Linh đi lòng vòng quanh chiếc quan tài. Mắt cậu căng to. Mùi nhang khói khiến nước mắt chảy, hay uất ức tủi thân?

Người nằm kia là bà nội cậu, mất vì già yếu ở tuổi 96. Ba Linh là con trai thứ. Trên ba cậu là cô Hai, sau ba Linh còn có 5 em trai, 1 em gái, nên theo tập quán văn hóa Á Đông, Linh là cháu đích tôn. Vậy mà, trong khi các con của cô, chú của Linh đội khăn tang có cái chấm tròn đỏ, tròn xanh - để phân biệt cháu nội, cháu ngoại - thì Linh không được xé tang.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Ba mẹ Linh ly hôn vào năm cậu 14 tuổi. Ba Linh có bồ, một người đàn bà không đẹp, không xấu, nhưng cực kỳ nhiều tiền. Mẹ Linh xinh đẹp, nhiều chữ.

Linh chứng kiến, khi bắt gặp chồng và bồ cặp kè trong quán cà phê, mẹ Linh xin quán một ly trà đá, đổ ra bàn và nói với ba Linh: “Nước đổ rồi, khó hốt lại được lắm”.

Đó là kết quả của nhiều lần nó nghe ba mẹ cãi nhau về chuyện “người thứ ba”. Lạ một điều, ông bà nội Linh không lên tiếng ngăn cản, còn có vẻ thích. Có lần, chú Tý - bạn thân của ba Linh - nói: “Linh, con sắp có dì rồi. Mẹ con tuy nhiều chữ nhưng ít tiền, còn dì vừa giàu, vừa nhỏ tuổi hơn”.

Sau khi ba mẹ ly hôn, Linh bỏ học, xin mẹ cho đi học nghề. Mẹ Linh khóc hết nước mắt. Linh cũng khóc khi nghe mẹ nói, tại mẹ mà con khổ, phải chi mẹ ráng nhịn một chút. Nhịn, từ này ám Linh đến tận bây giờ.

Nhịn, mẹ Linh có nhịn. Mẹ về làm dâu khi đám em chồng còn mặc quần rách không biết mắc cỡ chạy đá bóng, chơi năm mười cho tới lúc họ có chồng có vợ, nên ai cũng quý yêu mẹ nó.

Từ hồi Linh biết suy nghĩ, chưa nghe mẹ nó bị ông bà nội than phiền, như vậy là biết cách làm dâu của mẹ nó như thế nào rồi. Điều Linh thắc mắc mãi tới tận hôm nay, không giải thích được, là vì sao ông bà nội im lặng khi ba có bồ.

Linh ngồi trong bàn cùng với những người hàng xóm đến viếng tang, nghe họ chất vấn những người trong gia đình: “Sao không xé tang cho Linh?”. Một người trong dòng họ trả lời: “Con bà vợ sau được ba nó chọn làm cháu đích tôn, nên không xé tang cho nó”.

Cô, chú của Linh ngạc nhiên và bất ngờ trước quyết định này, nhưng không ai phản đối. Họ cũng giống như ông bà nội, biết con trai mình làm điều sai, nhưng vẫn dung túng và bao che. Ông bà thuộc thành phần nông dân, làm ruộng rất giỏi. Bà nội ngày còn con gái đã nổi tiếng về việc cấy mạ nhanh ở xứ Mỏ Cày.

Khi chiến tranh bước vào thời kỳ ác liệt, ông bà nội rời quê về Sài Gòn sống để tránh đạn bom, rồi lại trở về quê sau 1975 theo diện hồi hương kinh tế mới. Một thời gian sau lại bỏ quê về lại Sài Gòn vì đời sống nông thôn cực quá. 

leftcenterrightdel
 

Mẹ Linh vào nhà chồng làm dâu ở giai đoạn này. Cũng vì trải qua nhiều dâu bể cuộc đời nên ông bà nội Linh không hà khắc với con dâu, nhưng cái tư tưởng “con trai mình vẫn nhất” thì không bỏ được. Có lẽ vì vậy mà khi ba Linh có bồ, ba đòi ông bà phải đứng ra chính thức cưới vợ hai, ông bà đã không từ chối.

Linh bước tới đầu quan tài, đốt thêm cho bà nội nó cây nhang. Linh đứng ngây người nhìn tấm hình mẹ chồng cũ của mẹ. Bà đang mỉm cười. Linh lại nhớ, cách đây 1 năm, khi bà nội chưa mất trí nhớ, ngày tết, Linh về thăm, bà nắm tay Linh, rất chặt, khóc, rồi thầm thì: “Bà nội xin lỗi con, xin lỗi mẹ con. Không ai luộc con gà 2 lần, nhưng ông bà thì có, đó là việc làm chủ hôn, đi cưới vợ cho con trai mình lần thứ hai, làm cho gia đình con ly tan, làm con phải khổ, bà nội xin lỗi”. 

Theo phụ nữ TPHCM