Một ngày nọ, thấy mẹ tôi và một người bạn đến nhà chơi, dì tôi mừng rỡ rủ cả hai ra quán cà phê. Mẹ tôi bàn ra, bảo ở nhà nói chuyện thoải mái hơn, nhưng dì tôi vẫn khăng khăng, đòi ra quán cà phê gần đó.
Trên đường đi, dì thú thật là thấy người ta ngồi trong quán có vẻ thư thái, hưởng thụ cuộc sống, nhưng một mình vô quán thì dì ngại. “Nên sẵn có hai chị đến thì em rủ đi cùng, chứ không em không dám đi một mình”, dì nói.
Nghe tôi tò mò, mẹ kể, quán dì rủ vào cũng không phải to lớn hay sang trọng. Chỉ là một cái quán đơn sơ, bình thường, nằm gần sát một con đường nhỏ. Vài cái bàn, ghế mây, với hai người phục vụ.
|
|
Cà phê một mình, thú vui tao nhã mà không phải người phụ nữ nào cũng dám thử một lần vào quán. |
Nghe mẹ kể, tôi hết sức ngạc nhiên, vì dì sống ở thành phố lâu nay, là viên chức về hưu, lẽ nào không quen với chuyện vào quán cà phê.
Mẹ tôi nghiêm giọng bảo: “Thật ra mẹ cũng như dì con thôi. Cũng muốn một lần được hưởng cái thú vào quán ngồi, hưởng cảm giác không lo nghĩ gì cả như người ta”.
Mẹ kể, có lần mẹ đi bộ ngang qua quán cà phê nhỏ ở chung cư, thấy vài người phụ nữ trạc tuổi mình, tóc đã bạc, da đã nhăn ngồi gác chân lên ghế, thong dong nói chuyện với bạn kế bên, mẹ thèm được như họ. “Nhưng mình mà có vào thì cảm giác cũng không thể thong thả, thư thái như thế!”, mẹ tôi tự nhận xét.
Tôi muốn nói với mẹ rằng có thể những bà, những cô đó nhà cũng có lắm việc phải lo nghĩ hay bản thân họ cũng đang có một vài chứng bệnh phải sống chung. Chỉ là họ lơ đi những bận rộn cũ, biết và đang tận hưởng từng phút giây sống cho riêng mình, không phụ thuộc cảm giác người khác. Cảm giác là thứ mình có thể tạo ra để cuộc sống chúng ta thêm đa dạng, sắc màu. Điều mà nhiều người vẫn gắn cho nó là giá trị ảo, nhưng thật cần thiết trong cuộc sống bộn bề hiện nay. Nhưng tôi biết có nói ra mẹ tôi cũng không đồng ý với quan niệm của tôi. Mẹ tôi lại bảo: “Có ai sống hưởng thụ như con đâu”, dù hơn ai hết mẹ biết tôi phải gánh những gánh nặng gì.
Mà đâu chỉ U80 như mẹ tôi mới không dám vào quán cà phê vì thấy “dị”, nhiều phụ nữ U50 cũng không dám đi cà phê, tụ tập gặp gỡ nhau. Cách đây 2 năm, về quê, tôi liên lạc lại được với mấy người bạn học mà 35 năm tôi mới gặp lại. Mừng rỡ, tôi rủ bạn đi cà phê nhưng một bạn nữ từ chối thẳng: “Tụi tôi là dân ruộng, có phải dân thành phố đâu mà đi cà phê!”.
Tôi thuyết phục bạn, bảo đi cà phê vào buổi tối, lúc đó cũng cần nghỉ ngơi. Bạn cười, kể buổi tối vẫn phải may đồ cho khách, sáng thì đưa, đón con đi học, ra đồng dặm lúa, nhổ cỏ, lo gà vịt, dê, rồi đi chợ, nấu ăn... lúc nào rảnh và buổi tối là phải may.
|
|
Thả lỏng, nhâm nhi một ly cà phê đó cũng là cách để phụ nữ có được những giây phút sống cho riêng mình (Ảnh minh họa) |
“Có hôm làm việc rồi may đến khuya, sáng hôm sau người mệt mỏi, đau nhức, không muốn dậy mà vẫn phải cố gắng dậy đi làm”, bạn tôi than.
Tôi đùa rằng, kinh tế bạn đã ổn định, chồng là công an, vợ là thợ may, hai đứa con đã lớn cả trong đó cô con gái đầu đã đi làm, làm tiền nhiều để làm gì? Bạn thở dài, nói nào có dư đâu, tiền nhà rồi tiền đám tiệc bà con, hàng xóm, thôi nôi, sinh nhật; một tháng cả chục đám, không đi không được.
Nghe đến đó thì tôi “tắc”, không dám rủ rê. Tôi thương bạn, dành thời gian cho nhiều người nhưng không dám sống cho mình chỉ một vài giờ. Những định kiến rồi trách nhiệm, bổn phận đã trói chặt mẹ tôi, dì tôi, bạn tôi vào nếp sống, thói quen cố hữu. Lâu dần nên không ai dám vượt qua hình mẫu chuẩn phụ nữ luôn phải quên mình, vì chồng, vì con.
Là phụ nữ, ai cũng biết rằng biết tận hưởng cuộc sống mới có thể đem đến sự thoải mái, vui vẻ cho bản thân và những người xung quanh. Nhưng mấy ai tạo cơ hội cho mình chỉ 30 phút để hưởng vị đắng ngọt và hương thơm lan tỏa của ly cà phê ban sáng mình tự thưởng cho bản thân?
Tôi mong sẽ có một ngày tôi đủ tiền mở một quán cà phê nhỏ xinh. Đến cuối tuần, tôi sẽ thực hiện chương trình “ly cà phê thương mình”, dành tặng cho những người phụ nữ chưa một lần cà phê một mình. Để họ có cơ hội yêu bản thân hơn, sống cho riêng mình những giây phút hiếm hoi và thấy rằng cuộc đời mình vẫn hạnh phúc.
Theo phụ nữ TPHCM