Em năm nay 29 tuổi làm nhân viên marketing cho một nhãn hàng điện tử ở Hà Nội. Em cũng đã trải qua vài mối tình nhưng vì đến tuổi này chưa “chung kết” được ai nên bà thím em giới thiệu cho người cháu họ mà bà cho là rất tương xứng với em.

Anh là người đàn ông không đẹp trai mấy nhưng công việc ổn định, lại được bố mẹ mua cho một căn hộ chung cư ở quận Hà Đông (Hà Nội). Còn em, tuy nhan sắc bình thường nhưng cũng thuộc loại ưa nhìn, mức lương hơn chục triệu một tháng. Hiện tại em chưa mua được nhà nên vẫn ở thuê cùng với một cô bạn.

Sau vài lần đi uống nước thấy anh có nghề nghiệp nhà cửa đàng hoàng ai cũng bảo em tốt số và em cũng nghĩ thế. Nhưng không ngờ, càng ngày anh càng lộ ra tính hà tiện “trên mức bình thường” khiến em ngán ngẩm. Làm sao sống suốt đời với ông “Mit-stơ Keo” này được?

tiet-kiem-tien-1

Ảnh minh họa

Lương cứng của anh ấy là 15 triệu, tháng nào cũng có thưởng thêm nên thu nhập không dưới 20 triệu/tháng, gấp đôi lương em và anh lại có nhà riêng. Vì vậy trong tư tưởng của anh lúc nào cũng cho là em “vớ bở”.

Từ ngày nhận lời làm bạn gái anh đến nay là 8 tháng, trong mỗi lần hai đứa đi chơi chung lúc nào em cũng thấy anh tính toán so bì. Mỗi lần đi ăn chung, nếu hôm này anh trả thì hôm sau em cũng chủ động trả.

Nhưng lần nào em trả tiền thì anh ấy vui vẻ, còn lần nào anh trả thì anh luôn miệng kêu đắt. Có lần vừa ra khỏi hàng anh đã làu bàu: “Có 2 bát bún cá mà họ chém 80.000 đồng. Toàn cá ươn mua rẻ từ mấy bà bán ế ngoài chợ rồi về tẩm gia vị chiên lên chứ báu gì”.

Nghe xong câu nói của anh, em thực sự sốc. Anh có ô tô do ông bố mất đi để lại nhưng không thấy đi bao giờ. Anh thường xuyên mượn chiếc xe máy của em. Nhà trọ gần công ty, em thường cuốc bộ đi làm, nên việc anh mượn xe thường xuyên cũng không có vấn đề gì. Có điều mỗi lần đưa xe cho anh, em đều đổ xăng đầy bình nhưng đến khi anh trả thì xăng đã đến vạch đỏ.

Có lần không để ý em đã phải dắt bộ vì hết xăng giữa đường. Anh giải thích hiện tượng đó là: “Lúc đi qua cây xăng thấy họ xếp hàng anh ngại chờ lâu”. Nhiều lần hai đứa giận dỗi chung quy cũng chỉ vì tiền. Đây là vấn đề tế nhị em rất ngại đề cập với người yêu.

Anh ấy còn bảo “Anh làm thế là để tiết kiệm cho tương lai của chúng ta”, rồi nào là “Em không biết quý trọng đồng tiền”.

Em thấy rất phân vân. Cô bạn cùng phòng em thì e ngại: “Còn yêu nhau mà tính toán thế sau lấy nhau về có lẽ hắn còn đếm tiền lẻ cho mày đi chợ”. Trong khi mẹ em lại nói: “Mày hay tiêu hoang, lấy nó biết tiết kiệm thì mới giữ được chứ cả hai đứa cùng hoang thì bán nhà lúc nào không biết”.

Em biết anh là người có điều kiện kinh tế vững vàng, chững chạc lại có chí tiến thủ nhưng liệu lấy anh, em sẽ có được người chồng chín chắn, biết lo toan cho gia đình, hay là phải chịu đựng cảnh “đo lọ nước mắm đếm củ dưa hành” cả đời? Em nghĩ cả đêm không biết nên quyết định thế nào, xin chuyên gia cho một lời khuyên?

 
Empty

Ảnh minh họa

Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa tư vấn

Bạn thân mến!

Điều tôi lấy làm lạ là một người sinh trưởng trong gia đình khá giả như anh ấy, được cha mẹ nuông chiều mua nhà, cho xe ôtô mà lại có tính keo kiệt đến như vậy? Bản thân anh ta lúc còn đi học chắc cũng không thiếu thốn gì, ra trường lại có cuộc sống dư giả so với nhiều người.

Đọc thư bạn, tôi thấy khó hiểu và nghi ngờ điều này. Vì thông thường tính cách con người chịu ảnh hưởng rất nhiều của hoàn cảnh sống.

Thực ra trên đời không có ai hoàn hảo cả, bạn đừng vội thất vọng. Trong thực tế có những anh chàng khi đi tán gái thì rất “ga-lăng”, mời người yêu vào những nhà hàng sang trọng, nhưng sau khi cưới mới lộ ra công nợ đầm đìa, vợ nghe người ta gọi điện đòi nợ hàng trăm triệu mà “rụng rời” chân tay.

Người đàn ông của bạn tuy có “keo” nhưng không sĩ diện hão, có thể là một người chồng biết quản lý kinh tế gia đình, điều đó quan trọng. Nhất là bạn cũng có thu nhập không tồi, không ăn bám chồng và cũng không phải ngửa tay xin chồng thì không có gì đáng lo.

Để hiểu hơn về người chồng tương lai, bạn nên trao đổi với anh ấy về vấn đề tài chính trong cuộc sống chung sau này xem anh ấy nói thế nào? Thí dụ như cưới xong sống ở đâu, ăn riêng hay ăn chung với gia đình anh, mỗi tháng anh có thể góp bao nhiêu, em bao nhiêu?,…

Những câu hỏi này sẽ làm sáng tỏ quan điểm của anh ấy về cách chi tiêu trong cuộc sống vợ chồng. Nếu bạn thấy hợp lý thì chấp nhận, còn thấy vô lý không chấp nhận được thì phải xem lại. Bạn phải cân nhắc sau khi anh ta trả lời những câu hỏi trên để quyết định có “chung kết” không?

Nếu bạn muốn sửa tính keo kiệt của anh ấy thì phương pháp không phải là kêu ca, phê phán anh ta mà chính bạn phải tỏ ra rộng lượng để cảm hóa anh ấy.

 Bạn đừng đi tìm một người bạn đời hoàn hảo, bởi trên đời không có sẵn một người như thế, chỉ có chúng ta làm cho họ trở nên hoàn hảo mà thôi.

Theo giadinhonline.vn