Mỗi giai đoạn xã hội đều khác nhau, việc so sánh sẽ trở nên khập khiễng; nhưng phải công nhận một điều, tình cảm gia đình các thế hệ trước dễ gắn bó, trong cái khó chung mọi người nương tựa vào nhau, yêu thương nhau hết mực.

Tôi còn nhớ hồi tôi khoảng 7, 8 tuổi, gần nhà có một gia đình nghèo. Bà vợ quanh năm đau ốm, có giai đoạn nhà thương “chạy”. Về nhà, con cháu luôn túc trực bên bà, yêu chiều, chăm sóc tận tụy.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Jcomp

Trời thương, bệnh tình của bà dần thuyên giảm. Bây giờ bà vẫn còn sống, tuổi ngoài 90. Dù vậy, từ lúc đổ bệnh tới nay, con cháu không cho bà làm việc nặng, mỗi ngày bà chỉ cắp rổ ra vườn ngắt mớ rau, vào nhà bắc cơm, nhà dơ thì bà quét. Nấu ăn, rửa chén, lau nhà, con cháu cũng không cho bà chạm tay vào.

Các con bà hầu như có đời sống bậc trung, nhưng độ hiếu thảo thì tràn trề, chỉ cần bà ho nhẹ là con cháu đầy nhà. Ở xóm tôi, nhà nào cũng lấy các con bà làm tấm gương về lòng hiếu thảo. Bà cụ ấy, cũng như khá nhiều cụ già khác, sống trọn vẹn cả một giai đoạn khó khăn. Trong gia đình, mọi người cùng nhau san sẻ công việc, cùng chia sẻ buồn vui, quan tâm, lo lắng cho nhau. Hành trang tiến vào tuổi già của họ chính là lòng hiếu thảo của cháu con.

Bây giờ, người chớm già đã đủ các loại bệnh. Họ thậm chí lên kịch bản nếu mình ốm đau sẽ thuê người chăm, có người còn để dành tiền để tự lo đám tang mình mà không phiền con cháu…

Phong trào mua bán online nở rộ, bà Thy Khánh (ở quận 4, TPHCM) liền phát huy thế mạnh làm các loại bánh gói, bánh nậm, bánh bột lọc truyền thống của xứ Huế quê bà. Nhờ cô con gái quảng cáo qua mạng, nhờ tài làm bánh khéo, mỗi ngày bà nhận khá nhiều đơn hàng, một mình nuôi 4 đứa con, còn tích góp số tiền lớn dưỡng già. Khi cảm thấy cần được nghỉ ngơi, bà giao lại gian hàng bánh online cho cháu ngoại, để đi chơi với bạn bè. 4 cô con gái của bà, đứa nào cũng con nhỏ nhưng bà Khánh nhất quyết không chịu giữ cháu, dù các con mở lời. 

Bà nghĩ, vợ chồng các con phải lo cho con cái, bà không có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dạy các cháu. Bà già rồi, kinh nghiệm nuôi cháu thì có nhưng sức khỏe thì không, chưa kể mỗi thời nuôi con mỗi khác, bà không bắt kịp. Bà Khánh bình yên tiến vào tuổi già bên cạnh cháu con, bên số tiền tích góp gửi ngân hàng, bên cơ thể khỏe mạnh nhờ tập thể dục. 

leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ

Còn bà Quỳnh Hương, nhà ở quận Tân Bình, TPHCM chia sẻ: vợ chồng bà đều làm công việc tự do nên không có bảo hiểm xã hội. Xác định thế nên khi vừa lấy nhau đã hoạch định tài chính cho cuộc sống hiện tại và tương lai. Số tiền làm ra, ngoài chi tiêu những việc chính đáng hằng ngày, dư dôi thì mới “bỏ ống”.

Nhờ siêng năng và tiết kiệm, tháng nào cũng có dư, đến cuối năm đi mua vàng. 32 năm kết hôn, vào tuổi 55, số vàng vợ chồng bà dành dụm, khiến con cháu không ngờ tới, “tích tiểu thành đại” chính bà cũng tự khen mình.

Bà nhờ con gái bán vàng, đem tiền gửi ngân hàng lấy lãi. Bà Hương nói, tiền mình làm ra tiêu mới sướng, tuổi già không phụ thuộc kinh tế con cháu mới hạnh phúc. Có tiền, khi bệnh, mạnh dạn đi bệnh viện. Có tiền, thèm gì ăn nấy. Có tiền, muốn đi du lịch thì vác túi lên…

Già ngửa tay xin tiền con cũng được, nhưng đụng tới ví tiền của con chẳng sướng chút nào, chưa kể xin con trai thì đụng con dâu, xin con gái thì chạm con rể, mà đâu phải đứa con nào cũng khá giả.

Lời bà Hương nói không sai. Dĩ nhiên, con cháu cũng sẽ không bao giờ bỏ cha mẹ, chữ hiếu luôn làm trọng. Nhưng tôi nghĩ, muốn trở thành những người già tự chủ về kinh tế, ngay từ thời trẻ phải lên kế hoạch. Điều đó thực ra chẳng quá khó. 

Theo phụ nữ TPHCM