Yêu, cầu hôn, cưới được xem là “quy trình chuẩn” của các cặp vợ chồng. Thế nhưng, một khảo sát nhỏ do Zing thực hiện về chuyện cầu hôn cho kết quả thật bất ngờ: 90% phụ nữ Việt Nam chưa từng được cầu hôn. Có thể khảo sát này chỉ dựa trên một nhóm nhỏ bạn đọc, nhưng con số ắt cũng khiến ta tò mò, tự hỏi vì sao…
|
Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: Shutterstock |
Ai cũng mơ màng cầu hôn hoành tráng?
Thời đại của mạng xã hội, chúng ta biết có nhiều cuộc cầu hôn hoành tráng; khi thì của nghệ sĩ này, lúc là doanh nhân kia. Các màn cầu hôn cổ tích lộng lẫy đó dường như khiến các cô gái thêm mơ mộng, thầm ước ao nhân vật nữ chính là mình.
Tôi gửi một câu hỏi vào nhóm cư dân nơi tôi đang sống, dành cho các cô gái trẻ, rằng họ có thích được cầu hôn hay không. Nhiều biểu tượng mặt cười được gửi đi tới tấp. Nhiều câu trả lời bằng một câu hỏi ngược lại “Vậy có người nào không thích hay sao?”.
Là họ thích, rất thích. Họ bảo đôi khi không cần màu mè gì cũng được, chỉ cần trong quán cà phê, bạn trai nói “mình cưới nhau nghen, làm vợ anh đi” là đủ vui rồi. Nhưng có rất nhiều người, yêu đương hẹn hò rồi cưới hỏi cứ như việc hẳn nhiên.
Thu Trang - nhân viên một công ty kinh doanh thực phẩm - từng có những mộng tưởng về một lần được cầu hôn, nhưng phải đến khi có với nhau 2 con, lúc kinh tế đã ổn, cô mới đề nghị chồng mình cầu hôn, trên bãi biển. “Lúc đó lỡ có thai trước, nên cuống cuồng tổ chức đám cưới, còn nơm nớp lo lắng đủ điều, làm gì có được một lời cầu hôn cho ra vẻ” - Trang vừa cười vừa nhắc lại “sự cố” của mình khiến mọi thứ không đúng như mong ước.
Đường đến hôn nhân có trăm ngàn nẻo. Như Thục Hoa - kế toán trưởng một công ty truyền thông - cưới khi đã gần 40 tuổi. “Mình hỏi ảnh đám cưới được chưa, ảnh gật đầu rồi về đưa ba má tới. Mình mừng quá trời, còn hơi sức đâu nghĩ đến chuyện cầu hôn” - Hoa đùa. “Nhưng sau này, khi cả nhà đang cùng xem một bộ phim tình cảm, cô con gái hỏi lúc cầu hôn mẹ ba nói gì, vợ chồng mình không biết kể sao với con” - Hoa nói thêm. Có lần trong lúc cãi nhau, chồng Hoa còn nói do lúc đó cô quá hối thúc chứ anh chưa thực sự muốn cưới vợ. Vậy thì mơ gì một cuộc cầu hôn chủ động.
|
Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: Jcomp |
Trong bộ phim Leap year (Cô gái đi tìm tình yêu) có nhắc đến truyền thuyết của người Ireland là vào ngày 29/2, người đàn ông nào được hoặc bị cầu hôn phải chấp nhận lời cầu hôn đó, nên nhân vật nữ chính đã quyết định vượt mọi khó khăn bay đến Ireland để cầu hôn người bạn trai là bác sĩ.
Nhưng, trong hành trình đó, thay vì quỳ xuống cầu hôn bạn trai như kế hoạch, cô đã chọn người đồng hành cô gặp trên đường. Dù phim chỉ là phim hoặc thậm chí thể hiện khát khao thơ mộng nào đó của biên kịch, nhưng đó là hình ảnh nên thơ nhất của thanh xuân mộng mơ.
Các chàng trai, hãy mạnh mẽ thể hiện!
Minh Anh - chàng sinh viên năm ba của một trường đại học dân lập - vừa cầu hôn thành công bạn gái quen từ năm lớp Mười hai. Cậu đã dành dụm tiền đi làm thêm từ năm nhất để mua chiếc nhẫn trị giá 50 triệu đồng và cầu hôn theo kịch bản được đám bạn thân lên sẵn, vừa lãng mạn vừa bất ngờ.
“Khi bạn gái xúc động đến khóc lên vì bất ngờ, tôi nghĩ mình đã làm đúng” - Minh Anh chia sẻ. Nhưng cầu hôn có thực sự quan trọng không? Sau khi cầu hôn, bạn dự định sẽ cưới sớm chứ? Trước những câu hỏi này, Minh Anh bảo bản thân thích có một dấu ấn gì đó cho tình yêu và bạn gái anh xứng đáng có được niềm vui ấy.
Nếu đã xác định được tình cảm, các chàng trai hãy mạnh mẽ cầu hôn người con gái mình thương, không cần màu mè hay làm gì lớn lao, đôi khi chỉ cần một cái ôm, một câu nói thôi đã khiến phụ nữ vui mà. Phụ nữ vốn rất dễ vui và nhớ lâu những điều nhỏ nhặt.
|
Ảnh mang tính minh họa - Freepik |
Hôn nhân luôn là chuyện hệ trọng của cả đời người và cầu hôn chính là một cánh cửa để mở đến hôn nhân hạnh phúc. Với rất nhiều chàng trai, dù họ đang yêu đương, phải đến lúc người lớn thúc giục họ mới quyết định.
“Khi nhà bạn gái gọi đến hối cưới, tôi mới nghĩ đến việc về nhà thưa chuyện với ba mẹ mình nên làm gì có suy nghĩ cầu hôn. Với tôi thì chuyện cầu hôn chỉ có trên phim, làm gì có ngoài đời. Sống sao sau hôn nhân mới là chuyện cần quan tâm, chứ bận tâm làm gì những chuyện ngoài lề” - Thanh Tâm - nhân viên bán hàng một công ty viễn thông - nói thế khi được hỏi về chuyện cầu hôn trước kia của mình.
Có lẽ Thanh Tâm nói đúng, thứ chúng ta cần là một cuộc sống hôn nhân viên mãn, còn mọi thứ quanh đó chỉ là những yếu tố giúp cuộc sống thêm màu sắc mà thôi.
Nhưng nếu có được một màn cầu hôn thực đáng nhớ, há chẳng phải là nền tảng, một kỷ niệm thật đẹp để góp phần giữ hôn nhân sau này hay sao?
Theo phụ nữ TPHCM