Chồng mất để lại 5 đứa con lộc ngộc và bao công chuyện làm ăn bộn bề, bạn tôi chới với dù cô ấy không phải lâm vào cảnh chạy vạy cơm áo ngày 3 bữa để nuôi lũ nhỏ ăn học. Nhưng làm thế nào để dạy dỗ các con khỏi hư hỏng và quản lý, điều hành cơ sở kinh doanh của gia đình cho ổn định đã là một gánh nặng kinh hồn.

Thế là cô ấy vắt kiệt sức lực và đầu óc ra để mọi thứ được trôi chảy. Bước chuyển giao bất đắc dĩ nghe ra cũng chẳng suôn sẻ mấy và tôi được biết, thất bại cũng chẳng ít ỏi gì.

leftcenterrightdel
 Nguồn ảnh: Shutterstock

Đằng đẵng trên 20 năm trời, suốt ngần ấy thời gian với bao biến cố, tai vạ… trong gia đình bạn mình, tôi đã lắm hồi phải nghĩ chắc là cô ấy không trụ nổi. Vậy mà liêu xiêu, nghiêng ngả mãi rồi cũng bình ổn. 2 cháu lớn lập gia đình đã được dăm bảy năm nay. Vợ chồng đứa đầu đã có 2 con, làm cũng vừa vừa và ăn cũng tàm tạm nhưng điều may nhất là chúng sống với nhau yên ấm; cùng tạo dựng được một gia đình tử tế, nền nếp. Nói thế là vì cậu trai này hồi còn thanh niên quậy có “đẳng cấp” và bạn tôi đã phải bao phen “lên bờ xuống ruộng” vì con.

Con gái theo nghiệp kinh doanh của gia đình, thu nhập khá và cuộc sống lứa đôi rất ổn. Cháu thứ ba cùng mẹ quản lý chuyện bán buôn và 2 đứa cuối còn đang đi học. Mấy năm gần đây, bạn tôi đã nhẹ tâm nhẹ người nhiều nên mới dám nghĩ đến việc đi bước nữa bằng một đám cưới được tổ chức vào tuần qua.

Đó là một người đàn ông… độc thân hẳn hoi và ở không như vậy suốt thời gian cặp kè với bạn tôi. Ông được con bảo lãnh qua Mỹ từ cách đây 4 năm. Đã tưởng như vậy là chấm hết vì trở ngại nhiều lại lâm cảnh cách xa nhưng thương nhau và quyết lòng đi tới hôn nhân, cả hai đều có những nỗ lực riêng. Biết cả một lực lượng hùng hậu là dâu rể, con trai con gái… của người yêu luôn tìm cách ngăn cản, ông cứ tiến tới từ từ.

Mỗi lần về Việt Nam, ông lại đi tiếp 1 bước và suốt mấy tháng ở quê nhà, lại lo củng cố cho cái bước này được hoàn thiện vững chắc. Chẳng hạn như lo việc làm cho cậu con đầu, chạy vạy chuyện nhà cửa cho gia đình con gái, thu xếp việc học hành cho đứa út, chuyện ốm đau cho cháu ngoại…

Không thể phủ nhận thiện chí và tình cảm chân thành nơi người đàn ông đang yêu mẹ mình, các con cô ấy từ chỗ ghét ông nhiều đã… bớt ghét rồi dần dần chuyển sang quý mến, gần gũi. Còn bạn tôi? Cô ấy cho biết nếu lấy chồng cho riêng mình thì cô đã làm đám cưới cách đây 15 năm rồi. Nên, có trễ muộn tới đâu cũng phải ráng chờ cho mọi thành viên trong nhà vui vẻ đồng thuận.

Đám cưới của 2 người được chính các con của cô ấy tổ chức, hết sức đàng hoàng. Tiệc trưa dành cho 2 họ và tất cả con cháu của cả 2 người. Tiệc chiều dành cho bạn bè thân hữu. Mọi công chuyện từ nhỏ tới lớn đều do anh chị em chúng nó tính toán, lo liệu và sắp đặt rất chu đáo.

Nhìn bạn tôi cùng chồng mới đứng ở cổng hoa chờ khách; nhìn dâu rể, con trai con gái của cô ấy tất tả với việc cưới xin của mẹ mà cảm động lạ lùng.

Nhưng tôi chỉ thực sự muốn khóc khi ngắm nhìn họ trên sân khấu.

Họ - đôi tân hôn đến với nhau trễ tràng - đã một lần đứt gánh và đang ở cái mốc trên dưới 60 tuổi đời. Già rồi, chai sạn rồi, từng trải lắm lắm rồi mà ấp úng mãi, ngập ngừng mãi vẫn không nói cho trọn một lời. Ấy là lời cảm ơn các con.

Theo phụ nữ TPHCM