách nhiêm về đời sống của mình, mà còn phải chịu trách nhiệm về con cái.
Tìm mọi cách để phát triển sự gắn bó, thương yêu của chồng với con. Chỉ cho anh những lúc con cười, con chơi, con nhận ra bố mẹ... Trẻ con phát triển, lớn lên và dễ thương từng ngày. Chồng chị rồi cũng sẽ nhận ra điều đó nếu anh cũng được tham gia vào quá trình nuôi dạy con lớn lên.
Hãy nhẹ nhàng nhờ vả chồng từng chút một những việc mà chị nghĩ rằng có thề khiến anh thích thú, quan tâm. Giao dần cho anh những trách nhiệm của gia đình, để anh quen với vai trò của mình...
Cùng rất cần sự trợ giúp của gia đình, người thân của anh trong việc thay đổi lối sống và suy nghĩ của anh về trách nhiệm của mình với gia đình. Chị nên có những cuộc trò chuyện thân tình với mẹ chồng hay một ai đó mà chồng thân thiết, nói rõ những điều khiến cuộc sống vợ chồng trục trặc. Hãy đặc biệt nhấn mạnh mong muốn vun đắp tình cảm và trách nhiệm của chồng với con cái. Hy vọng chị sẽ tìm được đồng minh, giúp chị cùng thay đổi chồng.
Non sông dễ đổi, bản tính khó dời. Hãy kiên trì, cứng rắn và cương quyết, như bà mẹ dạy một đứa trẻ vậy. Không thể cho chị những chỉ dẫn cụ thể hơn, vì mỗi đứa trẻ lại có một cách "dạy" riêng. Nhưng nếu chị thương yêu chồng, và chồng chị cũng có tình yêu thương thật sự với chị, thì kết quả chắc sẽ tốt đẹp.
Theo phụ nữ TPHCM